Đại học lẽo đẽo dạy lại kết quả nghiên cứu khoa học là nỗi đau xã hội
Cập nhật: 14/01/2021
Bắt giam cựu điều tra viên ở Đồng Nai vì dùng nhục hình
"Nổ" quan hệ với nhiều lãnh đạo để lừa đảo lấy tiền "tách thửa"
[VOV2] - "Chừng nào trường đại học còn lẽo đẽo đi giải thích lại cho sinh viên những kết quả mà khoa học nghiên cứu được, doanh nghiệp đã làm được thì người ta vẫn gọi đó là nỗi đau xã hội" - GS.TS Nguyễn Hữu Đức, nguyên Phó giám đốc ĐHQG Hà Nội nhấn mạnh
Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo", Nghị quyết 77 của Chính phủ "Về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập", bức tranh giáo dục đại học đã có nhiều thay đổi. Đến nay hầu hết các trường tham gia thí điểm tự chủ có bước bứt phá trong đào tạo và nghiên cứu, góp phần tạo nên diện mạo mới cho hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Tuy nhiên, để bứt phá hơn nữa, tạo ra môi trường tự chủ thực sự cho các nhà khoa học, giáo dục Đại học cần phải giải quyết những vấn đề gì? GS.TS Nguyễn Hữu Đức (Tổ trưởng Tổ tư vấn của Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo) đã dành cho phóng viên VOV2 cuộc phỏng vấn về vấn đề này.
Bản chất tự chủ đại học không phải là đòi quyền về cho hiệu trưởng
Thưa GS Nguyễn Hữu Đức, theo đánh giá của ông, đâu là những cái được lớn nhất sau một thời gian chúng ta đẩy mạnh tự chủ đại học?
GS.TS Nguyễn Hữu Đức: Trong một thời gian dài, đại học (ĐH) nước ta được bao cấp rất nhiều. Bao cấp cả về chương trình đào tạo, tư duy phát triển đến các nguồn lực đầu tư. Do vậy, việc trao quyền tự chủ cho các trường ĐH, chúng ta đã đi đúng quy luật phát triển mà giáo dục ĐH thế giới đã thực hiện rất lâu rồi.
Thực tế, tự chủ ĐH đã mang đến nhiều thay đổi cho giáo dục ĐH. Trước hết, về chuyên môn, học thuật đã có nhiều ngành nghề đào tạo mới đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.0. Đó là những ngành về khoa học dữ liệu, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo và thậm chí có những ngành trong quản lý cũng rất mới như đô thị thông thị, kinh tế số... Tự chủ làm cho các trường trở nên năng động hơn.
Về nghiên cứu khoa học nếu như 10 năm trước đây hơn 200 trường ĐH Việt Nam chỉ công bố quốc tế khoảng 1000 bài nhưng năm 2020 chúng ta có 17 nghìn bài. Tăng gần 200 lần. Và nếu như 10 năm trước đây, số phát minh sáng chế, giải pháp hữu ích của các trường đếm không quá 10 đầu ngón tay. Nhưng giờ là 200-300 giải pháp hữu ích và sáng chế. Kết quả này có được nhờ vào việc giải phóng năng lực cho các trường.
Điều quan trọng nữa là có những thứ thay đổi về chất. Bấy lâu nay hiệu quả đào tạo được đo đếm xem bao nhiêu sinh viên ra trường có việc làm nhưng hiện nay các trường đã biết trang bị cho sinh viên tinh thần lập nghiệp, khởi nghiệp và phải tạo được việc làm mới không chỉ cho bản thân họ mà cho đồng nghiệp. Và như vậy, việc gia tăng giá trị xã hội rất lớn, làm tiền đề rất tốt cho một đất nước, một nền kinh tế độc lập, tự chủ không dựa vào doanh nghiệp nước ngoài, không dựa vào nguồn lực của các đất nước khác.
Nhưng kể từ 2014 đến nay mới chỉ có 23 trường được thí điểm tự chủ ở mức độ cao. Con số này có khiêm tốn so với kỳ vọng của chúng ta thưa GS?
GS.TS Nguyễn Hữu Đức: 23 trường được tự chủ là theo cái khung rộng hơn. Nhưng không chỉ 23 trường này mà hơn 230 trường ĐH hiện nay đều được thực hiện tự chủ ở những mức độ khác nhau. Mặc dù khác nhau nhưng đều có điểm chung là sự năng động của các trường hiện nay là rất cao.
Trước đây, việc quản trị ĐH theo lối tư duy truyền thống. Thầy hiệu trưởng với tư duy của ngành khoa học nào thì quản lý trường theo tư duy đấy. Nhưng sau giai đoạn dài chúng ta làm việc bằng kinh nghiệm hiệu quả thấp thì nay khoa học giáo dục đã được quan tâm. Việc quản trị chất lượng, xác định chiến lược rất trúng. Ví dụ, trước đây chúng ta xây dựng chương trình đào tạo thường thích gì làm đấy. Thầy có gì dạy đấy nhưng bây giờ phải quan tâm đến nhu cầu của các bên.
Chúng ta thấy, chương trình đào tạo của các trường hiện nay đã xác định rất rõ mục tiêu, chuẩn đầu ra và hệ thống các môn học để đáp ứng chuẩn đấy. Môn học nào không đáp ứng được chuẩn đầu ra thì tạm thời dừng lại. Và như vậy ta thấy cách xác định chiến lược rất căn bản và cơ sở khoa học tốt.
Nhưng sau một thời gian không dài thực hiện lộ trình tự chủ đại học, Giáo sư có nhận thấy đã bộc lộ những bất cập hạn chế, trong đó có vấn đề về mối quan hệ giữa Bộ chủ quản với trường đại học, mối quan hệ giữa Hiệu trưởng và Hội đồng trường?
GS.TS Nguyễn Hữu Đức: Bản chất của tự chủ là rất tốt nhưng nếu chúng ta hiểu không khéo và làm không đúng sẽ xảy ra tình trạng đòi quyền tự chủ về cho hiệu trưởng. Điều này chỉ đúng ở một khía cạnh. Là tăng quyền tự chủ, tăng khả năng đưa ra quyết định, nhanh gọn và trực tiếp. Nhưng bản chất tự chủ không phải là tự chủ cho hiệu trưởng.
Tự chủ phải hiểu là tự chủ học thuật, tự chủ cho các nhà khoa học, cho những người lãnh đạo chuyên môn ở các trường đại học. Các nhà khoa học phải có môi trường sáng tạo thuận lợi nhất, phù hợp nhất có thể tự do sáng tạo, tự do nghiên cứu, tự do phán đoán các xu thế phát triển. Trên cơ sở được giải phóng tư tưởng, được trao quyền tự chủ thì họ có thể năng động nghĩ ra cái mới, các chương trình đào tạo mới để làm sao giáo dục ĐH có thể dẫn dắt được sự phát triển.
Như vậy, theo quan điểm của Giáo sư, tự chủ học thuật, về khoa học mới là hồn cốt của tự chủ đại học chứ không phải là tự chủ thiên về mặt hành chính?
GS.TS Nguyễn Hữu Đức: Đúng vậy. Bởi theo suy nghĩ của tôi, chừng nào trường đại học còn lẽo đẽo đi giải thích lại những kết quả mà khoa học nghiên cứu được, doanh nghiệp đã làm được để đưa ra những bài học giảng dạy lại cho sinh viên thì người ta vẫn gọi đó là nỗi đau xã hội. Và những đất nước như vậy sẽ không bao giờ có được sự thịnh vượng, không bao giờ dân giàu nước mạnh được. Bởi vì anh chỉ đi dạy lại những gì người ta có thôi, nâng cao dân trí thôi.
Nguyên lý phát triển là giáo dục phải đi trước. Những cái doanh nghiệp chưa có thì đại học phải dự báo được, phải nghĩ ra được giải pháp và trao cho doanh nghiệp cái đó. Để làm được điều này, các nhà khoa học phải được quyền tự chủ rất cao, họ được tự do sáng tạo và có thể nghiên cứu được những vấn đề mới thì lúc đó đại học mới thực sự dẫn dắt xã hội.
Đại học đã bước sang thế hệ thứ 3
Nhưng thưa Giáo sư, có ý kiến cho rằng, tự chủ đại học chỉ thực sự hiệu quả khi xóa bỏ cơ quan chủ quản. Quan điểm của ông thế nào?
GS.TS Nguyễn Hữu Đức: Có người nghĩ cứ giao quyền tự chủ cho trường học (không cần Bộ chủ quản) nhưng cách suy nghĩ đó là không trọn vẹn, không đầy đủ. Các cơ sở giáo dục ĐH về nguyên tắc là sở hữu toàn dân. Cơ quan đại diện cho chủ sở hữu là Chính phủ và các bộ, ngành. Còn các trường ĐH là người đại diện trực tiếp thôi. Cơ quan đại diện cũng phải có trách nhiệm quản lý trường ĐH ấy và đảm bảo cho hoạt động của chủ sở hữu toàn dân đấy phát triển tốt chứ không bao giờ anh được buông lơi cả. Còn Hội đồng trường là người đại diện chủ sở hữu trực tiếp. Hai bên phải phối hợp với nhau chứ không thể nào phủ nhận vai trò của cơ quan chủ sở hữu.
Hiện nay các Bộ chủ quản và Bộ GD&ĐT nếu không làm tốt quy hoạch mà giao hoàn toàn cho các trường ĐH thì đến lúc nào đó quy hoạch mạng lưới chúng ta sẽ mất. Nhiều khi chúng ta cứ truyền miệng nhau, ở nước ngoài các trường ĐH được tự chủ hết. Nhưng ví dụ như ở Singapor cơ cấu ngân sách của họ học phí chỉ chiếm 30%, nhà nước cấp từ 48-52% và nghiên cứu chiếm khoảng tư 17-18%...
Vậy theo đánh giá của Giáo sư, khó khăn lớn nhất trên lộ trình tự chủ đại học hiện nay là gì?
GS.TS. Nguyễn Hữu Đức: Cái khó nhất, thách thức lớn nhất hiện nay là anh có năng lực để xác định chiến lược phát triển không? Hội đồng trường mà ko có năng lực để xác định chiến lược phát triển thì trường không phát triển được. Thứ hai là anh không có cơ sở để kiểm soát các hoạt động của ban giám hiệu. Do vậy năng lực là quan trọng nhất. Chúng tôi hay nói là năng lực làm chiến lược và năng lực chỉ đạo triển khai chiến lược. Nếu làm chiến lược sai thì có nỗ lực bằng mấy thì ĐH cũng ko phát triển được. Do vậy, trao quyền tự chủ nhưng anh có năng lực để thực hiện tự chủ không?
Hiện nay, chúng ta có những cặp đôi hoàn hảo hiệu trưởng và chủ tịch hội đồng trường là những cặp đội tương thích nhau về năng lực, tương thích nhau về tầm nhìn, tương thích nhau về trình độ nhưng nếu cặp đôi này không cân đối, người cao người thấp, người giỏi người mạnh thì chắc chắn sẽ không có sự phản biện và không thể hỗ trợ nhau để phát triển được. Tự chủ ĐH rất hay, rất tốt, là cây đũa thần nhưng nếu không phất không đúng, chọn không đúng người "phất" thì ĐH còn những thách thức lớn.
Đại hội XIII của Đảng sẽ xoay quanh tám từ "Khát vọng, "Phát triển", "Đổi mới", "Sáng tạo". Giáo sư nghĩ sao nếu những từ khóa quan trọng này áp vào sự đổi mới, phát triển của giáo dục đại học?
GS.TS. Nguyễn Hữu Đức: Đại hội Đảng sắp tới, mọi người đang rất kỳ vọng bởi vì chúng ta đã xác định được một chiến lược phát triển mà trong đó dựa vào những từ khóa rất quan trọng là "đổi mới sáng tạo". Từ khóa này áp dụng vào các trường ĐH tôi thấy rất là đúng. Bởi vì đại học thế giới đã và đang trải qua 3 thế hệ.
Thế hệ ĐH thứ nhất được mô tả là ĐH thời Trung cổ, “tầm chương trích cú”. Thầy giáo như bộ sách, thầy nào dạy được nhiều sinh viên chép bài là được. Nhưng giai đoạn đấy đã qua rất lâu rồi. Thế giới tiếp tục trải qua thế hệ ĐH thứ hai là ĐH nghiên cứu. Đào tạo gắn liền nghiên cứu. Tuy nhiên, nghiên cứu giúp chúng ta biết được tất cả, giải thích được tất cả thế giới nhưng chưa chắc đã làm ra được của cải vật chất.
Do vậy, trước nhu cầu đấy, thế giới bước sang thế hệ ĐH thứ ba gọi là ĐH định hướng đổi mới sáng tạo. Người ta không phải làm ra tri thức mà phải khai phá ra tri thức ấy, vốn hóa tri thức ấy và hàng hóa hóa tri thức đấy. Và từ khóa của đại học thế hệ 3 này chính là đổi mới sáng tạo. Tôi nghĩ rằng trong thời gian tới, với sự chuẩn bị của các trường đại học, việc xác định được con đường phát triển theo hướng đổi mới sáng tạo, đầu tư đúng thì chất lượng giáo dục đại học sẽ đáp ứng được kỳ vọng của phát triển kinh tế xã hội.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư!
Từ khóa: Tự chủ đại học, Giáo sư Nguyễn Hữu Đức, giáo dục đại học, đại hội Đảng, nghị quyết
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2