Đại gia công nghệ Trung Quốc nghe mùi cơ hội trong chuỗi cà phê

Cập nhật: 20/07/2021

Tencent và ByteDance nằm trong số các hãng công nghệ lớn đặt cược vào những chuỗi cà phê Trung Quốc.

Bất chấp bê bối kế toán năm 2020 còn "nóng hổi" của chuỗi Luckin Coffee, các chuỗi cà phê Trung Quốc mới và cũ đã trở thành địa chỉ yêu thích của nhiều hãng công nghệ lớn trong nước. Thị trường cửa hàng cà phê tại đây dự kiến tăng trưởng hai chữ số, điển hình là Manner Coffee, một chuỗi cà phê được ByteDance – công ty mẹ TikTok – hậu thuẫn. Manner Coffee nổi tiếng với cà phê tự rang xay và phong cách thiết kế tối giản.

Chen, một nhân viên tại Thượng Hải thường lui tới cửa hàng gần nhà, cho biết Starbucks từng được cô yêu thích song hiện tại, Manner Coffee có lợi thế hơn nhờ giá thấp hơn.

Manner Coffee thành lập năm 2015, cung cấp các mặt hàng với giá từ 10 đến 20 NDT, thấp hơn Starbucks (20 tới 40 NDT). Sự nổi tiếng của Manner Coffee nhanh chóng thu hút sự chú ý của ứng dụng giao đồ ăn hàng đầu Trung Quốc Meituan. Meituan đã đầu tư vào chuỗi này hồi tháng 5, tiếp đó là ByteDance “bơm” thêm tiền vào tháng này.

Chuỗi cà phê và bánh vòng Tim Hortons của Canada cũng phát triển tốt tại Trung Quốc. Từ khi mở cửa hàng đầu tiên tại đây vào năm 2019, đến nay họ đã có khoảng 200 cửa hàng. Tencent hai lần góp vốn vào chi nhánh Tim Hortons Trung Quốc, lần đầu vào tháng 5/2020 và lần sau vào tháng 2/2021.

Các chuỗi cà phê này sẽ dùng nguồn vốn mới để đẩy nhanh chiến lược tăng trưởng. Tim Hortons dự định mở thêm 200 điểm nữa chỉ riêng trong năm nay. Nhờ Tencent, Tim Hortons đặt mục tiêu tạo dựng đế chế 1.500 điểm trong vài năm tới. Trong khi đó, dù Manner Coffee mới có 130 điểm, hãng phân tích ITJuzi của Bắc Kinh đã định giá chuỗi này 2,5 tỷ USD.

Những đại giá công nghệ Trung Quốc tăng cường để mắt đến các chuỗi cà phê vì tiềm năng tăng trưởng khổng lồ. Thị trường cà phê sẽ đạt 120 tỷ NDT (18,5 tỷ USD) vào năm 2023, theo Viện Nghiên cứu công nghiệp Qianzhan, tăng từ 90 tỷ NDT năm 2020.

Chuỗi cà phê thường xuyên được người trẻ ghé thăm, vì thế, doanh nghiệp công nghệ xem đây là cơ hội để quảng bá dịch vụ như video game, streaming. Loại tương tác B2C như vậy sẽ giúp tỉ lệ sử dụng tăng lên. Chẳng hạn, Tencent mở cửa hàng cà phê thể thao điện tử cùng với Tim Hortons. ByteDance dự định kết hợp với Manner Coffee để tiếp cận người nổi tiếng trên Douyin (phiên bản TikTok Trung Quốc) để quảng cáo sản phẩm. Năm 2018, Alibaba cũng ký thỏa thuận với Starbucks để công ty chuyển phát Ele.me của Alibaba giao đồ uống Starbucks cho khách hàng. Cả hai đều hợp tác thành công trên lĩnh vực thương mại điện tử.

Văn hóa cà phê của Trung Quốc cất cánh sau khi Starbucks gia nhập thị trường năm 1999. Những người khác cũng nhảy vào như Pacific Coffee, Costa Coffee. Tuy nhiên, vài năm gần đây, số lượng cửa hàng Starbucks dần thu hẹp do kinh doanh thiếu bùng nổ. Luckin Coffee đã vượt qua Starbucks về số lượng cửa hàng trước khi bê bối diễn ra, buộc chuỗi này phải đóng hầu hết các điểm.

Luckin nay đang tái cấu trúc sau khi nhận được “phao cứu sinh” từ các quỹ tư nhân. Dù còn nhiều vấn đề, nó vẫn là chuỗi cà phê lớn thứ hai Trung Quốc, chỉ sau Starbucks. Khi các đại gia công nghệ tham gia, thị trường cà phê nội địa sẽ trải qua nhiều thay đổi lớn./.

Từ khóa: Tencent, ByteDance, cà phê, chiến lược kinh doanh

Thể loại: Khoa học - Công nghệ

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập