Đại dịch Covid-19 – “Phép thử” lòng nhân

Cập nhật: 15/03/2020

VOV.VN - Đại dịch Covid-19 là “phép thử” lòng người, cách hành xử của con người với con người, cách đối diện với nhau ra sao khi có thảm họa xảy đến.

Đại dịch Covid-19 giờ đã không còn là câu chuyện “hài hước” của người phương Tây khi ban đầu còn cho rằng người dân châu Á quá sợ chết và yếu đuối khi dịch bệnh xảy đến. Vào rạng sáng ngày 11/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phải chính thức tuyên bố bệnh viêm đường hô hấp cấp chủng virus SARS CoV-2 là đại dịch toàn cầu. Và sự thật, ảnh hưởng của đại dịch này đang phủ khắp châu Âu, ngưng trệ mọi hoạt động về kinh tế-chính trị, đời sống-xã hội; không trừ một ai, ngay cả những quan chức to nhất của EU cũng đã có trong danh sách những người dương tính với virus SARS CoV-2.

dai dich covid-19 – "phep thu" long nhan hinh 1
Ảnh minh họa.

Câu chuyện đáng nói ở đây là cách hành xử của con người với con người, cách đối diện với nhau ra sao khi có thảm họa ập đến?

Khi người châu Âu dè bỉu, kỳ thị người dân châu Á về chiếc khẩu trang đã dấy lên làn sóng cãi vã phẫn nộ trên mạng xã hội. Rất nhiều những lời lẽ thô tục, bôi nhọ, thiếu thiện chí, mất đi hòa hiếu vốn có bấy nay xảy ra giữa hai luồng ý kiến Tây-Ta và theo đó không ít diễn đàn bị đánh sập một cách không thương tiếc. Người trong cuộc vẫn thù hằn, tức tối tìm mọi cách xả, tung hê ở bất cứ tường nào nếu họ có cơ hội.

Đại dịch Covid-19 xảy ra có 2 trường phái đối phó, quá tả hay quá hữu đều không ổn. Những người quá chủ quan, coi thường dịch bệnh cũng vấp phải chỉ trích của cộng đồng. Bởi lẽ không chỉ dừng lại là chuyện sống-còn của riêng cá nhân ai đó, mà là mối nguy hại lây lan, khó kiểm soát cho cả cộng đồng và cản trở những nỗ lực, cố gắng của rất nhiều người bất chấp hiểm nguy để cứu vớt đồng loại.

Ngược lại, nếu quá sợ hãi, sợ hãi đến u mê thì cũng khó chấp nhận. Mới nghe phong thanh “nguy cơ” bắn đại bác bảy ngày chưa tới mà nhìn thấy Fn đã xua đuổi, tránh xa, kỳ thị. Rồi ngay bản thân họ thì co mình, tự kỷ, chui vào một xó, tìm cách thu gom nhu yếu phẩm, gieo rắc tâm lý sợ hãi, gây khan hiếm hàng hóa thì cũng thật đáng lên án!

Câu chuyện thu gom thực phẩm, giấy vệ sinh không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả ở các nước tiên tiến cũng xảy ra. Chỉ sau 1 ngày các chợ cháy hàng, siêu thị trống không. Kỳ lạ là ở chỗ, nhiều người sẵn sàng vứt bỏ đi cái vỏ bọc lịch lãm, hào hoa thường ngày để nấp sau lớp khẩu trang lao vào tranh cướp hàng, giành giật bằng được cho riêng mình và hỷ hả mang về nhà như kiếm được chiến lợi phẩm.

Thảm họa xảy ra, cuộc sống đầy lo lắng, bất trắc đôi khi khiến con người ta trở nên yếu đuối và đáng thương. Một người đàn ông Nhật Bản- đất nước được thế giới biết đến với những tính cách đáng nghiêng mình – thế mà, khi biết mình nhiễm Covid-19 lại “vô tư” đến quán bar, nhà hàng, nơi tập trung đông người và thản nhiên tuyên bố “tôi đi truyền virus”. Thật đáng phẫn nộ!

Còn nữa, khi bệnh nhân mới bị công bố nhiễm bệnh, ngay lập tức đám đông “xới tung” facebook của người đó, lần tìm các mối quan hệ riêng tư của họ rồi tung hê, bôi nhọ. Đôi khi chẳng cần kiểm chứng, đám đông gán cho họ đủ thứ tội tình, rồi lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội. Thậm chí, sự “căm giận” người bị bệnh biến họ đánh mất mình, phần CON trỗi dậy, trở nên thú tính, chửi bới và thóa mạ, quá đáng còn ghép hình, ghép ảnh một cách rất ác ý.

Chuyện trốn tránh cách ly, gian dối khai báo y tế với lịch trình tiếp xúc ở người này, người kia vẫn xảy ra. Song đổi lại, vẫn có những hình ảnh "sống chậm" đẹp đẽ nơi cách ly, làm những điều tử tế như làm sạch môi trường, tặng đồ ăn, khẩu trang cho những khu vực bị cách ly, cho những người ở tuyến đầu chống dịch. Rồi những tấm lòng hảo tâm của giới văn nghệ sĩ ủng hộ cho công tác chống dịch. Cách hành xử của mỗi người qua đại dịch càng bộc lộ rõ hơn theo đúng nghĩa "qua hoạn nạn mới hiểu lòng nhau".

Vẫn biết, đại dịch xảy ra khiến con người bất an, tâm lý căng thẳng, kéo theo rất nhiều hành vi vô thức, hồ đồ. Nhiều chuyên gia tâm lý cũng lý giải hiện tượng này là tâm lý đám đông, là “hội chứng sợ bị bỏ lỡ” nhưng rõ ràng cần nhất lúc này lại là sự bình tĩnh, cẩn trọng và bao dung hơn với mọi người.


Đừng ác khẩu mà thành ác nhân, không khéo nhận lại ác nghiệp!?./.

Từ khóa: Đại dịch Covid-19, mắc Covid-19, nCoV, corona, virus SARS CoV-2

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập