Đại dịch Covid-19: Phép thử đối với Tổng thống Nga Putin
Cập nhật: 24/04/2020
Ca sĩ Lê Vĩnh Toàn tri ân quê hương Nghệ An qua phim ca nhạc "Miền nhớ"
Hương Ly, Lydie Vũ thăng hạng nhan sắc qua bàn tay "phù thủy trang điểm" Mi Nguyễn
VOV.VN -Với cuộc khủng hoảng đang diễn ra trên toàn cầu, ông Putin cũng như nhiều nhà lãnh đạo khác phải áp dụng các chiến lược mới để củng cố vị thế của mình.
Nếu dịch Covid-19 không xảy ra, nước Nga có thể đã tổ chức cuộc trưng cầu ý dân được gọi là “cuộc bỏ phiếu toàn Nga” cho phép Tổng thống Vladimir Putin mở rộng quyền lực cũng như khả năng điều hành nước Nga thêm 2 nhiệm kỳ nữa.
Thay vào đó, các đường phố của Moscow giờ đây vắng tanh - một sự thay đổi lớn đối với một thành phố hối hả của gần 12 triệu dân.
Tổng thống Nga Putin. Ảnh: AFP |
Cuộc bỏ phiếu dự kiến ban đầu tổ chức vào ngày 22/4 đã được quyết định hoãn lại từ tháng trước như một phần trong các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19.
Tuy nhiên trong khi các biện pháp phong tỏa và hệ thống giám sát được áp dụng như một cách để duy trì kiểm soát trong thời điểm bất ổn, thì đại dịch Covid-19 cũng là một phép thử đối đối với Tổng thống Putin, một phép thử có thể làm thay đổi hình ảnh của ông ở thời điểm sự ủng hộ của công chúng là điều rất quan trọng trong việc củng cố quyền lực trong tương lai.
Ưu điểm cạnh tranh của Nga chính là Putin?
Hiến pháp Nga đã trao cho tổng thống quyền lực rộng lớn kể từ năm 1993, khi nhà lãnh đạo Boris Yeltsin củng cố quyền lực của mình sau cuộc khủng hoảng hiến pháp với quốc hội. Kể từ thời điểm đó, thay đổi hiến pháp chính thức duy nhất là vào năm 2008, theo đó kéo dài nhiệm kỳ từ 4 năm lên 6 năm.
Có một điều thú vị là ý định ban đầu của ông Putin, khi cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp được công bố vào ngày 15/1, là để hạn chế ảnh hưởng của Tổng thống. Cả Quốc hội và Thủ tướng sẽ được trao quyền lực lớn hơn, và tất cả các cơ quan quản lý sẽ được đặt dưới ảnh hưởng tư vấn của Hội đồng Nhà nước, một cơ quan chính trị mà Putin có thể tham gia nếu ông rút lui khỏi vai trò Tổng thống.
Đây được coi là một dấu hiệu cho thấy Putin đang lên kế hoạch chuyển giao quyền lực cho một người kế nhiệm, ngay cả khi không hoàn toàn rời tay khỏi “tay lái”.
Điều này đã thay đổi đáng kể vào ngày 10/3, khi một kiến nghị được đưa ra tại Quốc hội nhằm cho phép ông Putin có thể tranh cử thêm hai nhiệm kỳ nữa (tổng cộng 12 năm) từ năm 2024. Điều này cũng được thêm vào danh sách các cải cách sẽ được bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân. Các sửa đổi trước đây về giới hạn quyền lực tổng thống đã bị bỏ qua.
Điều này đã chứng minh một động thái gây tranh cãi. Dmitri Makarov, một nhà giám sát nhân quyền tại Moscow nói rằng “cuộc bỏ phiếu toàn Nga” thực sự là một cuộc trưng cầu dân ý để ủng hộ chế độ Putin.
Ngoài các điều khoản về gia tăng nhiệm kỳ, Tổng thống sẽ có quyền bãi nhiệm các thẩm phán, giải tán quốc hội và luật phủ quyết hiệu quả.
Cuộc trưng cầu ý dân mới, nói cách khác, là một nỗ lực để chính thức hóa toàn bộ quyền kiểm soát trong tay một nhân tố ổn định.
“Ưu điểm cạnh tranh của chúng tôi không phải là dầu mỏ hay khí đốt. Đó chính là Vladimir Putin”, Chủ tịch của Duma quốc gia Vyacheslav Volodin nói chỉ vài ngày sau khi những thay đổi được trình lên quốc hội.
Nhà phân tích chính trị Konstantin Kalachev nói với The Bell của Nga rằng: “Ông ấy [Tổng thống Putin] không phải muốn nắm giữ quyền lực, mà là nắm giữ vị thế của mình trong lịch sử. Ông ấy đang chờ đợi một cơ hội… để có thể nói: ‘Tôi đã xây dựng nên các nền tảng và tôi đã tạo điều kiện cho sự phát triển, bây giờ hãy để người khác tiếp tục những gì tôi đã bắt đầu’”.
Tuy vậy, những di sản của Tổng thống Putin cũng đang đứng trước những thách thức mới.
Khủng hoảng Covid-19 là một phép thử
Nga ban đầu đã nhanh chóng ứng phó khi dịch bệnh bùng phát ở nước láng giềng Trung Quốc bằng việc đóng cửa biên giới vào tháng 1/2020, nhưng nước này vẫn chậm hơn so với các nước châu Âu trong việc áp dụng các biện pháp trong nước.
Tổng thống Putin mặc đồ bảo hộ thăm bệnh viện Kommunarka ở Moscow ngày 24/3. Ảnh: Kremlin |
Khi dịch Covid-19 bắt đầu lan rộng ở Nga, ông Putin đã coi đó như một cơ hội để cải thiện vị thế của mình. Ông nhiều lần tuyên bố tuyên bố rằng mọi thứ đang được kiểm soát. Việc châu Âu và châu Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề lại trở thành yếu tố có ảnh hưởng lớn trong hoạt động tuyên truyền của Kremlin.
Nhiều thông tin, nhiều câu chuyện trên báo chí đã nói về việc Nga chuẩn bị tốt hơn cho cuộc khủng hoảng như thế nào so với phương Tây. Những động thái mang tính tượng trưng, như gửi đồ y tế đến Mỹ hay Italy, cũng được báo chí đưa tin rộng rãi. Các biện pháp giám sát đã được ca ngợi là cách để đối phó với những người vi phạm cách ly.
Trong khi các luồng thông tin chính thức suốt nhiều tuần liền vẫn là tình hình đã được kiểm soát, một bệnh viện khẩn cấp ứng phó với Covid-19 đã được lệnh xây dựng ngay bên ngoài Moscow. Các biện pháp giãn cách xã hội và kêu gọi các doanh nghiệp không thiết yếu phải đóng cửa – điều vốn không được nhiều người ủng hộ - đã được trao quyền cho Thống đốc các khu vực và đặc biệt là thị trưởng Moscow, ông Serge Sobyanin.
Điều này khiến dư luận trong nước ngạc nhiên.
“Phản ứng của họ là ủy thác các quyết định quan trọng cho cấp địa phương. Theo tôi, điều này có vẻ như họ đang cố gắng chuyển trách nhiệm về các biện pháp không được mong muốn cho các cấp bên dưới”, ông Makarov nói.
Trong một thảm họa quan hệ công chúng khác, một bức ảnh ông Putin bắt tay với một bác sĩ nổi tiếng, mà không mặc đồ bảo hộ, đã được công bố rộng rãi sau khi chính vị bác sỹ này được xác nhận mắc Covid-19. Tổng thống Putin sau đó tuyên bố tự cách ly.
Khi Putin xuất hiện công khai vào tuần trước với một bài phát biểu quốc gia mô tả mức độ nghiêm trọng của đại dịch, ông tuyên bố sẵn sàng triển khai quân đội nếu cần thiết. Ông cũng thúc đẩy các biện pháp phong tỏa, đặc biệt là ở Moscow, như một bước quan trọng trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Dù vậy các biện pháp này dường như chưa phát huy hiệu quả như mong muốn. Hệ thống đi lại số hóa được chờ đợi từ lâu, được triển khai vào ngày 15/4 cho phép người dân Moscow di chuyển quanh thành phố, đã dẫn đến những đám đông lớn trong hệ thống tàu điện ngầm thành phố, khiến cho việc giãn cách xã hội trở nên bất khả thi. Bài phát biểu của Tổng thống ngày hôm đó cũng tránh nói đến chủ đề này, chủ yếu nói về việc hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ.
Một tác động ít rõ ràng hơn nhưng không kém phần quan trọng là khi ông Putin phải quyết định hoãn cuộc duyệt binh Ngày Chiến thắng ngày 9/5, sự kiện lớn nhất của Nga kỷ niệm 75 năm chiến thắng trong Thế chiến 2. Sự kiện này vốn là một yếu tố chủ chốt trong chương trình tuyên truyền của điện Kremlin.
Ông Putin có thể đã lên kế hoạch cho một năm với hy vọng củng cố quyền lực, kỷ niệm chiến thắng của Nga và mở ra giai đoạn tiếp theo trong sự nghiệp của ông, nhưng thay vào đó, ông lại bị cuốn vào một cuộc chiến với kẻ thù vô hình khó kiềm chế.
“Đỉnh dịch vẫn còn ở phía trước”, Tổng thống Putin nói trong tuần này.
Tính đến ngày 22/4, Nga ghi nhận tông cộng 57.999 ca mắc với 513 ca tử vong do Covid-19. Moscow vẫn là ổ dịch lớn nhất của Nga với hơn 30.000 ca mắc.
Giới chức Nga dự đoán số ca mắc tại nước này sẽ tiếp tục tăng trong tháng 5 và đạt đỉnh, sau đó sẽ bắt đầu giảm từ cuối tháng 5 khi hầu hết các khu vực đều đang áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội.
Với cuộc khủng hoảng đang diễn ra trên khắp thế giới, ông Putin cũng như nhiều nhà lãnh đạo khác đang phải áp dụng các chiến lược mới để duy trì quyền lực của mình.
Đại dịch Covid-19 sẽ còn kéo dài. Tuy nhiên, các cuộc duyệt binh là công cụ mà ông Putin chắc chắn sẽ không thể sử dụng trong bối cảnh hiện nay. Trong khi đó, về cuộc trưng cầu ý dân, người phát ngôn điện Kremlin cho biết thời điểm mới cho cuộc bỏ phiếu “sẽ được quyết định khi tình hình tiến triển”./.
Từ khóa: đại dịch Covid-19, Tổng thống Nga, Tổng thống Nga Putin, sửa đổi hiến pháp Nga, dịch Covid-19 ở Nga
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN