Đại biểu Quốc hội ủng hộ bỏ HĐND quận, phường ở TPHCM
Cập nhật: 12/11/2020
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Các ý kiến Đại biểu Quốc hội phát biểu trên Hội trường đều cho rằng đã đến lúc dừng thí điểm mà thực hiện luôn việc không tổ chức HĐND cấp quận, phường ở TPHCM.
Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 10, sáng nay (12/11), các đại biểu Quốc hội thảo luận dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh. Các ý kiến cơ bản đồng tình với nội dung dự thảo mà Chính phủ trình.
Đủ cơ sở pháp lý, thực tiễn và yêu cầu phát triển
Nêu ý kiến trên Hội trường, đại biểu Tô Ái Vang – Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Sóc Trăng cho rằng việc không tổ chức HĐND ở cấp quận, phường nhằm đạt hiệu quả tối ưu trong giải quyết kiến nghị, tâm tư nguyện vọng của người dân nhanh hơn vì không qua trung gian. Điều này cũng giúp tinh gọn bộ máy, liên thông phù hợp ở địa bàn siêu đô thị như TPHCM.
Nữ đại biểu đề nghị xem xét lại cơ cấu HĐND Thành phố để đủ lực, đảm bảo số lượng, chất lượng theo hướng tăng đại biểu chuyên trách. Cùng với đó đẩy mạnh ứng dụng CNTT để cử tri tương tác với đại biểu HĐND TP.
“Tôi tin rằng việc thực hiện ngay mô hình không tổ chức HĐND quận, phường ở TPHCM sẽ thành công, hiện thực hoá chủ trương của Đảng, Quốc hội và kỳ vọng của Chính phủ, vì lợi ích của nhân dân” – bà Tô Ái Vang nêu quan điểm và hy vọng rằng sự thành công ở TPHCM sẽ làm điểm tựa để thành phố lớn khác nghiên cứu.
Cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (đoàn An Giang) nhấn mạnh TPHCM là đô thị đặc biệt, là đầu tàu, động lực, có sức lan toả và vị trí chính trị quan trọng. Thời gian qua TP đã đóng góp rất quan trọng vào sự phát triển của khu vực và cả nước. Vị trí và tiềm năng lớn của TPHCM đòi hỏi cần tổ chức chính quyền đô thị phù hợp trong bối cảnh thực hội nhập sâu rộng và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nghị quyết này là cần thiết, đủ sức thúc đẩy, tạo chuyển biến lớn và tác động tăng trưởng của TP nhanh, bền vững hơn.
Cũng theo đại biểu, thực tế TPHCM đã thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận, phường trên diện rông với 24 quận, huyện và 259 phường từ 2009-2016. Quá trình thực hiện cho thấy quyền làm chủ của nhân dân vẫn được đảm bảo, kinh tế thành phố tiếp tục phát triển dù đối diện nhiều khó khăn thách thức. Nghị quyết cũng phù hợp quan điểm của Đảng và đúng quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
“Từ thực tiễn, tính pháp lý và yêu cầu đổi mới, việc ban hành Nghị quyết là quan trọng, cấp bách. TPHCH không tiếp tục thí điểm mà thực hiện luôn việc không tổ chức HĐND cấp quận, phường là phù hợp” – bà Mai Thị Ánh Tuyết nêu ý kiến và đề nghị Quốc hội xem xét thông qua ngay tại kỳ họp này và Nghị quyết có hiệu lực từ 1/1/2021 để TPHCM kịp thời triển khai thực hiện.
Cần tăng trách nhiệm giải trình, đối thoại và giám sát
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ - Uỷ viên thường trực Uỷ ban QP-AN cũng nêu 5 lý do để thông qua nghị quyết. Trước hết là phù hợp quan điểm của Đảng và thực tiễn TPHCM đã triển khai thí điểm và có tổng kết. Việc ban hành nghị quyết cũng phù hợp pháp luật khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định loại chính quyền địa phương như vậy và thẩm quyền do Quốc hội quyết định.
TPHCM vốn dĩ là đô thị đặc biệt, là đầu tàu kinh tế. Qua thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận, phường cho thấy quyền dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện không bị mất đi. Kết quả đạt được góp phần tinh giản bộ máy vì dù số đại biểu chuyên trách ở HĐND TP sắp tới có tăng lên 19 người (hiện là 16) như đề nghị thì vẫn thấp hơn nhiều với số đại biểu giảm ở cấp quận, phường.
Ở góc độ khác, đại biểu Lê Thanh Vân – Uỷ viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị cần quy phạm hoá một số giải pháp bên cạnh tăng cường vai trò cấp uỷ đảng, đoàn thể. Đó là trách nhiệm giải trình của chính quyền thành phố, quận và phường; định kỳ tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu chính quyền từng cấp với nhân dân; Tăng cường thời lượng và số lượng các cuộc tiếp xúc cử tri của HĐND TP cũng như tăng số lượng đại biểu chuyên trách; Tăng cường hoạt động giám sát của Đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM. Cùng với đó có hình thức phù hợp để trưng cầu ý dân, xin ý kiến nhân dân về chính sách tác động diện rộng, nhất là liên quan vấn đề đất đai.
Làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cũng khẳng định cơ sở pháp lý là Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Hơn nữa, TPHCM cũng có hơn 6 năm thí điểm, có tổng kết thí điểm và thấy rằng hiệu quả nên Chính phủ trình Quốc hội quyết định cho TPHCM thực hiện luôn mà không tiếp tục thí điểm. Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết theo quy trình rút gọn tại 1 kỳ họp để Nghị quyết có hiệu lực từ 1/1/2021./.
Từ khóa: Chính quyền đô thị TPHCM, không tổ chức HĐND, Quốc hội, Lê Vĩnh Tân
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN