Đại biểu Quốc hội băn khoăn về hiệu quả của đề xuất giảm thuế VAT 2%
Cập nhật: 21/11/2023
VOV.VN - Thảo luận về Tờ trình dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), đa số ĐBQH tán thành về tiếp tục ban hành chính sách giảm thuế VAT trong năm 2024. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, việc giảm thuế VAT chỉ là biện pháp tạm thời, có tác dụng trong ngắn hạn, cần đánh giá kỹ tác động của chính sách này tới việc kích cầu cũng như ngân sách địa phương.
Tham gia phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Quang Huân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương đề nghị làm rõ ý nghĩa của thuế VAT có tác dụng giảm giá thành và kích cầu. Giảm thuế này thì người được hưởng lợi trực tiếp là người dân. Theo đại biểu, trước đây, khi lần đầu ban hành chính sách này gắn với Nghị quyết 43 vào thời điểm gười dân đang gặp khó khăn nên cần phải giảm thuế để kích cầu và hỗ trợ cho người dân ở những mặt hàng hay sử dụng.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân cho rằng, giảm thuế này có lợi trực tiếp, nhưng người dân cũng có thể bị hại một cách gián tiếp sau này khi nguồn thu ngân sách của Nhà nước không được đảm bảo, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội sẽ bị ảnh hưởng và ảnh hưởng.
Đại biểu cho rằng, đánh giá tác động chưa được nghiên cứu một cách thấu đáo. Báo cáo chỉ ra tác động thu ngân sách giảm nhưng với điều kiện GDP tăng trưởng từ 6 đến 6,5%. Theo đó, nên phân tích một cách tổng thể, có nghiên cứu đánh giá, không thể cảm tính là nên giảm hay không nên giảm một số ngành hàng.
“Người dân thì thích giảm thuế trước mắt vì mua được hàng giá rẻ và kích cầu, nhưng chính sách kích cầu thì sẽ tăng thêm được bao nhiêu GDP, không thể giảm thuế mãi”, đại biểu Nguyễn Quang Huân nêu quan điểm, đồng thời cho rằng, nếu áp dụng thì nên áp dụng một cách dài hạn hơn, thay vì áp dụng 6 tháng.
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh, Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau cho rằng, đề xuất giảm 2% thuế VAT áp dụng đối với các nhóm hàng hóa dịch vụ đang áp dụng thuế suất 10% là phù hợp với thực tiễn năm 2022 và 2023. Tuy nhiên, cần cân nhắc áp dụng chung một mức thuế giảm thuế VAT cho tất cả các hàng hóa dịch vụ có mối quan hệ khăng khít với nhau. Đại biểu cho rằng, việc phân biệt đối tượng giảm thuế VAT làm ảnh hưởng các quan hệ kinh tế, tạo ra sức bất bình đẳng trong thị trường.
“Đề nghị Quốc hội xem xét cho tiếp tục giảm thuế VAT cho cả năm 2024. Đây là giải pháp khả thi và hiệu quả trong chính sách hỗ trợ áp dụng trong vài năm gần đây. Giảm thuế VAT cũng thực hiện minh bạch, không hình thức và không khó thực hiện như gói hỗ trợ lãi suất 2%”, đại biểu Nguyễn Duy Thanh nêu ý kiến.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương đề nghị Chính phủ phân tích rõ tác động của chính sách đến mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Đại biểu Việt Nga nhận thấy, tờ trình chưa phân tích một cách thuyết phục hiệu quả tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, tiêu dùng nhờ chính sách này. Chỉ số tăng ở mức bán lẻ trong 4 tháng của năm 2023 nhờ áp dụng chính sách còn chưa rõ. Do đó, đề nghị cần làm rõ hơn tăng mức bán lẻ hàng hóa của năm 2023 còn kém hơn năm 2022 có phải do chính sách giảm thuế mới chỉ áp dụng trong 6 tháng, trong khi năm 2022 áp dụng cho cả 11 tháng hay không? Như vậy, kết quả kích cầu được nêu trong Tờ trình của Chính phủ chưa rõ.
Theo tờ trình dự thảo Nghị quyết của Chính phủ do Bộ Tài chính xây dựng, tác động của giảm 2% thuế VAT từ 10% xuống 8% trong 6 tháng đầu năm 2024 khiến ngân sách hụt thu khoảng 25.000 tỷ đồng, tương ứng giảm thu khoảng 4.175 tỷ đồng/tháng.
Bên cạnh đó, nữ đại biểu cho rằng, chưa có cơ sở vững chắc để khẳng định giải pháp giảm thuế VAT 2% đã góp phần tích cực tạo công ăn việc làm cho người lao động trong đợt dịch vừa qua.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng đề nghị, cần xem xét kỹ hơn để đánh giá việc giảm thuế có tác động như thế nào với ngân sách các địa phương và đây có phải nguyên nhân khiến một số chỉ tiêu về kinh tế của năm 2023 không hoàn thành hay không, nhất là chỉ tiêu về GDP.
“Cần rà soát kỹ các nhóm hàng hóa, dịch vụ được áp dụng, không nhất thiết phải áp dụng giống danh mục hàng hóa dịch vụ như đã áp dụng trong năm 2022 và 6 tháng cuối năm 2023. Phải đánh giá hiệu quả thực chất của chính sách đối với từng loại hình hàng hóa, dịch vụ để đảm bảo chính sách được ban hành vừa có tác dụng tốt nhất theo mục tiêu xây dựng nghị quyết lại vừa không ảnh hưởng nhiều đến tổng thu ngân sách nói chung và đến thu ngân sách của các địa phương nói riêng”, đại biểu Nga nêu rõ.
Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, về đề xuất tại sao giảm thuế VAT đối với một số đối tượng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, đề xuất này để đảm bảo nhất quán trong chính sách từ trước đến giờ, đồng thời giảm áp lực cho ngân sách.
“Nếu chúng ta giảm tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ thì 6 tháng đầu năm 2024 giảm khoảng 37.100 tỷ đồng, còn nếu chỉ có hàng hóa, dịch vụ như trong đối tượng đã trình thì khoảng 25.000 tỷ đồng”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thông tin.
Cũng theo Tư lệnh ngành Tài chính, việc giảm thuế VAT chỉ là một giải pháp trong rất nhiều giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng GDP, điều đó có nghĩa là phải áp dụng nhiều biện pháp giảm thuế nhằm mục đích kích cầu, mà thực ra chỉ có tác dụng trong ngắn hạn chứ không thể có tác dụng trong dài hạn.
“Để tăng trưởng kinh tế thì vấn đề là thủ tục đầu tư, là vấn đề tháo gỡ vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, vấn đề thị trường, nguồn vốn, quản trị, về ứng dụng công nghệ khoa học, tăng năng suất lao động, nhiều về yếu tố tác động đến quá trình sản xuất kinh doanh để tăng trưởng GDP. Đây chỉ là một trong những giải pháp mà lâu nay đã thực hiện có hiệu quả”, ông Phớc nói thêm.
Về câu hỏi đại biểu băn khoăn liên quan đến thời gian áp dụng giảm thuế giá trị gia tăng, Bộ Tài chính sẽ báo cáo Chính phủ đánh giá cụ thể tác động của chính sách này báo cáo Quốc hội.
Từ khóa: Giảm thuế VAT, Giảm thuế VAT 2%,ngân sách, giảm thuế, thuế giá trị gia tăng,kích cầu tiêu dùng, chính sách thuế
Thể loại: Nội chính
Tác giả: cẩm tú/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN