Đại biểu Quốc hội: “Ai cũng rùng mình, bức xúc vì trẻ em bị xâm hại”

Cập nhật: 27/05/2020

VOV.VN - “Ai cũng rùng mình, bức xúc, và mong muốn hành vi xâm hại trẻ em bị xử lý nghiêm khắc. Không ngờ đối tượng xâm hại lại là người thân quen”.

Sáng 27/5, Quốc hội thảo luận về Báo cáo Kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”.

Rùng mình về những con số

Đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai (đoàn Trà Vinh) nhấn mạnh, trẻ em là mầm xanh tương lai của đất nước. Do đó, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm và có nhiều chính sách kịp thời chăm sóc cả về tinh thần và thể chất cho trẻ em.

Tuy vậy, bên cạnh cơ hội phát triển thì “ma trận xâm hại” cũng không ít. Do đó, làm thế nào để trẻ em phát triển lành mạnh, an toàn, sau này trở thành công dân tốt, công dân toàn cầu là câu hỏi đặt ra đòi hỏi mọi người có trách nhiệm phải đau đáu trong tâm tư mình.

"so tre em bi xam hai nghe ma rung minh, ai ngo co ca nguoi than" hinh 1
Đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai (đoàn Trà Vinh)

Báo cáo của Đoàn giám sát cho biết, từ1/1/2015 - 30/6/2019, cả nước đã phát hiện, xử lývề hình sự và xử lý hành chính8.442 vụxâm hại trẻ em với8.709trẻ embị xâm hại. Trong các hình thức xâm hại trẻ em nổi lên gây bức xúc nhất trong giai đoạn này là xâm hại tình dục với 6.364 vụ và 6.432 trẻ em là nạn nhân, chiếm tới 75,38% tổng số vụ xâm hại trẻ em được công an các cấp tiếp nhận, xử lý. Cá biệt, có nhiều địa phương, số vụ trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm trên 90% tổng số vụ trẻ em bị xâm hại. Bạo lực trẻ em cũng xảy ra nhiều, hậu quả nghiêm trọng.

Theo đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai, thực tế các quy định đã có, cán bộ làm công tác trẻ em cũng được bố trí, vai trò trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội cũng luôn được nhấn mạnh, kẻ xấu bị trừng trị nhưng làm sao trẻ có thể đỡ được nếu đối tượng xâm hại lại là người thân quen.

“Đau đớn hơn, phẫn nộ hơn khi đáng ra trẻ được lớn lên trong vòng tay người thân yêu thì vẫn có bố xâm hại con, ông xâm hại cháu” – nữ đại biểu nhấn mạnh và cho rằng, tình trạng này thể hiện sự xuống cấp đạo đức của một bộ phận công dân.

Đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) cũng cảnh báo tình trạng nhức nhối khi trẻ em bị xâm hại tình dục, không chỉ xuất hiện ở nông thôn, vùng sâu xa, khó khăn mà còn ở nơi kinh tế - xã hội phát triển, để lại hậu quả nặng nề đối với người bị hại, gia đình và xã hội.

Dẫn số liệu từ báo cáo của đoàn giám sát nêu ra trung bình 1 ngày có 7 trẻ bị xâm hại; trong hơn 4 năm có hàng nghìn trẻ em bị xâm hại tình dục, hàng trăm trẻ tử vong, nhiều vụ chưa được phát hiện kịp thời..., ông Phạm Văn Hoà cho rằng, đây là con số đau lòng cho thấy “khoảng tối” trong công tác bảo vệ trẻ em.

Còn theo đại biểu Trần Thị Hiền (đoàn Hà Nam)“bất cứ ai cũng có nhiều cảm xúc khi đọc thông tin và số liệu về xâm hại trẻ em trong báo cáo, trong đó người thân xâm hại con em mình không còn cá biệt” và báo cáo dù khá toàn diện nhưng chưa thể phản ánh đầy đủ thực trạng.Bởi lẽ, Đoàn giám sát của Quốc hội chỉ rõ, còn nhiều trường hợp chưa được phát hiện kịp thời, nhất là bạo lực gia đình. Vẫn còn “vùng ẩn” trong công tác theo dõi, thống kê.

Từ phân tích trên, nữ đại biểu đồng tình với kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ LĐ-TB-XH theo dõi việc thống kê trên phạm vi cả nước; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan trong năm 2020 ban hành Bộ chỉ tiêu thống kê về tình hình trẻ em và tình hình xâm hại trẻ em.

Còn bao nhiêu trẻ bị xâm hại chưa được phát hiện?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) khẳng định, báo cáo thể hiện nhiều vấn đề nóng và rất buồn, đòi hỏi sự quan tâm hơn nữa của cả hệ thống chính trị.

“Cử tri nhắc đến, ai cũng rùng mình, bức xúc, căm ghét, ám ảnh và mong muốn các hành vi xâm hại trẻ em sớm được phát hiện, xử lý nghiêm khắc. Không ngờ đối tượng xâm hại lại là người thân quen, thậm chí bố mẹ ruột, với thủ đoạn dã man” – đại biểu Phương nêu ý kiến.

"so tre em bi xam hai nghe ma rung minh, ai ngo co ca nguoi than" hinh 2
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình)

Phó trưởng Đoàn đại biểu chuyên trách tỉnh Quảng Bình cũng dẫn nhiều trường hợp ông nội, cha xâm hại rồi doạ giết nếu nạn nhân nói sự thật, bảo mẫu, thầy cô bạo hành trẻ và cho rằng, dù trẻ có chống lại, có cầu cứu thì đâu đó vẫn thiếu cơ chế bảo vệ hiệu quả.

Qua giám sát cho thấy, còn nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại nhưng chưa được phát hiện kịp thời, đầy đủ để xử lý, nhất là các hành vi bạo lực gây tổn hại về thể chất và tinh thần cho trẻ em. Nhiều vụ xâm hại trẻ em xảy ra nơi kín đáo, biệt lập; nhiều vụ xảy ra tại gia đình, ít có tố giác; nhiều vụ xâm hại xảy ra trong thời gian dài mới bị phát hiện; có vụ cha mẹ biết con bị xâm hại nhưng không tố giác vì lý do khác nhau…

“Điều đó dẫn đến hồ nghi, liệu còn bao nhiều trẻ bị xâm hại, bao nhiêu kẻ tàn ác phạm tội mà chưa bị xử lý. Tổn hại về thể chất với các em có thể đong đếm, nhưng về tinh thần là lâu dài, có thể khiến các em suy sụp” – ông Nguyễn Ngọc Phương bày tỏ và kiến nghị cần tăng cường giám sát, áp dụng các biện pháp mạnh, hiệu quả hơn để bảo vệ trẻ em.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) và nhiều đại biểu nhấn mạnh: Internet, mạng xã hội mang đến nhiều cơ hội, mở mang kiến thức, giải trí, nhất là với những trẻ em ở vùng sâu,vùng xa,song những tác động xấu, mặt trái của môi trường mạng đang đặt ra nhiều nguy cơ rủi ro đối với trẻ.

Nữ đại biểu dẫn số liệu cho thấy, cứ 4 trẻ được khảo sát thì có 1 trẻ chia sẻ từng có trải nghiệm đau buồn khi sử dụng mạng xã hội; 1/3 số trẻ cho biết từng là nạn nhân bị bắt nạt trên mạng và số trẻ em gái bị bắt nạt cao gấp 3 lần số trẻ em nam.

“Với công nghệ mạng, chưa bao giờ việc tiếp cận với trẻ em và xâm hại trẻ em lại dễ dàng như hiện nay” – đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ cảnh báo./.

Từ khóa: xâm hại trẻ em, bảo vệ trẻ em, Quốc hội giám sát tối cao, xâm hại tình dục

Thể loại: Nội chính

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập