Đặc sắc Cuộc thi độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2020
Cập nhật: 23/09/2020
Chi Pu, Trang Pháp, Kiều Anh rực rỡ trong áo dài 12 con giáp
Ra mắt trưng bày “Đảng Cộng sản Việt Nam - Những mốc son lịch sử”
VOV.VN - Theo đánh giá của Hội đồng nghệ thuật, các đoàn đã có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng về nội dung và trình diễn sân khấu, trong đó có nhiều tiết mục rất đặc sắc và ấn tượng, mang đậm tính chất vùng miền.
Cuộc thi Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm nay đã diễn ra được nửa chặng đường. Sau lễ khai mạc và phần dự thi của 8 đoàn nghệ thuật khu vực nam miền Trung và Tây Nguyên tổ chức tại Đắk Lắk, theo đánh giá của Hội đồng nghệ thuật, các đoàn đã có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng về nội dung và trình diễn sân khấu, trong đó có nhiều tiết mục rất đặc sắc và ấn tượng, mang đậm tính chất vùng miền.
Là đội chủ nhà, thi mở màn tại cuộc thi độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm nay, đoàn nghệ thuật Đắk Lắk tham gia 3 tiết mục hòa tấu gồm: Hồn đất Mẹ, Vía trời Cha và Vũ Khúc Hữu nghị. Nội dung các tác phẩm được sáng tác trên làn điệu dân ca của các dân tộc Êđê, J’rai, Sê Đăng và Lào. Các tiết mục là sự tổng hòa của các làn điệu, âm thanh và hiệu ứng sân khấu. Cùng với các nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ còn có các diễn viên phụ họa giúp kết nối mạch tác phẩm, tạo nên nội dung xuyên suốt cho các tiết mục dự thi. Với sự dàn dựng công phu, hoành tráng, sự tham gia của hàng chục diễn viên, mỗi một tiết mục có sự tổng hòa của hàng chục nhạc cụ từ tre nứa đến cồng chiêng tạo nên một dàn hòa tấu mang ý nghĩa linh thiêng, huyền ảo, nối liền cõi âm và cõi dương, trời đất và thần linh, nối kết hiện tại và quá khứ, hội tụ đầy đủ cung bậc, sắc màu của cuộc sống đại ngàn Tây Nguyên.
NSND Y San Alio, Trưởng đoàn Ca múa dân tộc Đắk Lắk, chỉ đạo nghệ thuật chương trình thi của đoàn Đắk Lắk cho biết, chương trình khá ngắn gọn, dài khoảng 15 phút, nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên đoàn đã không có nhiều thời gian để tập luyện và chỉ thực sự luyện tập liên tục trong khoảng gần 2 tuần trước ngày thi.
"3 tiết mục này đều gắn kết với buôn làng, quê hương và bản sắc dân tộc,trong đó cụ thể nhất là Êđê với Jrai, Êđê với Sê Đăng, và Êđê với Lào. Đây là nhiệm vụ, trách nhiệm lớn cho đoàn ca múa sau này, đó là luôn luôn bảo tồn, phát huy và gìn giữ bản sắc gốc và phát triển, nâng tầm hiện đại để giới thiệu đến bạn bè các nơi trong nước cũng như vươn ra thế giới", NSND Y San Alio chia sẻ.
Với chủ đề “Gió về xứ Trầm Hương”, đoàn ca múa nhạc Hải Đăng, tỉnh Khánh Hòa lại mang đến cuộc thi sắc màu âm nhạc đậm chất Nam Trung Bộ. 5 tiết mục mang 5 màu sắc vùng miền riêng được kết nối khéo léo thông qua ý tưởng nghệ thuật chung.
Theo dõi chương trình, khán giả được hòa mình trong bầu không khí linh thiêng, huyền bí của nền văn hóa Chăm với tiết mục hòa tấu Tháp thiêng nghiêng bóng. Vẻ đẹp của vùng biển đảo Nha Trang - Khánh Hòa cũng được khắc họa bằng những nốt nhạc đặc trưng qua bài Bình minh biển. Đoàn Khánh Hòa cũng khéo léo lựa chọn tiết mục âm nhạc Indonesia Buổi sáng bình yên cho nội dung âm nhạc về cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á. 2 tiết mục độc tấu đàn bầu gồm: "Nặng tình phương Nam" và "Nét Huế" được nhạc công trẻ Phạm Văn Tấn thể hiện xuất sắc. Nhạc sĩ Trần Anh Dũng, Phó trưởng đoàn ca múa nhạc Hải Đăng cho biết, chương trình của đoàn có sự kết hợp mượt mà, tinh tế giữa nhạc cụ truyền thống với nhạc cụ hiện đại; giữa âm nhạc với vũ đạo, hội tụ đầy đủ nét nhấn đặc sắc của văn hóa vùng miền như văn hóa Chăm, văn hóa xứ Huế, vùng đất Nam Bộ và khu vực Nam Trung Bộ.
"Chủ yếu là các nhạc cụ cơ bản của dân tộc Việt Nam như Tranh, Bầu, Sáo, Nhị, cùng với đàn đá Raglei của Khánh Hòa, đàn đá Khánh Sơn, đàn t’rưng. Toàn bộ phần đệm của chúng tôi là dàn nhạc điện tử, đi theo xu hướng là dân gian đương đại. Chúng tôi mong muốn được giao lưu học hỏi giữa các nghệ sĩ, các đoàn với nhau. Sau đó là thông qua những chương trình như thế này để nghệ thuật biểu diễn, nhất là nhạc cụ dân tộc sẽ càng ngày càng phát triển nhiều hơn", nhạc sĩ Trần Anh Dũng cho biết.
Năm nay, Cuộc thi Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc có 35 đoàn với 650 thí sinh tham gia. Đến thời điểm này, cuộc thi đã diễn ra được hơn nửa chặng đường. Để đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19, thay vì diễn ra tập trung tại Đắk Lắk, cuộc thi tổ chức tại 5 địa điểm thuộc 5 tỉnh thành trên cả nước và tổ chức tổng kết trao giải tại Hà Nội.
NSND Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật cuộc thi cho biết, khác với các năm trước, năm nay cuộc thi được chia làm 4 bảng, gồm 2 bảng về hòa tấu và 2 bảng về độc tấu dành cho các đơn vị thuộc các dòng nhạc khác nhau nhằm tạo thuận lợi và tăng tính chuyên nghiệp cho các đoàn dự thi. Theo đánh giá của Hội đồng nghệ thuật, các đoàn dự thi đều thể hiện rất xuất sắc, chăm chút cho từng tiết mục, tuân thủ đúng quy định của ban tổ chức về nội dung chương trình. Trong đó, nhiều đoàn dự thi đã thể hiện đậm nét chất liệu vùng miền trong các tiết mục.
"Năm nay có những khởi sắc đối với các dàn nhạc, nhất là các dàn nhạc từ các đoàn nghệ thuật sân khấu. Chỉ trừ các đơn vị nghệ thuật chuyên làm việc này, ví dụ như các cơ sở đào tạo, các học viện hoặc các đoàn ca múa lớn thì các văn nghệ sĩ có kỹ năng biểu diễn tương đối tốt. Nhưng với các dàn nhạc sân khấu dễ bỡ ngỡ nhưng lần này lại bộc lộ tốt hơn và cũng bộ lộ được những tài năng chúng tôi cho rằng rất khả quan. Đây cũng là cơ hội để các nghệ sĩ có dịp thể hiện tài năng của mình", NSND Nguyễn Quang Vinh nhận xét.
Theo ban tổ chức, không chỉ đơn thuần để dự thi, sau cuộc thi các tiết mục này sẽ được các đoàn tiếp tục mang đi biểu diễn phục vụ công chúng. Tính chất vùng miền trong mỗi tiết mục sẽ giúp công chúng cảm nhận và hiểu hơn về âm nhạc dân tộc, từ đó góp phần giữ gìn, bảo tồn các loại hình âm nhạc truyền thống của địa phương, dân tộc./.
Từ khóa:
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN