Đã tiêm phòng, nhiều trẻ vẫn có thể mắc viêm não Nhật Bản?
Cập nhật: 25/09/2019
6 lý do để bắt đầu ngày mới với nước ép kiwi và hạt chia
Bệnh viện Mắt Ánh Dương khai trương với nhiều công nghệ hiện đại
VOV.VN - Hầu hết những ca viêm não Nhật Bản đang được điều trị tại BV Nhi Trung ương đều không tiêm phòng nhắc lại và có trường hợp không tiêm.
Bé trai 13 tuổi thở máy, mất ý thức vì viêm não Nhật Bản
Đây là trường hợp bệnh nhi ở Thanh Hóa đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội). TS. BS Đỗ Thiện Hải, Trưởng khoa Nội, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bé trai 13 tuổi bị viêm não Nhật Bản đang phải mở phế quản và nằm im một chỗ.
Trẻ có triệu chứng ban đầu là đau đầu, ngủ nhiều, sốt cao và buồn nôn. Ngày thứ ba phát bệnh, trẻ được đưa vào bệnh viện tỉnh sau đó được chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng đã hôn mê, với nguy cơ tử vong cao.
Bệnh nhi phải mở phế quản, mất ý thức do viêm não Nhật Bản. |
Đến nay, sau hơn 20 ngày điều trị, trẻ vẫn phải thở máy và phải nằm một chỗ. Bệnh nhi có thể mở mắt, có cử động được, nhưng không có ý thức về mọi việc xung quanh. Khả năng phục hồi rất thấp.
“Chúng tôi đã giải thích với gia đình khả năng hồi phục của trẻ là khó. Nhưng những trường hợp còn khả năng điều trị, còn duy trì ổn định được các chức năng sống chúng tôi vẫn sẽ điều trị đến cùng, thậm chí không cho về kể cả khi gia đình xin về. Chúng tôi vẫn luôn hy vọng, khi các bệnh nhi được chăm sóc tốt sẽ hồi phục được phần nào thì tốt phần đấy”, BS Đỗ Thiện Hải nói.
Theo BS Hải, thông thường những trường hợp này 1-2 tháng đã ổn định, chỉ cần thở máy để hỗ trợ để duy trì chức năng sống. BS Hải cho biết thêm trường hợp bệnh nhi này, gia đình không nhớ đã tiêm vaccine cho trẻ hay chưa.
Qua đây, bác sĩ cảnh báo tình trạng anti-vaccine, đồng thời khuyến cáo cha mẹ đưa con đi tiêm phòng đầy đủ. Với viêm não Nhật Bản, việc tiêm phòng và tiêm nhắc lại là vô cùng cần thiết, bởi khi mắc bệnh, tỷ lệ trẻ tử vong cao, điều trị rất tốn kém và di chứng nhiều. Thậm chí, 30-40% bệnh nhi có di chứng về thần kinh, trẻ không vận động được, không thở được.
“Có những trẻ phải mở phế quản để thở. Dù đã hết giai đoạn viêm, nhưng tổn thương thần kinh khiến trẻ không tự thở được. Đây là di chứng cực kỳ nặng nề và đứa trẻ sau này chỉ nằm im một chỗ, khả năng hồi phục kém. Kể cả khi có thể phục hồi tự thở, trẻ vẫn không thể phục hồi tất cả các chức năng như trẻ bình thường. Trí tuệ trẻ có thể chậm chạp hơn, sa sút hơn hay nhiều trẻ không vận động được”, bác sĩ Hải cảnh báo.
“Quên” tiêm nhắc lại
Theo BS Đỗ Thiện Hải, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, có khoảng 17-18 ca và có ngày 25 ca viêm não nhập viện, trong đó, nhiều ca nguy hiểm là viêm não Nhật Bản. Từ đầu tháng 6 vào mùa viêm não Nhật Bản và bắt đầu xuất hiện các bệnh nhi nhập viện.
Từ đầu mùa, bệnh viện đã tiếp nhận khoảng 20 ca viêm não Nhật Bản. Hầu hết số bệnh nhi không tiêm phòng nhắc lại và một số trường hợp không tiêm phòng.
“Sau khoảng 3-5 năm, khả năng bảo vệ của vaccine xuống thấp, chỉ khoảng 60-70%. Tỷ lệ mắc viêm não Nhật Bản ở độ tuổi từ 5 trở lên. Bởi đáng nhẽ phải tiêm nhắc lại, nhưng bị bỏ qua. Tỷ lệ trẻ nhiễm bệnh rơi vào số 40% không còn được bảo vệ nữa”, BS Hải cho biết.
Viêm não Nhật Bản trong 1-2 ngày đầu thường khó phát hiện. Trẻ có thể bị sốt, đau đầu… Cần phải lưu ý triệu chứng đau đầu tăng dần lên, trẻ bị buồn nôn hoặc nôn khan. Nhiều phụ huynh hay nhầm việc trẻ ăn hay bị ho nên nôn trớ và sử dụng thuốc của đường tiêu hóa để giảm nôn hoặc dùng men tiêu hóa. Trẻ lớn sẽ đau đầu, hoạt động chậm chạp và ngủ nhiều. Đây là những triệu chứng rất sớm của rối loạn chức năng thần kinh trung ương và cần phải đưa trẻ đến viện ngay lập tức.
TS. BS Đỗ Thiện Hải, Trưởng khoa Nội, Bệnh viện Nhi Trung ương nói về trường hợp bệnh nhi 13 tuổi ở Thanh Hóa bị di chứng khó có thể phục hồi. |
BS Hải lưu ý: “Nôn khan không liên quan đến ăn uống là biểu hiện của việc trẻ bị tổn thương thần kinh trung ương. Hoặc trẻ ngủ nhiều. Các bậc phụ huynh cần lưu ý, nếu trẻ sốt virus được dùng thuốc hạ sốt là trẻ đã tỉnh và chơi đùa bình thường. Nhưng với trẻ bị viêm não Nhật Bản, khi thần kinh trung ương bị tổn thương thì đến ngày thứ hai trẻ đã ngủ nhiều và ngủ lì bì. Dù không sốt trẻ cũng không hoạt bát, không chơi đùa như bình thường”.
Các rối loạn thần kinh trung ương tăng lên (vào khoảng ngày thứ ba), trẻ sẽ bị co giật, ngủ ly bì, hôn mê… Các bậc phụ huynh cần đặc biệt lưu ý vì khoảng ngày thứ hai trẻ đã có những dấu hiệu để nhận biết bệnh viêm não. Để trẻ đến lúc hôn mê ly bì thì những di chứng để lại sẽ rất khủng khiếp.
Số ca mắc viêm não Nhật Bản thường ở trẻ từ 5 tuổi trở lên. Lứa tuổi này có hai vấn đề khiến trẻ dễ mắc. Thứ nhất, là đến lúc phải tiêm phòng nhắc lại vì khả năng miễn dịch và bảo vệ đã giảm. Thứ hai, trẻ từ 5 tuổi trở lên, nhất là tại các vùng quê trẻ có thể tự đi chơi và dễ bị muỗi đốt. Virus viêm não Nhật Bản không truyền từ người này sang người khác mà muỗi là tác nhân truyền bệnh. Muỗi mang virus Nhật Bản khi đốt trẻ sẽ gây bệnh.
Nguồn bệnh có thể ở trâu, bò, lợn… Ví dụ, mẫu xét nghiệm lợn ở Hà Nam trong mùa viêm não cho thấy, khoảng 15-20% lợn mang virus viêm não Nhật Bản, nhưng gia súc lại không bị bệnh./.
Từ khóa: viêm não Nhật Bản, triệu chứng viêm não Nhật Bản, vaccine viêm não Nhật Bản, Bệnh viện Nhi Trung ương,
Thể loại: Y tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN