Đa số ĐBQH thấy chưa cần thiết có Luật lực lượng bảo vệ an ninh cơ sở

Cập nhật: 17/11/2020

VOV.VN - 290 đại biểu (chiếm 73,69% số đại biểu tham gia và chiếm 60,29% tổng số đại biểu Quốc hội) cho rằng chưa cần thiết ban hành luật.

Chiều 17/11, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan dự án Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở. Kết quả có 393 đại biểu tham gia ý kiến.

Cụ thể, về sự cần thiết ban hành luật này, có 290 đại biểu (chiếm 73,69% số đại biểu tham gia và chiếm 60,29% tổng số đại biểu Quốc hội) cho rằng chưa cần thiết. Trong khi đó chỉ có 96 đại biểu Quốc hội cho rằng cần thiết ban hành luật.

206/393 đại biểu Quốc hội (52,42% số đại biểu tham gia ý kiến và chiếm 42,83% tổng số đại biểu Quốc hội) cũng đồng ý trên cơ sở ý kiến thẩm tra và thảo luận của Đại biểu Quốc hộ tại kỳ họp thứ 10, đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự án luật.

Trước đó, thảo luận về dự án luật tại Hội trường vào sáng cùng ngày, bên cạnh ý kiến đồng ý với việc ban hành luật thì rất nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn và đề nghị cân nhắc về việc có nên gom 3 lực lượng dân phòng, tổ dân phố và công an bán chuyên trách để xây dựng luật hay không.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, phạm vi đặt ra gồm 3 lực lượng và về lý thuyết là thu gọn đầu mối nhưng thực tế hoàn toàn không phải vậy, bởi bộ máy rõ ràng đang phình ra so với hiện hành. Hơn nữa, lực lượng quần chúng là tự nguyện, đóng vai trò tham gia, nhưng cách thể hiện trong dự thảo lại không đúng tinh thần nêu ra.

Ngoài 3 lực lượng được đề cập thì nhiều mô hình tự quản quần chúng đang tồn tại hiện nay có nằm trong phạm vi điều chỉnh hay không và nếu luật ra đời thì các mô hình tự quản khác có duy trì không, tính pháp lý thế nào so với 3 lực lượng trong dự thảo.

Nhiều ý kiến cho biết, theo hồ sơ dự án luật thì nếu được thông qua, lực lượng tham gia bảo vệ trị an ở cơ sở sẽ có 1,5 triệu người hưởng ngân sách thường xuyên, giảm 500.000 người, song đại biểu cho rằng con số này chưa thực sự thuyết phục. Quy định trong dự thảo luật cho thấy ngân sách địa phương phải chỉ trả từ trụ sở, phụ cấp, bảo hiểm… thì e rằng ngân sách của địa phương sẽ không còn để đầu tư phát triển, bố trí cho an sinh xã hội.

Lực lượng này mới nghe thì là quần chúng tự nguyện nhưng các quy định toát lên tính chính quy về tổ chức, hoạt động, chế độ chính sách…. Do đó Nhà nước sẽ phải bảo đảm ngân sách lớn mà nay vẫn chưa thể hình dung được đầy đủ./.

Từ khóa: Bảo vệ an ninh cơ sở, công an xã, Quốc hội, lấy ý kiến đại biểu Quốc hội, Luật giao thông

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập