Đà Nẵng tăng tốc thu hút đầu tư

Cập nhật: 05/03/2021

VOV.VN - Những ngày qua, thành phố Đà Nẵng đã liên tục cấp Giấy Chứng nhận đầu tư và chủ trương nghiên cứu đầu tư hàng loạt dự án cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Đây là tín hiệu vui trong “Năm khôi phục tăng trưởng và đẩy mạnh phát triển kinh tế” mà Đà Nẵng chọn làm chủ đề của năm 2021. Đẩy mạnh thu hút đầu tư, thành phố Đà Nẵng cam kết tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư thuận lợi trong tiếp cận đất đai và cơ hội làm ăn.

Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng trao Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư cho 6 dự án và văn bản chấp thuận chủ trương nghiên cứu đầu tư cho 1 dự án vào Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng. Tổng vốn đăng ký hơn 280 triệu USD.

Trong số các dự án được trao Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư lần này có 3 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đến từ Mỹ và Nhật Bản. Từ năm 2016 đến nay, Đà Nẵng thu hút được 163 dự án với tổng vốn 76.000 tỷ đồng, số dự án giảm nhưng vốn đầu tư tăng 43.000 tỷ đồng so với giai đoạn 4 năm trước đó; Thu hút đầu tư nước ngoài hơn 530 dự án với tổng vốn 1,045 tỷ USD, tăng gấp đôi so với giai đoạn 2011-2015. Lũy kế đến nay, Đà Nẵng có 892 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư trên 3,862 tỷ USD.

Từ đầu năm đến nay, thành phố đã cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký thành lập cho 487 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện với tổng vốn điều lệ đăng ký gần 4.800 tỷ đồng, tăng 50% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 2 và hai tháng đầu năm nay giảm so với cùng kỳ năm 2020, nhưng tổng vốn điều lệ đăng ký tăng cao.

Ông Lê Minh Phúc, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Khách sạn và Biệt thự Nam Phát, Công ty 100% vốn nước ngoài vừa đầu tư dự án 100 triệu USD vào thành phố Đà Nẵng cho biết: "UBND thành phố Đà Nẵng và các Sở ban ngành thời gian vừa qua đã hết sức hỗ trợ cho công ty tháo gỡ những khó khăn vướng mắc để công ty có thể triển khai dự án. Kính đề nghị Lãnh đạo thành phố và các sở ban ngành tiếp tục hỗ trợ để dự án có thể tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đầu tư. Chúng tôi cam kết sẽ đẩy nhanh tiến độ dự án để dự kiến hoàn thành vào giữa năm 2022".

Để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, đầu năm nay, UBND thành phố Đà Nẵng có văn bản chỉ đạo về việc rút ngắn quy trình, thủ tục hành chính nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thủ tục đầu tư đối với các dự án có nguồn vốn ngoài ngân sách.

UBND thành phố Đà Nẵng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp nhận hồ sơ lấy ý kiến thẩm tra, thẩm định theo quy định, hướng dẫn nhà đầu tư bổ sung các thành phần còn thiếu trong quá trình thẩm tra, thẩm định dự án. UBND TP Đà Nẵng cũng chỉ đạo rút ngắn thời gian thẩm tra, thẩm định hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án từ 15 ngày còn 5-7 ngày làm việc.

Bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng cam kết, Sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, có tính cạnh tranh cao, công khai, minh bạch.

"Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục phối hợp với các Sở ngành để tiếp tục quản lý chặt chẽ hơn việc thu hút các dự án đầu tư mới theo đúng định hướng của thành phố. Đó là thân thiện với môi trường; Đồng thời sẽ tham mưu cho thành phố tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ, nhiều diễn đàn để nắm bắt thêm những khó khăn vướng mắc của nhà đầu tư. Để từ đó có những giải pháp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc. Đồng thời sẽ có những giải pháp mới trong cải cách hành chính, tạo lập môi trường đầu tư lành mạnh, thông thoáng, tích cực hỗ trợ cho nhà đầu tư đến với Đà Nẵng" - bà Tâm cho biết.

Thành phố Đà Nẵng đã chọn 3 năm liên tiếp, từ 2019 đến nay để thực hiện chủ đề “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư”. Thời gian này, đã có nhiều ý tưởng và cách làm hay, mang lại hiệu quả rõ rệt. Thành phố đã kịp thời sửa đổi, ban hành nhiều chính sách hỗ trợ và thu hút đầu tư, đơn giản hoá thủ tục hành chính liên quan đến đến hoạt động đầu tư, quy hoạch, đất đai và môi trường. Nhờ đó, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ, các chỉ số quan trọng như Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số sẵn sàng phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT Index) luôn nằm trong tốp đầu cả nước.

Để tiếp tục thu hút đầu tư vào thành phố, Đà Nẵng thực hiện 6 nhóm giải pháp như hoàn thiện cơ chế chính sách, nhanh chóng ban hành quy hoạch sử dụng đất cho phù hợp với quy hoạch chung, tiếp tục hoàn thiện quy chế đấu giá quyền sử dụng đất. Đà Nẵng cũng sớm chuẩn bị quỹ đất gắn với hạ tầng đồng bộ trong các khu, cụm công nghiệp. Đặc biệt là công khai danh mục quỹ đất và dự án kêu gọi đầu tư đến các tổ chức, cá nhân. Đối với dự án sử dụng đất không hiệu quả hoặc không đầu tư,  sớm thu hồi theo quy định, hài hòa quyền lợi của nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu các Sở, ngành cần triển khai ngay công tác lập quy hoạch phân khu, quy hoạch ngành, lĩnh vực và ban hành các quy định về quy hoạch và quản lý quy hoạch, làm cơ sở quan trọng để kêu gọi đầu tư.

Theo ông Quảng: "Chúng tôi cam kết nâng cao môi trường sống, làm việc kể cả giao thông, y tế, các điều kiện sản xuất kinh doanh như cung ứng điện, nước, đặc biệt là vấn đề môi trường. Chúng tôi đề xuất với Trung ương về một số cơ chế chính sách đặc thù cho thành phố trong thực hiện Nghị quyết 119 của Quốc hội để tạo ra lợi thế của thành phố cũng như lợi thế của nhà đầu tư".

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng vừa ký Quyết định điều chỉnh Danh mục dự án trọng điểm thu hút đầu tư vào TP Đà Nẵng giai đoạn 2020 – 2025. Theo đó, có 57 dự án trọng điểm được TP Đà Nẵng tập trung thu hút trong giai đoạn này, trong đó có dự án tổng vốn đầu dư dự kiến lên đến 54.500 tỉ đồng.

Bên cạnh kêu gọi thu hút đầu tư vào 57 dự án trọng điểm, TP. Đà Nẵng đang tích cực triển khai nhiều công trình trọng điểm như dự án phát triển bền vững TP. Đà Nẵng với tổng vốn đầu tư 8.241 tỷ đồng; dự án khu công nghệ cao tổng mức đầu tư dự kiến hơn 8.841 tỷ đồng; dự án nhà máy nước Hòa Liên, dự án cải thiện hạ tầng giao thông thành phố, dự án khu công viên phần mềm số 2 – giai đoạn 1./.

- Danh mục mới được điều chỉnh thu hút đầu tư, lĩnh vực giáo dục, đào tạo có 6 dự án trọng điểm thu hút đầu tư vào TP Đà Nẵng giai đoạn 2020 – 2025. Trong đó đáng chú ý có Trường Đại học quốc tế (huyện Hòa Vang)

- Lĩnh vực y tế có 4 dự án, đáng chú ý có Trung tâm điều trị Ung bướu quốc tế chất lượng cao (Bệnh viện Ung bướu, quận Liên Chiểu), quy mô 500 giường bệnh, vốn đầu tư dự kiến  11.000 tỉ đồng.

- Lĩnh vực du lịch, dịch vụ, thương mại có 11 dự án. Trong đó đáng chú ý có Bến du thuyền quốc tế ở khu vực từ đường Bạch Đằng đến đường Như Nguyệt; chuyển đổi cảng Tiên Sa thành cảng du lịch; tuyến phố đi bộ Bạch Đằng – cầu Nguyễn Văn Trỗi – Trần Hưng Đạo… Trường đua ngựa và trang trại nuôi ngựa (quận Liên Chiểu và huyện Hòa Vang), diện tích 173,5ha, vốn đầu tư dự kiến  4.554 tỉ đồng.

- Lĩnh vực văn hóa – thể thao có 4 dự án. Trong đó đáng chú ý có Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn, diện tích 92ha, vốn đầu tư dự kiến 2.000 tỉ đồng; Khu liên hợp thể thao Hòa Xuân; Nhà hát lớn TP Đà Nẵng; Trường quay Đà Nẵng...

- Lĩnh vực công nghệ thông tin, hạ tầng công nghiệp có 10 dự án. Trong đó đáng chú ý có KCN Hòa Cầm giai đoạn 2, diện tích 120ha, vốn đầu tư dự kiến 2.232,87 tỉ đồng; KCN Hòa Ninh 400ha, 6.083,15 tỉ đồng; KCN Hòa Nhơn 360,1ha, vốn đầu tư dự kiến 5.657,53 tỉ đồng...

- Lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao có 4 dự án. Trong đó đáng chú ý có dự án thuộc lĩnh vực công nghệ hàng không vũ trụ (Khu Công nghệ cao Đà Nẵng), suất đầu tư 10 – 15 triệu USD/ha.

- Lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có 7 dự án đều ở huyện Hòa Vang.  

- Lĩnh vực giao thông, cơ sở hạ tầng, logistics có 10 dự án. Trong đó đáng chú ý có dự án đầu tư các bãi đỗ xe khu vực trung tâm TP (10 Lý Thường Kiệt, 19 Lê Hồng Phong, đầu cầu Nguyễn Văn Trỗi); Cảng Liên Chiểu (nhà nước đầu tư 3.426,3 tỉ đồng, tư nhân đầu tư 3.951,8 tỉ đồng); di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị; đường hầm qua sân bay Đà Nẵng 3,7km, vốn 8.228 tỉ đồng; hệ thống GTVT công cộng khối lượng lớn như tàu điện ngầm, xe điện bánh sắt Tramway vốn đầu tư 54.500 tỉ đồng; tàu điện kết nối TP Đà Nẵng và Hội An, vốn đầu tư 7.497 – 14.995 tỉ đồng./.

Từ khóa: Đà Nẵng, thu hút đầu tư, dự án, FDI, dự án trọng điểm

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập