Đà Nẵng nêu kiến nghị sau 3 năm thí điểm mô hình chính quyền đô thị

Cập nhật: 30/08/2023

VOV.VN - Sau 3 năm thí điểm mô hình chính quyền đô thị, Đà Nẵng đề nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 119/2020 về thẩm quyền quyết định các nội dung thuộc thẩm quyền HĐND trước đây, nay chưa được quy định.

Sáng 30/8, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 119 năm 2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Thông tin tại hội nghị cho biết, hơn 73% cán bộ, công chức, viên chức quận và 60% cán bộ, công chức phường đánh giá công tác quản lý tài chính, ngân sách quận, phường khi chuyển sang thực hiện nhiệm vụ đơn vị dự toán không còn là một cấp ngân sách bộc lộ nhiều điểm chưa hợp lý, chưa hiệu quả.

Từ ngày 01/7/2021, thành phố Đà Nẵng thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị. Theo đó, thành phố được tổ chức thành một cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND; ở 6 quận và 45 phường thuộc các quận tại thành phố Đà Nẵng chỉ có UBND, không tổ chức HĐND quận, phường.

Việc thực hiện thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng đã thực hiện đúng chủ trương, đảm bảo tiến độ, tạo sự đồng thuận của các cấp, các ngành. Công tác bố trí, sắp xếp tổ chức bộ máy, công tác cán bộ khi triển khai thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị về cơ bản đã hoàn thành tốt. Việc bổ nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND quận, phường đúng quy trình, việc sắp xếp chức danh, tinh giản biên chế được thực hiện phù hợp.

Việc phân cấp ủy quyền được đẩy mạnh, bước đầu mang lại nhiều kết quả tích cực, tạo sự linh hoạt trong triển khai, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, giảm bớt khâu trung gian. Đến nay, có 91 nội dung phân cấp, ủy quyền với tỷ lệ 100% đã được triển khai.

Khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị, việc điều hành phát triển kinh tế - xã hội của UBND thành phố, quận phường thực hiện theo chế độ làm việc thủ trưởng. Chủ tịch UBND quận, phường đã phát huy tính chủ động, thẩm quyền và chế độ trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu. Công tác chỉ đạo điều hành của UBND cấp trên đối với cấp dưới thông suốt, hiệu quả hơn. Công tác quản lý tài chính, ngân sách được thực hiện đảm bảo theo quy định của đạt được một số kết quả tích cực.

HĐND thành phố, Thường trực HĐND, các Ban, Tổ đại biểu cũng đổi mới phương thức hoạt động theo hướng mở rộng phạm vi, nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp, hiệu quả hoạt động, phù hợp với đặc điểm của mô hình chỉnh quyền đô thị.

Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng cho biết: “Trong bối cảnh đối mặt với những khó khăn, thách thức rất lớn nhưng được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương và đặc biệt là sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực, với quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống chính trị thành phố dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, qua gần 3 năm việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng đạt được những kết quả tích cực, bước đầu phát huy những ưu điểm, tính ưu việt của chính quyền đô thị, đảm bảo phát huy quyền làm chủ của người dân, góp phần quan trọng trong phát triển thành phố Đà Nẵng.”

Bên cạnh những kết quả tích cực, trong quá trình thực hiện thí điểm đã phát sinh một số vướng mắc. Cụ thể, khi thực hiện chuyển ngân sách quận, phường từ một cấp ngân sách thành đơn vị dự toán thì việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về ngân sách nhà nước chưa có quy định, nên việc thực hiện còn nhiều lúng túng. Theo kết quả khảo sát, 73,5% cán bộ, công chức, viên chức quận và 60% cán bộ, công chức phường nhận xét công tác quản lý tài chính ngân sách quận, phường khi chuyển sang thực hiện nhiệm vụ đơn vị dự toán không còn là một cấp ngân sách là chưa hợp lý, chưa hiệu quả.

Khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị thì HĐND phường và HĐND quận không còn, đối tượng giám sát trực tiếp của HĐND thành phố nhiều hơn, chức năng, nhiệm vụ của HĐND thành phố, Thường trực HĐND thành phố và các Ban HĐND tăng thêm. Tuy nhiên, hiện nay số lượng đại biểu chỉ có 51 người, mỗi Ban chỉ có 3 người hoạt động chuyên trách. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban, Tổ Đại biểu và của từng Đại biểu HĐND thành phố.

Việc thực hiện theo quy định đảm bảo đúng số lượng và tên gọi, số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận không tạo tính linh hoạt trong việc thực hiện cơ cấu tổ chức, sắp xếp các cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận theo hướng tinh gọn, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn.

Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng cho biết còn nhiều lúng túng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ: “Qua rà soát, một số nội dung liên quan đến thẩm quyền quyết định của HĐND quận trước đây chưa được quy định cụ thể theo Nghị quyết số 119/2020 và Nghị định số 34, gây lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện. Vì vậy kính đề nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 119/2020 về thẩm quyền quyết định các nội dung thuộc thẩm quyền HĐND trước đây, nay chưa được quy định. Đề nghị cho phép UBND thành phố phân công Chủ tịch UBND thành phố thay mặt UBND thành phố quyết định những vấn đề đột xuất, cấp bách, cần xử lý gấp và một số vấn đề khác thuộc thẩm quyền để rút ngắn quy trình, thủ tục, thời gian giải quyết công việc.”

Từ khóa: chính quyền, đô thị, đà nẵng, sơ kết 3 năm, 3

Thể loại: Nội chính

Tác giả: thanh hà/vov - miền trung

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập