Đà Nẵng khó thực hiện đảm bảo giãn cách học sinh tại trường học
Cập nhật: 08/05/2020
VOV.VN - Việc chia lớp và dạy cả ngày rất phức tạp bởi thiếu giáo viên và còn liên quan đến chế độ cho các thầy, cô giáo khi dạy vượt tiết
Theo Công văn của Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT về việc triển khai phòng, chống dịch Covid-19 trong cơ sở giáo dục, các trường học phải đảm bảo giãn cách trong lớp học tối thiểu 1 mét. Thế nhưng tại thành phố Đà Nẵng dù đã triển khai nhiều biện pháp nhưng hầu hết các trường trường đều gặp lúng túng, thậm chí khó thực hiện.
Việc thực hiện giãn cách học sinh trong lớp học tối thiểu 1 mét rất khó thực hiện. |
Hơn 2.000 học sinh Trường THCS Nguyễn Huệ, quận Hải Châu thành phố Đà Nẵng quay trở lại trường học gần 1 tuần nay. Để thực hiện giãn cách phòng chống dịch bệnh, nhà trường đã chia 4 khối lớp học theo ngày chẵn- lẻ, 2 ca sáng- chiều và bố trí lệch giờ ra chơi, giờ tan trường giữa các khối lớp.
Thầy Võ Thanh Phước, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ cho biết, nhà trường gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện giãn cách học sinh do số lượng học sinh đông, số lớp nhiều. Nếu đảm bảo đúng giãn cách theo yêu cầu thì nhà trường chỉ có thể cho học sinh 1 khối lớp tới trường, học sinh 3 khối lớp còn lại sẽ phải ở nhà.
"Riêng thành phố Đà Nẵng, đối với các trường ở huyện Hòa Vang với sĩ số lớp ít thì thực hiện việc giãn cách rất dễ, nhưng đối với những trường ở các quận trung tâm như Hải Châu, Thanh Khê thì việc giãn cách này rất khó khăn".
Thực hiện việc giảm, giãn cách học sinh trong lớp, bố trí học lệch giờ, tăng ca, tăng lớp là những giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 mà các trường học tại thành phố Đà Nẵng đang áp dụng. Thế nhưng, theo các giáo viên, việc giãn cách trong lớp học gặp nhiều khó khăn. Việc chia lớp và dạy cả ngày rất phức tạp bởi thiếu giáo viên và còn liên quan đến chế độ cho các thầy, cô giáo khi dạy vượt tiết. Trong khi đó, nhiều trường còn không đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất phòng học,…
Cô Nguyễn Thị Thảo Sương, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Châu Trinh, thành phố Đà Nẵng cho biết, trường có gần 1.800 học sinh nên việc giãn cách theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế đối với các em học sinh không thể thực hiện được: "Nhà trường có 3 khối lớp với gần 1.800 học sinh, cho nên việc giãn cách học sinh ngồi trong lớp cách nhau 1 mét thì nhà trường không đủ điều kiện. Vì vậy, nhà trường đã quán triệt đến học sinh là trước khi đến trường các em phải tự đo thân nhiệt ở nhà, nếu phát hiện mình cảm thấy mệt hoặc cảm sốt thì không đến trường. Nhà trường cũng thông báo đến phụ huynh việc công tác chuẩn bị cho các em ăn sáng tại nhà, mang theo nước đun sôi để đi học để bảo đảm vệ sinh cá nhân."
Ông Mai Tấn Linh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT thành phố Đà Nẵng cho rằng, dù đã tích cực triển khai công tác chuẩn bị đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh, nhưng các nhà trường đều gặp khó khăn trong việc giãn cách học sinh trong lớp. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa đồng ý với đề xuất của Bộ GD-ĐT là không bắt buộc học sinh đeo khẩu trang trong lớp học.
Trước mắt, Sở GD-ĐT thành phố Đà Nẵng chỉ đạo các trường linh hoạt việc giãn cách chứ không nên máy móc. Nhiệm vụ trọng tâm của các trường là làm tốt công tác vệ sinh môi trường, đảm bảo sức khỏe cho học sinh. Đối với những học sinh cuối cấp khi hết giãn cách, nhà trường phải tăng cường bổ trợ kiến thức cho học sinh vào thứ 7 hàng tuần.
"Thực hiện việc giãn cách đối với học sinh theo chỉ đạo của Thủ tướng cũng như của các cấp, không riêng gì Đà Nẵng việc giãn cách này gặp khó khăn, gây lúng túng cho các trường. Chúng ta có thể đưa ra những giải pháp giãn cách tối đa có thể như: sắp xếp lại bàn ghế để làm tăng các khoảng cách giữa học sinh với nhau; quán triệt các em giữ khoảng cách trong quá trình sinh hoạt, học tập; trong quá trình thực hiện phòng chống dịch. Đặc biệt lưu ý các em nâng cao ý thức, giữ gìn cách ly cho nhau là quan trọng hơn./.
Từ khóa: Đà Nẵng, khó giãn cách học sinh, trường học, chia lớp, thiếu giáo viên
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN