Đà Nẵng có nhiều chính sách nhân văn về giáo dục và đào tạo
Cập nhật: 27/07/2023
VOV.VN - Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết TW 29 về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế” diễn ra sáng nay (27/7), Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng nhận định, 10 năm qua, thành phố đã ban hành nhiều chính sách nhân văn trên lĩnh vực GD và ĐT
Báo cáo của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng cho biết, qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể và các trường học tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả. Thành phố quan tâm hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập.
Công tác quản lý giáo dục, đào tạo có nhiều đổi mới và bảo đảm dân chủ, thống nhất. Ngành Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh phân cấp, tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, đào tạo; coi trọng quản lý chất lượng. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được quan tâm phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo. Phương pháp, hình thức thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo đã có nhiều đổi mới và bảo đảm tính trung thực, khách quan.
Thành phố Đà Nẵng đã ban hành nhiều chương trình, chính sách, cơ chế nhân văn trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Nổi bật là việc thực hiện Chương trình không có học sinh bỏ học; Đề án sữa học đường, thí điểm giữ trẻ từ 6-18 tháng tuổi tại các trường mầm non công lập. Thành phố có chính sách hỗ trợ học phí đối với trẻ mầm non và học sinh phổ thông; từ năm học 2023-2024, hỗ trợ cả trường công lập và ngoài công lập với số tiền trên 400 tỷ đồng/năm…
Các báo cáo tham luận tại Hội nghị thẳng thắn nêu lên những khó khăn, hạn chế trong lĩnh vực giáo dục và đào tao. Cụ thể, một số giáo viên chưa bắt kịp yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, việc sử dụng công nghệ thông tin còn hạn chế. Giáo viên bậc mầm non ngoài công lập biến động và thay đổi nhiều. Tại khu vực trung tâm thành phố, quỹ đất công rất hạn chế, việc giải phóng mặt bằng để đầu tư xây dựng, mở rộng cơ sở giáo dục gặp nhiều khó khăn hoặc không thể thực hiện được. Mặc dù cơ sở vật chất trường lớp được nâng cấp, trình độ giáo viên đạt chuẩn nhưng chất lượng đào tạo nhiều nơi chưa như kỳ vọng.
Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu, thời gian tới, các cấp, các ngành chú trọng thực hiện tốt Nghị quyết số 29 của Trung ương, thực hiện hiệu quả Chương trình hành động của Thành ủy về “Xây dựng và triển khai chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố, tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn của thành phố”.
Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng đề nghị Ban cán sự đảng UBND thành phố tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn đầu tư từ ngân sách để xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật trường học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, đồng bộ hóa.
“Đầu tư xây dựng phòng học đáp ứng yêu cầu học tập của các cấp học; trong đó, đề xuất các giải pháp cụ thể để phát triển các trường học tại khu vực trung tâm thành phố, đáp ứng yêu cầu hiện nay. Trong quá trình xây dựng các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phân khu cần rà soát, điều chỉnh, ưu tiên bổ sung quy hoạch quỹ đất cho giáo dục và đào tạo. Trước mắt, đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án “Xây dựng, nâng cấp, mở rộng trường học giai đoạn 2021-2025” theo kế hoạch đề ra”. Đề nghị các chủ đầu tư các dự án khu đô thị, khu dân cư phải thực hiện đúng cam kết của mình về xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội cho các dự án khu dân cư, nhất là trường học" Ông Triết nhấn mạnh./.
Từ khóa: đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, Đà Nẵng nhiều chính sách nhân văn
Thể loại: Giáo dục
Tác giả: thanh hà/vov-miền trung
Nguồn tin: VOVVN