Đa dạng văn hóa, nghề truyền thống người Chăm

Cập nhật: 25/09/2019

VOV.VN - 2.000 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên… đã tham gia giới thiệu các trích đoạn truyền thống của Người Chăm như lễ cưới hỏi, lễ hội Katê, lễ hội cầu mưa…

Khuôn khổ Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Chăm lần thứ 5 do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Phú Yên tổ chức tại thành phố Tuy Hòa, chiều nay (20/8) diễn ra triển lãm giới thiệu nghề truyền thống, văn hóa ẩm thực; và giới thiệu trích đoạn lễ hội dân gian người Chăm.

da dang van hoa, nghe truyen thong nguoi cham hinh 1
Nghệ nhân Chăm tỉnh Bình Thuận trình diễn làm đồ gốm thủ công.

Trích đoạn phục dựng lễ cưới truyền thống của người Chăm Nam Bộ của đoàn TP Hồ Chí Minh thu hút đông đảo người xem. Chuyện cưới hỏi của trai gái người Chăm là do cha mẹ quyết định. Khi người con trai muốn lập gia đình, cha mẹ anh ta sẽ tìm hiểu và nhờ ông Cả của làng ngỏ lời với bên gái.

Qua mai mối, nếu được chấp nhận, nhà trai sẽ tiến hành lễ dứt lời (lễ hỏi). Đúng ngày hẹn, bên nhà trai mang lễ vật đến nhà gái gồm một mâm trái cây và các vật dụng cho cô dâu như: áo dài cưới, xà rông, khăn đội đầu... Vài ngày sau, nhà gái “trả lễ” nhà trai một mâm bánh và nhà trai trao một phong bì tiền cho nhà gái.

da dang van hoa, nghe truyen thong nguoi cham hinh 2
Trích đoạn phục dựng lễ cưới người Chăm Nam bộ.

Nghệ sỹ ưu tú Đặng Quang Dũng, người dân tộc Chăm, đạo diễn của đoàn TP Hồ Chí Minh cho biết, trong quá trình phát triển và hội nhập, lễ cưới của Chăm Nam bộ đã nhiều thay đổi. Việc trình diễn lễ cưới cổ của người Chăm Nam bộ với mong muốn phục hồi tính cổ truyền dân tộc.

Trong không gian trưng bày rộng chừng 100m2, đoàn Ninh Thuận giới thiệu các sản phẩm đặc thù, nghề truyền thống của người Chăm như: dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, làm gốm Bàu Trúc, nghệ thuật truyền thống…

da dang van hoa, nghe truyen thong nguoi cham hinh 3
Bàn tay tài hoa của bà Đổng Thị Sữa với những sản phẩm gốm độc đáo.

Bà Đổng Thị Sữa, ở thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận mang theo đất sét ở quê mình để trình diễn đồ gốm. Đôi bàn tay khéo léo của bà đã tạo nên sản phẩm gốm độc đáo, giúp công chúng hiểu thêm về làng nghề truyền thống của quê hương mình.

Trong khi đó, tại khu trưng bày của tỉnh Bình Thuận, nghệ nhân các làng nghề bày biện nhiều sản phẩm độc đáo. Bà Long Thị Nhan, xã Bình Tiến, huyện Bắc Bình cho biết, bà cùng các thành viên trong đoàn mang tới ngày hội nghề dệt thổ cẩm của dân tộc mình.

Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống của gia đình, bà đã theo nghề từ khi mới 15 tuổi. Từ nhiều năm nay, các sản phẩm dệt của bà là phụ liệu không thể thiếu đối với trang phục truyền thống của cộng đồng người Chăm. Hiện nay, sản phẩm của dệt thổ cẩm còn phục vụ khách du lịch.

da dang van hoa, nghe truyen thong nguoi cham hinh 4
Bà Long Thị Nhan mong muốn giới thiệu nghề dệt vải đến cộng đồng người Chăm và du khách.

Với chủ đề “Bảo tồn văn hóa dân tộc Chăm gắn với phát triển du lịch”, “Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Chăm lần thứ 5 năm 2019” thu hút 2.000 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công, vận động viên quần chúng… của 9 tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ và Nam Trung bộ tham gia. Mỗi đoàn giới thiệu mỗi trích đoạn truyền thống của Người Chăm ở địa phương mình như lễ cưới hỏi, lễ hội Katê, lễ hội cầu mưa…

Các đoàn còn trình diễn ẩm thực, trang phục truyền thống hay trình diễn các công đoạn làm ra một sản phẩm làng nghề truyền của người Chăm tại quê mình. Ngày hội thực sự trở thành nơi nơi giao lưu, bảo tồn và quảng bá hình ảnh của người Chăm trong cả nước./.

Từ khóa: văn hóa người Chăm. nghề truyền thống người Chăm, lễ cưới hỏi, lễ hội Kate, lễ hội cầu mưa

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập