Đa dạng sắc màu văn hóa, lễ hội các dân tộc ở Đắk Lắk

Cập nhật: 28/01/2023

VOV.VN - Những ngày này tại các địa phương trong tỉnh Đắk Lắk đang diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội của các dân tộc, tạo nên bức tranh đa dạng sắc màu dân tộc trên vùng đất trung tâm của Tây Nguyên.

Đã thành lệ, vào ngày mùng 7 tháng giêng hàng năm, nhiều người dân và du khách đến khu du lịch sinh thái Ko Tam, ở thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk có dịp dự lễ rước Quốc mẫu Âu Cơ và treo gửi điều ước trên cây ước nguyện trong năm mới.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần du lịch Ko Tam cho biết: "Ở Tây Nguyên nói chung và Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk nói riêng là còn chế độ mẫu hệ. Việc thờ Mẫu Âu Cơ là một cái sáng tạo, văn hóa độc đáo, nhằm ghi nhớ và tôn vinh lịch sử giống nòi cũng là đặc trưng văn hóa của du lịch Ko Tam; cũng đã tạo nhiều ấn tượng cho du khách đến tham quan và tham gia hưởng ứng".

Dịp này, tại nhiều huyện, xã trong tỉnh Đắk Lắk cũng đang diễn ra các hoạt động văn hóa, lễ hội đầu xuân: Lễ hội Khai hạ của dân tộc Mường tại xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông; Lễ hội Lồng tồng của người Tày, Nùng ở huyện Cư Mgar; Lễ hội đua thuyền tại huyện Krông Ana; Lễ hội Văn hóa các dân tộc huyện Ea Kar lần thứ II, năm 2023…

Ông Y Wem H Wing, Phó chủ tịch UBND huyện Cư Mgar cho biết về lễ hội Lồng tồng của người Tày, Nùng ở địa phương: "Hàng năm sau Tết Nguyên đán, bà con dân tộc Tày Nùng tổ chức lễ hội Tồng Lồng tại thôn 3, xã Cư Mgar có ý nghĩa sâu sắc. Chính vì vậy mà UBND huyện quan tâm, hỗ trợ về kinh phí cũng như trang thiết bị để tạo điều kiện cho bà con tổ chức lễ hội cho tốt, tạo nguồn cảm hứng cho dân tộc Tày, Nùng nói riêng và cộng đồng các dân tộc huyện Cư Mgar để giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc".

Theo bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu, Phó giám đốc Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch Đắk Lắk, các hoạt động, văn hóa lễ hội năm nay diễn ra dàn trải trong suốt tháng Giêng tại nhiều huyện, thị xã trong tỉnh. Đây là những lễ hội mang đậm màu sắc của các dân tộc, nhất là các dân tộc di cư từ phía bắc như Tày, Nùng, Thái, Mường,… Các địa phương làm tốt công tác chuẩn bị điều kiện về cơ sở vật chất, an ninh, an toàn, phòng chống dịch bệnh để các lễ hội được diễn ra an toàn, lành mạnh, đem lại nhiều hứng khởi cho nhân dân và du khách, tạo đà tăng trưởng du lịch hướng tới Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột diễn ra trong tháng 3 tới.

Bà Hiếu chia sẻ: "Những hoạt động phục vụ Tết cũng là một cái khởi đầu, cùng với nhiều cái hoạt động nữa để chuẩn bị cho Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8, năm 2023 thì cũng có nhiều sự kiện về văn hóa, thể thao khởi động để thu hút du khách, rồi tập trung công tác tuyên truyền về Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8. Qua lễ hội mình sẽ thu hút được nhiều khách cũng như là có nhiều sự mới mẻ trong sản phẩm du lịch, tạo đà trong một năm với nhiều hoạt động phục vụ du khách"./.

Từ khóa: sắc màu văn hóa, lễ hội, dân tộc ở Đắk Lắk, Đắk Lắk

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập