Cựu thí sinh Olympia và 12 năm bôn ba lập nghiệp ở xứ mặt trời mọc

Cập nhật: 31/01/2022

[VOV2] - Được biết đến là cựu thí sinh Olympia, hiện Nguyễn Hải Anh Tuấn đang là CEO của một công ty truyền thông ở Nhật Bản. Anh dự định trở về nước sau 10 năm nữa khi đã đủ tiềm lực, để sự trở về và cống hiến cho đất nước không chỉ là lời nói suông.

Cách đây 16 năm, Nguyễn Hải Anh Tuấn là niềm tự hào của người dân Đắk Nông khi giành Nhất tháng tại Cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia. Trước khi đạt học bổng toàn phần sang Nhật Bản, Tuấn là sinh viên lớp kỹ sư tài năng của Trường đại học Bách Khoa TPHCM. Sau 12 năm lăn lộn ở Nhật Bản, bên cạnh làm IT, anh hiện là CEO công ty TAIHEN Network, quản lý trang mạng xã hội kết nối cộng đồng Việt - Nhật hơn 1 triệu người theo dõi.

Tự ném cho mình áp lực vì là thí sinh Olympia

Phóng viên: Khán giả trung thành của chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” cách đây 16 năm vẫn còn ấn tượng với Nguyễn Hải Anh Tuấn – một thí sinh đến từ Đắk Nông, nhất là màn tăng tốc mà nhiều người ví là “lắp mô tơ” điện ở trận thi tháng. Olympia là dấu ấn như thế nào trong anh?

Anh Tuấn: 30 năm trôi qua cuộc đời mình có rất nhiều sự kiện, có những sự kiện quan trọng và để lại dấu ấn còn lớn hơn nhưng với công chúng, Olympia là dấu ấn mà người xem nhớ đến mình. Đó là kỷ niệm đẹp, vui, nhưng cũng thoáng qua, một cuộc thi thời học sinh cấp 3 chưa có nhiều khổ đau trong cuộc đời. Dù không vào vòng cuối cùng nhưng may mắn cũng tạo ra được 1-2 khoảnh khắc lóe sáng để sau này cho bạn bè, con cháu nhắc lại. Đó là một lỷ niệm vui chứ không có quá nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại của mình.

Phóng viên: Anh nghĩ sao nếu nói Olympia là bước đệm cho con đường học tập của anh?

Anh Tuấn: Tất nhiên không chiếm nhiều phần trăm nhưng bảo không có gì thì không hẳn. Ví dụ khi mình đi xin việc, phỏng vấn học bổng, một dòng từng thi cuộc thi như vậy rõ ràng cũng tạo được điểm cộng nhất định. Mình xuất thân từ tỉnh Đắk Nông, vùng sâu vùng xa, rõ ràng không giống như các bạn thành phố có nhiều cuộc thi khác. Đắk Nông không phải hiếm muộn nhân tài nhưng dân số ít, ít cơ hội vượt qua luỹ tre làng. Từ bao nhiêu năm học cấp 2 cũng chỉ học làng, xã huyện. Lần đầu tiên trong đời ra Hà Nội, cuộc thi thắng thua không quan trọng nhưng được gặp những người tài ba, được thấy thế giới như nào. Đó là bước đầu tiên trước khi có thể ra Nhật Bản nữa để thấy ngoài thế giới nhiều người hay, người giỏi như vậy.

Phóng viên: Được dán nhãn thí sinh Olympia, bước ra từ cuộc thi này anh có bao giờ áp lực?

Anh Tuấn: Áp lực chia thành nhiều giai đoạn. Mới thi xong, áp lực theo kiểu tự tạo cho mình. Nhiều khi mình hơi tự cao nghĩ mình thi Olympia kia mà. Mình chắc phải giỏi lắm, mình tự nghĩ như thế rồi tự ném cho mình áp lực phải thế này thế kia cho phù hợp nhưng sau khoảng thời gian học tập, cọ xát, va chạm với những người chẳng thi gì cả nhưng giỏi gấp mấy lần mình thì mình thấy rằng cái danh Olympia chỉ là một may mắn chứ không hẳn cái gì to tát. Lúc đó, đôi khi phải giấu đi không muốn mọi người biết mình thi Olympia.

Bây giờ có người phát hiện ra ngày xưa thi Olympia thì mình cũng chỉ cười, đó cũng chỉ là cuộc thi thôi và trở thành câu chuyện trà nước, còn những gì mình đang làm hiện tại mới là điều đáng nói. Thành ra áp lực của ngày xưa và bây giờ đều là áp lực nhưng 2 kiểu khác nhau.

Từng quần quật lao vào kiếm tiền nơi đất khách

Phóng viên: Cơ hội du học Nhật Bản đến với anh như thế nào, vì sao lại là xứ sở hoa Anh đào?

Anh Tuấn: Hồi cấp 3 mình không có bất cứ suy nghĩ gì về du học Nhật  Bản. Xưa học Đại học Bách khoa TPHCM xu hướng đi Mỹ, Anh, Úc, hoặc Singapore. Trong lớp cũng đến phân nửa đi Singapore. Mình cũng đăng ký học bổng đi Singapre nhưng vì có cả học bổng Nhật Bản cùng lúc nên đăng ký thi thử xem sao. Thực sự lý do chọn đi học Nhật Bản là vì có tiền, đỡ đần cho bố mẹ vì học bổng Nhật Bản 100% còn đi Singapore thì chỉ có 80-70%. Kết quả thi của Nhật có trước nên chốt đi.

Phóng viên: Nhận được học bổng du học nước ngoài đó là ước mơ của nhiều người nhưng anh từng nói rằng mình hối hận với quyết định du học ở đất nước này, vì sao vậy?

Anh Tuấn: Mình bảo hối hận vì nhận học bổng đi du học thì chắc sẽ bị “ném đá” bởi điều kiện tốt như vậy tại sao còn hối hận. Hối hận cũng không hẳn vì nếu quay lại đi du học Nhật Bản thì mình vẫn đi nhưng đi theo con đường chỉn chu hơn, hoàn hảo hơn, hay nói đơn giản ngày xưa mình nên học tiếng Nhật tốt hơn.

Bây giờ tiếng Nhật của mình cũng không phải có vấn đề gì cả nhưng giá như mình học tốt hơn mình đã làm được nhiều thứ tốt hơn. Hiện tại mình cũng có bạn Nhật nhưng ít quá, mình cảm thấy thiếu. Văn hóa Nhật gần Việt Nam nhưng có sự khép kín nhất định, có sự cô độc, cô đơn. Tính mình cũng thích làm nọ kia, thích giao lưu. Cho nên, giá như mình thử một nước nào khác như Anh, Mỹ, Sing thì biết đâu khác.

Phóng viên: Thời điểm đó anh đối mặt với những điều mà anh cho là "hối hận" như thế nào?

Anh Tuấn: Thời gian đầu mới sang cô độc ai cũng có, với lại con trai không muốn chia sẻ sự khó khăn cho gia đình, sợ người thân lo lắng, mình ôm trong người. Thời điểm mới sang nỗi lo lớn nhất là việc học, chẳng hạn tiếng Nhật chưa đủ mà phải học những môn như văn hóa lịch sử Nhật Bản, phân tích chính trị Nhật, mình không thể học nổi, điểm không tốt như mình mong muốn. Trong khi đó xuất phát điểm ở Việt Nam của mình khá tốt, sang đây học không bằng một bạn trung bình ở Nhật.

Áp lực là do bản thân mình thành ra không chia sẻ được với bố mẹ, 3-4 năm ĐH thường xuyên xảy ra. Thứ 2 là vấn đề kinh tế, dù mình nhận học bổng nhưng gia đình mình cũng có những vấn đề cần hỗ trợ, mình cũng phải kiếm tiền. Bố mình lúc đó sức khỏe không tốt, phát bệnh phải vào viện, cũng phải có viện phí. Lúc này mình không thể chơi, không thể nhởn nhơ nữa mà phải lao đầu đi làm gì đấy. Vừa học vừa làm, nhiều lúc mình thấy tại sao phải sang đây quần quật như thế này.

Phóng viên: Anh nói “quần quật” là như thế nào?

Anh Tuấn: Nói quần quật cho sang thế thôi chứ ban ngày đi học, ban đêm làm ở những xưởng đồ ăn, làm xuyên đêm chẳng hạn. Cứ ngày nào cũng làm thế, ca ngày đi làm rồi ca đêm 10-11h lại vào xưởng lạnh làm đồ ăn cho các siêu thị, đứng như vậy đến 4-5h sáng về rồi ngủ một giấc rồi lại đi học, có những quãng thời gian như vậy. Về sau mình tìm được những công việc tốt hơn nhưng có những quãng thời gian làm công việc như vậy rất mệt mặc dù lương cao.

Lập trang cộng đồng  để “nhảy” vào hỗ trợ người Việt

Phóng viên: Sau hơn chục năm lăn lộn nơi xứ người, anh hiện đã là chủ của công ty TAIHEN Network, quản lý trang mạng xã hội kết nối cộng đồng Việt - Nhật. Ý tưởng thành lập trang này xuất phát từ đâu?

Anh Tuấn: Học ĐH năm 2-3 trở đi mình cũng tham gia hoạt động sinh viên, hoạt động cộng đồng bên Nhật. Đó là thời điểm Facebook bắt đầu bùng nổ. Mình tham gia sự kiện, đứng ra tổ chức sự kiện cho cộng đồng người Việt ở Nhật. Quá trình đó mình thấy thiếu những cộng đồng giao lưu, thời gian đầu không có suy nghĩ nhiều là sau này sẽ làm trang này trang kia, hay mở công ty, chỉ đơn giản là thiếu những page, group thì mình lập ra rồi tổ chức cho họ tham gia. Sau một thời gian thì bắt đầu nổi, thu hút nhiều lượng quan tâm. Mình bắt đầu suy nghĩ hướng kinh doanh, ngoài kinh doanh ra còn mở rộng những hoạt động hỗ trợ, ví dụ cổng thông tin, cổng tư vấn cho người Việt ở Nhật.

Phóng viên: Những điều anh tự hào về “đứa con tinh thần” của mình kể từ khi sinh ra?

Anh Tuấn: Trang mạng bắt đầu từ năm 2017, còn thành lập công ty từ 2019. Làm trang mạng xã hội không có gì khó, các trang mạng xã hội cũng không ít nhưng biến nó thành một công ty hoạt động chỉn chu, có những thành tích, mối quan hệ thực sự làm kinh doanh, trừ những công ty, tập đoàn lớn của Nhật còn những công ty tự làm startup chắc chỉ có mỗi công ty mình.

Từ một trang mạng mình có thể làm việc với Chính phủ Nhật, Trung tâm Y tế quốc gia Nhật Bản để thể tuyên truyền về COVID-19 cho người Việt, làm việc với cục xuất nhập cảnh của Nhật Bản để nói về những vấn đề nhập cảnh của người Việt Nam. Gần đây có những lời mời phỏng vấn từ những trang báo lớn của Nhật Bản, không phải ai người Việt khởi nghiệp ở Nhật cũng được để ý như vậy.

Ở nơi đất khách quê người, người ta có thể thừa nhận mình, đặc biệt mình không liên quan đến Chính phủ hay Ngoại giao Việt Nam nhưng cơ quan Chính phủ Nhật vẫn liên hệ, chẳng hạn như Văn phòng nội các Nhật gửi thư nói rằng “chúng tôi biết bên anh là một trong những đơn vị truyền thông lớn của người Việt tại Nhật, chúng tôi hy vọng qua anh có thể thông tin về xuất nhập cảnh và pháp luật đến người Việt tại Nhật". Những liên hệ đó không ra tiền nhưng đối với mình điều đó rất tự hào.

Phóng viên: Trong hoạt động, hỗ trợ vận hành trang mạng, có những câu chuyện nào của người Việt bên xứ người để lại cho anh nhiều trăn trở, suy nghĩ?

Anh Tuấn: Hoạt động hỗ trợ quy mô không lớn nhưng đa dạng như từ thiện, quyên góp khẩu trang phòng COVID-19, hỗ trợ mảng y tế, tổ chức những buổi chụp X - quang lao, tuyên truyền về tiêm chủng vaccine.

Bạn nào theo dõi thông tin người Việt tại Nhật thì thấy rõ người Việt tại Nhật gần đây có khá nhiều vấn đề về vi phạm pháp luật. Nói là trăn trở, suy nghĩ không hẳn nhưng nếu mình là trang cộng đồng thì đó là chỗ mình phải nhảy vào hỗ trợ người Việt. Muốn hỗ trợ người Việt thì không chỉ có trang mạng xã hội là xong mà mình phải là bên kết nối với Nhật, mình phải đứng giữa nói chuyện để 2 bên hiểu nhau.

Điều mình trăn trở suy nghĩ nhất không phải là các anh chị Việt Nam sang đây vi phạm pháp luật mà cốt lõi của vấn đề là cộng đồng người Việt ở Nhật đang bị tách rời, họ sống cô lập, co cụm lại và họ chỉ hoạt động trong đó, chỉ biết đến nhau, người ta quậy phá trong đấy và không có sự liên kết với người bản địa. Nguyên nhân thì nhiều nhưng mình hy vọng mình sẽ mở họ ra, kết nối họ với những người bên Nhật để hòa nhập với cuộc sống ở Nhật, mà họ sống thoải mái ở Nhật thì họ không vi phạm nữa, không gặp phải những vấn đề mà mình đã thấy.

Phóng viên: Khởi nghiệp ở xứ người, anh nhận thấy môi trường cũng như chính sách khuyến khích startup của họ như thế nào?

Anh Tuấn: Nhật Bản không phải là thiên đường để khởi nghiệp. Trong bản đồ khởi nghiệp của thế giới thì Mỹ, Trung Quốc có cả trăm công ty. Việt Nam ít ra cũng có 2-3 công ty khởi nghiệp lớn. Nhật chỉ có 1. Nhật là nơi dành cho các công ty, tập đoàn già cỗi, cuộc sống đã bão hòa, những ông lớn đã “ăn” hết, không còn đất cho những công ty bé, có chăng thì chỉ sống lay lắt hoặc lên một chút.

Môi trường bão hòa nên không còn đất để sống chứ không phải chính sách kém, hỗ trợ doanh nghiệp, vốn vay, thậm chí vừa rồi COVID-19 xong họ còn cho tiền nhà hàng, khách sạn cả tỷ, mấy chục tỷ làm ăn. Tuy nhiên môi trường quốc gia đã phát triển rồi nên thiếu cơ hội để làm ăn cho các startup.

Phóng viên: Anh nói mình là người đi từ con số 0. Khởi nghiệp ở xứ người, lại là một đất nước đã phát triển. Để có được những thành tựu ngày hôm nay chắc chắn đã có sự đánh đổi không hề nhỏ?

Anh Tuấn: Thực ra khởi nghiệp mình phải đánh đổi nhưng nhiều khi chỉ thu được bài học. Nói cho vui là thu được bài học nhưng nói thẳng là mất trắng. Vừa mất tiền, vừa mất thời gian. Quãng thời gian làm cho đến giờ trải qua 4-5 năm. Trước khi làm trang này mình cũng làm những cái khác, mình đã thất bại, mất thời gian, mất mối quan hệ, mỗi khi thất bại một cái gì đó, phải “chia tay” người nọ người kia, từ bỏ một cái gì đó, rồi mất cả tuổi trẻ. Nói trắng ra thay vì dành thời gian đi du lịch, đi chơi, thậm chí hiện tại mình cũng chưa có gia đình, đó là những đánh đổi.

Nói chuyện với bố mẹ, bố mẹ cứ hỏi khi nào con dự định có gia đình, lúc nào câu trả lời cũng là sự nghiệp của con chưa ổn định lắm, cũng đang tìm rồi, cũng đang có nhưng chắc cũng phải muộn muộn một chút. Hàng xóm láng giềng cứ nói “tại sao cậu này không chịu lấy vợ sống ổn định, có vợ có con thế là xong, cần gì lao đầu vào sự nghiệp trông có vẻ không rõ ràng?”. Nhưng đây là sự lựa chọn của bản thân thì phải theo thôi.

Trở về giúp đất nước không chỉ là lời nói suông

Phóng viên: Thời gian ở Nhật Bản anh có từng nhận được lời đề nghị về nước làm việc hay có suy nghĩ mình sẽ trở về Việt Nam?

Anh Tuấn: Nhiều lắm. Có những lời mời từ những công ty khác mời về làm giám đốc chi nhánh hoặc thời gian vừa rồi có góp vốn vào công ty Việt Nam. Cũng có khi nghĩ đến việc tự điều chỉnh, hay nên về Việt Nam phụ trách văn phòng ở Hà Nội, công ty IT trước của mình ở Hà Nội.

Với những lời đề nghị mình cũng suy nghĩ nhiều. Không phải không về là sai hay ở lại là sai, đó cũng chỉ là sự lựa chọn và đã lựa chọn đều đúng hết. Sau quá trình suy nghĩ có thể thời điểm chưa đúng.

12 năm ở Nhật, mình đã xây dựng được mối quan hệ, quen cuộc sống ở Nhật rồi, nếu về Việt Nam chỉ có chính mình, không có mối quan hệ nào cả. Mà thực sự làm việc ở Việt Nam cũng cần có những mối quan hệ được xây dựng từ nhiều năm, còn nếu chỉ đem mỗi thân xác về thì mình có tài ba đến đâu cũng khó. Thực ra đâu cũng vậy chứ không riêng gì Việt Nam. Sau thời gian suy nghĩ thì mình nghĩ lại phải cố gắng ở Nhật, làm được ½ rồi thì cố gắng làm cho đến nơi đến chốn.   

Phóng viên: Có điều gì khiến anh đắn đo khi trở về? Môi trường làm việc, đãi ngộ, cách sử dụng nhân tài hay chỉ đơn giản là mình đã có nền tảng ở Nhật Bản?

Anh Tuấn: Ngày xưa mình nghĩ thế, khi mới sang Nhật thấy bên này cái gì cũng tuyệt vời, cái gì cũng đỉnh nhưng sống 12 năm ở nước ngoài, làm ăn kinh doanh với người Nhật quay lại thấy Việt Nam không vấn đề gì, thực ra có những điểm còn chưa tốt thôi, Nhật cũng không hề tuyệt vời, kể cả với nhân tài, đó không phải rào cản.

Vấn đề chỉ ở bản thân mình, mình cảm thấy mình chưa đủ năng lực, tài nguyên làm những thứ lớn lao. Nếu về thì cảm thấy chới với chứ không phải đất nước mình không chú trọng nhân tài. Còn hỗ trợ đầu tư về nước mở công ty IT thì Việt Nam hỗ trợ nhiều, thậm chí lãi suất còn hỗ trợ tuyệt vời hơn Nhật nhiều.

Phóng viên: Lâu nay, người ta vẫn dùng cụm từ “chảy máu chất xám” để nói về việc tài năng không trở về? Quan điểm của anh về điều này ra sao?

Anh Tuấn: Nếu nói chảy máu chất xám không thì là có, nếu về nhìn về con số những người tài giỏi sang các nước. Mình không phủ định nhưng theo hướng hoàn toàn tiêu cực thì không phải. Bởi vì trong 100 người đi thì có 20 người ở lại cống hiến cho nước khác nhưng đến 80 người sẽ quay lại Việt Nam bằng một cách nào đấy giống mình. Trừ khi sinh ra ở nước ngoài còn sinh ra ở Việt Nam, nói tiếng Việt, bố mẹ ở Việt Nam thì 10 người thì đến 9 người luôn luôn nghĩ về Việt Nam, không ai dứt hẳn khỏi tổ quốc được. Mình hiện tại có làm gì đi nữa đều có chữ “Việt” trong đấy, lúc nào cũng suy nghĩ mở công ty ở Việt Nam, làm thế nào để anh em người Việt có cuộc sống tốt hơn, thu nhập tốt hơn...

Câu hỏi đặt ra là tại sao không về Việt Nam làm việc luôn mà cứ phải ở Nhật? Mình còn chưa học đủ. Nếu ở Nhật mình còn học được thêm nữa, vì học đại học trong trường, biết Nhật Bản cũng chỉ là kiến thức trong sách vở, phải ra chinh chiến thì những cái đó mới ứng dụng được vào Việt Nam.

Đấy là lý do mình chia sẻ có thể 10 năm nữa quay lại, lúc đủ tiềm lực. Đó là kiến thức, kinh nghiệm, tiền... Đó là từ Nhật chứ ở đâu. Những cái đó đem về xây dựng đất nước mới quý và hiệu quả, không chỉ nói suông là tôi sẽ về Việt Nam tôi giúp, nhưng cuối cùng anh giúp cái gì, anh có cái gì để giúp? Nhưng khi anh có những thứ kia về giúp thì sẽ hiệu quả rõ rệt cho đất nước hơn.

Sau 12 năm được ăn Tết ở nhà và lời hứa “mang vợ về cho mẹ”

Phóng viên: 12 năm ở Nhật thì có bao nhiêu lần anh về đón Tết ở Việt Nam?

Anh Tuấn: 12 năm chưa lần nào. Lý do là ở Nhật không có Tết âm, không có ngày nghỉ. Lịch học ở Nhật tháng 4 vào chứ không phải tháng 9 như mình. Thành ra  tháng 2 thường là giai đoạn thi cuối kỳ nên hầu như các bạn học ĐH ở Nhật nhiều khi ngày mùng 1 Tết là ngày thi. Đến khi đi làm thì không có công ty nào được nghỉ Tết âm trừ khi làm công ty Việt Nam ở Nhật hoặc để dành tiết kiệm ngày nghỉ.

2-3 năm gần đây mình có thể điều chỉnh việc kinh doanh, có thể tự do đi lại để có thể về Tết lại dính COVID-19. Nhưng năm nay mình đã đặt vé để về.

Phóng viên: 12 năm không đón Tết ở nhà, cảm giác đó là thế nào?

Anh Tuấn: Không bằng 1 góc ở nhà. Một buổi Tết âm nơi xứ người chỉ đơn giản gọi bạn bè tới nhà, làm bữa ăn nho nhỏ là hết Tết, hết mùng 1 là hết Tết. Có những năm cộng đồng người Việt tổ chức ăn Tết cùng nhau, cũng là đồng hương sống cùng khu tới giao lưu vài tiếng rồi ai về nhà nấy.

Kỷ niệm Tết âm ở Nhật hơi buồn, chỉ có những câu chuyện qua video call, chúc mừng gia đình Tết, bố mẹ hỏi bên này có vui không con, thì cũng trả lời cũng vui ạ, nhưng thực sự không như vậy, không khí hoàn toàn khác nhau. Ở nhà đang còn ấm áp, ti vi, nhạc nhẽo, xuân đến còn bên này hoàn toàn lạnh lẽo.

Năm đầu tiên sang Nhật bị sốc, giờ bắt đầu quen, mới sang xa gia đình đón một cái Tết sốc sao nó trôi quá nhanh, Tết gì đâu mà buồn như vậy?

Phóng viên: Vậy, trở về năm nay anh có dự định “mang vợ về cho mẹ”?

Anh Tuấn: Năm nay mình về 1 mình nhưng có dự định giới thiệu qua video thôi (cười).

Cảm ơn anh, chúc anh sức khỏe, bình an và có một cái Tết đầm ấm bên gia đình./.

Từ khóa: cựu thí sinh Olympia, Đường lên đỉnh Olympia, Nguyễn Hải Anh Tuấn, TAIHEN Network, về nước, khởi nghiệp, VOV2

Thể loại: Giáo dục

Tác giả:

Nguồn tin: VOV2

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập