Cựu chiến binh Điện Biên Phủ kể chuyện kéo pháo nghi binh
Cập nhật: 05/05/2024
VOV.VN - Những người lính từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ quê ở tỉnh Quảng Bình đã ở tuổi xưa nay hiếm. Dù tuổi cao, sức yếu nhưng kỷ niệm về “56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non” chưa bao giờ phai mờ trong ký ức của các cựu chiến binh Điện Biên.
Đầu tháng 5, nắng nóng như đổ lửa. Ông Đặng Văn Duy, 94 tuổi, ở thôn Trung Quán, xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh ngồi bên hiên nhà hóng những cơn gió từ ngoài sông thổi vào. Ngày này 70 năm về trước, ông Duy là một trong những chiến sĩ Điện Biên "vượt nắng thắng mưa", gùi pháo trèo đèo, leo dốc đưa pháo vào mặt trận Điện Biên Phủ. Năm đó ông Duy mới 24 tuổi, là Khẩu đội trưởng thuộc Đại đội pháo 75 ly, Tiểu đoàn 888, Đại đoàn 304 tham gia mặt trận Điện Biên Phủ. Người lính trẻ Đặng Văn Duy năm ấy vào mặt trận, cảm nhận được sức nóng của lòng chảo Điện Biên Phủ những ngày tháng 5 ác liệt.
Ông Duy kể rằng, đơn vị ông được lệnh gùi các bộ phận pháo, hành quân vào chiếm lĩnh trận địa, pháo sau khi được gùi vào sẽ được bộ đội lắp ráp. Việc vận chuyển pháo hoàn toàn bằng sức người, khẩu pháo được tháo ra từng bộ phận, đặt lên vai từng người lính gùi, vác trèo đèo, băng rừng lội suối. Pháo vừa lắp xong, toàn bộ được ngụy trang cẩn thận thì đơn vị ông lại nhận được lệnh rút quân ra. Thế là những người lính nhanh chóng chấp hành, tháo toàn bộ rồi lại gùi cõng đi bộ trở ra. Đơn vị vừa hành quân ra địa điểm tập kết, nắm cơm trong ba lô còn chưa kịp ăn thì lại có lệnh điều động đưa pháo vào trận địa.
Khi đi hành quân, Trung đội của ông có 30 người thì 15 người khiêng pháo, 15 người vác đạn. Trong gian khó, bộ đội ta đã sáng tạo sử dụng ống tre lồ ô chẻ 4 ra rồi đút đạn vào trong, như vậy một người lính có thể vác được 3 quả đạn pháo. Ngày khiêng pháo vào, đêm vác pháo ra liên tục như vậy hơn nửa tháng, đây là kế nghi binh để giặc nghĩ rằng pháo binh đã rút đi rồi, tạo được tính bất ngờ của trận chiến.
Ông Duy kể: “Khi đưa pháo vào thì rất vất vả vì hầm pháo đó, trận địa pháo đó mình phải chuyển đi chỗ khác rồi, phải làm lại toàn bộ. Khi chiếm lĩnh lần thứ 2 thì chúng tôi là đơn vị pháo được tham gia bắn 1 loạt đầu tiên, bắn xong 1 loạt thì đơn vị tôi được lệnh dừng lại và để cho pháo 105 mm. Bộ Chỉ huy Quân sự cho làm công tác gọi là nghi binh, cứ ngày thì khiêng pháo đi vào, đêm thì khiêng pháo ra”.
Cựu chiến binh Đỗ Xuân Tịch, 95 tuổi, ở tổ dân phố Hữu Nghị, thị trấn Nông Trường Việt Trung, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình cũng là một trong những chiến sĩ tham gia từ những ngày đầu của chiến dịch. Năm 1954, ông Tịch 25 tuổi, là chiến sĩ của Đại đội 834, Tiểu đoàn pháo cao xạ 396, Trung đoàn pháo cao xạ 367. Ông Đỗ Xuân Tịch rất vinh dự khi được tham gia vào Trung đoàn Pháo cao xạ đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ông có nhiệm vụ làm “anh nuôi”, ngày tiếp tế cơm, đêm tiếp tế nước vào trận địa pháo. Ông dũng cảm mưu trí, đi giữa mưa bom bão đạn, vượt qua từng trận địa pháo tiếp sức cho đồng đội. Ông Tịch rưng rưng kể lại, điều lo sợ nhất là mang đủ phần cơm nước vào trận địa nhưng đến nơi lại thiếu vắng đồng đội trở về ăn cơm sau những loạt mưa bom bão đạn của quân thù.
Ông Đỗ Xuân Tịch kể: “Vừa đem cơm vào thì chứng kiến thấy tận mắt nhìn xuống cách đồng thì xe tăng đi trước, còn bộ binh hắn đội mũ sắt và bồng súng cứ đi lom khom. Nhìn đen cả cánh đồng, đơn vị chúng tôi định đặt súng bắn ngang nhưng mà lệnh trên không cho nhiệm vụ là bắn máy bay, còn đánh đó là bộ binh và pháo binh thì giữa lúc đó Trung đoàn vội vì cho pháo binh. Cách liên lạc bí mật với mật mã là “ông chủ ở đâu, bò ra ăn lúa”, chỉ mấy phút sau, pháo ta bắn vào, trúng xe tăng, địch rút lui.
Với người lính Điện Biên, những nắm cơm muối, điếu thuốc chia nhau, hay bát canh rau rừng trong ngày nắng như thiêu như đốt đã trở thành kỷ niệm khó quên. Vượt qua tất cả, bằng sự lãnh đạo tài tình của người Tổng chỉ huy - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, những người lính Cụ Hồ năm ấy kiên cường, bất khuất đã làm nên lịch sử.
Đại tá Trần Ngọc Sâm, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Quảng Bình cho biết, những ngày tháng 5 lịch sử này, cán bộ, nhân dân, các đoàn thể tại tỉnh Quảng Bình đến thăm, tặng quà bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những cống hiến, hy sinh to lớn của các liệt sĩ, chiến sĩ Điện Biên trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Đại tá Trần Ngọc Sâm mong muốn, thân nhân các gia đình liệt sĩ, chiến sĩ Điện Biên tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, giáo dục con cháu noi gương lao động, học tập tốt, góp phần vào sự nghiệp xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
“Phát huy tinh thần của chiến thắng Điện Biên Phủ, các thế hệ cựu chiến binh trong tỉnh tiếp tục giữ vững và phát huy bản chất truyền thống Bộ đội Cụ Hồ. Nêu cao ý chí, quyết tâm của Điện Biên năm xưa, nỗ lực cố gắng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đoàn kết, đóng góp tích cực vào thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng mà chúng ta đã hy sinh biết bao xương máu mới giành lại được, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh”- Đại tá Sâm cho hay.
70 năm trôi qua, những ký ức về “56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non” làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ vang vọng chưa bao giờ phai mờ với những người lính ngày ấy- bây giờ. Những người lính bình dị mà anh dũng đã làm nên những trang sử chói lòa, để thế hệ trẻ mãi mãi khắc ghi và tự hào, càng thấy quý giá hơn những giá trị mà thế hệ cha ông gây dựng.
Từ khóa: Điện Biên, chiến thắng Điện Biên Phủ, pháo binh, kỷ niệm, Điện Biên Phủ, cựu chiến binh
Thể loại: Nội chính
Tác giả: thanh hiếu/vov-miền trung
Nguồn tin: VOVVN