Cuôr Đăng - Gìn giữ nét đẹp văn hóa – nâng cao đời sống tinh thần

Cập nhật: 23/10/2019

VOV.VN -Cuôr Đăng luôn xác định, vấn đề căn cốt của nông thôn mới là phải bảo tồn, gìn giữ, phát huy được nền tảng văn hóa truyền thống.

Sau hai năm về đích xây dựng nông thôn mới, diện mạo của xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk đã có những đổi thay vượt bậc. Cùng với việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chuyển đổi cơ cấu phát triển kinh tế, Cuôr Đăng luôn xác định, vấn đề căn cốt của nông thôn mới là phải bảo tồn, gìn giữ, phát huy được nền tảng văn hóa truyền thống và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân và trong thực tế, xã đã cơ bản đạt được mục tiêu này.

cuor dang - gin giu net dep van hoa – nang cao doi song tinh than hinh 1
Cán bộ, công chức mặc trang phục truyền thống đi làm vào thứ hai hàng tuần.

Đã thành nếp, thứ 2 hàng tuần, những nữ công chức, viên chức tại xã Cuôr Đăng lại khoác lên mình những bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Việc làm này đã duy trì được 5 năm nay.

Chị H’Rôya Kbuôr, người Ê đê, là cán bộ tư pháp, hộ tịch ở xã cho biết, việc sáng thứ hai hàng tuần mặc trang phục truyền thống để đi làm đã mang đến không khí làm việc thêm tươi mới, giúp cho tinh thần của chị em trong cơ quan thêm phấn chấn. Đồng thời, hình ảnh của người cán bộ xã cũng trở nên đẹp đẽ, gần gũi hơn với nhân dân.

cuor dang - gin giu net dep van hoa – nang cao doi song tinh than hinh 2
Những người phụ nữ Cuôr Đăng bên khung dệt thổ cẩm.
cuor dang - gin giu net dep van hoa – nang cao doi song tinh than hinh 3
Các nghệ nhân đang truyền dạy chiêng cho thế hệ trẻ.

“Tôi rất tự hào khi mặc bộ đồ truyền thống, đây cũng là cách tuyên truyền vì mình là người đồng bào của địa phương. Mặc khi đi làm rất thoải mái, toát lên vẻ đẹp của phụ nữ dân tộc Ê Đê. Khi người dân đến giao dịch nhìn thấy mình mặc sẽ thấy gần gũi với người đồng bào tại địa phương hơn, tạo cho bộ mặt của cơ quan tăng thêm sự phong phú, nét đẹp” - Chị H’Rôya Kbuôr cho biết.

Cùng với thay đổi bộ mặt nơi công sở, trong những năm gần đây, xã Cuôr Đăng thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân trong buôn từ bỏ những hủ tục cũ, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh như làm sạch vệ sinh môi trường, trồng những “đoạn đường hoa”; tham gia các hoạt động thể dục thể thao; các mô hình sản xuất trồng trọt, chăn nuôi tập trung theo hướng trang trại, gia trại. Không còn cảnh thách cưới hay trong đám tang không còn cảnh cỗ bàn linh đình, hủ tục nhiêu khê…

Chị H’Liễu Niê, buôn Cuôr Đăng A cho biết: “Ủy ban nhân xã có phát động phong trào đưa cán bộ công chức của ủy ban xã đi dọn dẹp cùng với dân 1 tháng hai lần. Phát động phong trào trồng hoa hai bên đường, rác thải thì phân loại, ngoài ra điện đường thắp sáng thì buôn vận động bà con nhân dân đóng tiền để có điện đường thắp sáng. Đời sống văn hóa của buôn thay đổi rất nhiều, trước đây vẫn còn thả rông heo, bò, bây giờ không có chuyện thả rông nữa. Chăn nuôi gia súc gia cầm xa nhà, không gần nhà nữa, vệ sinh môi trường sạch sẽ hơn. Phong tục tập quán như cưới xin hồi trước rườm rà đã bỏ dần dần, ma chay cũng vậy. Từ phong trào xây dựng nông thôn mới, buôn đã thay đổi hẳn so với trước đây”.

cuor dang - gin giu net dep van hoa – nang cao doi song tinh than hinh 4
Việc dọn dẹp vệ sinh luôn được chính quyền địa phương và người dân thực hiện.

Không chỉ nâng cao đời sống tinh thần, việc gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống tại địa phương cũng được chính quyền xã Cuôr Đăng chú trọng. Những lớp học truyền dạy đánh cồng chiêng, thổi ding năm, ding buốt, các buổi hướng dẫn trò chơi dân gian và hoạt động dệt thổ cẩm được xã duy trì đều đặn. Hiện toàn xã có 3 đội chiêng nghệ nhân và 2 đội chiêng trẻ. Mỗi khi có ngày lễ lớn, hoặc trong buôn có chuyện vui, chuyện buồn thì các đội chiêng lại cùng nhau tấu lên những bài chiêng quen thuộc. Đội chiêng của xã cũng thường xuyên được chọn đi tham gia biểu diễn ở huyện, ở tỉnh và còn đại diện cho toàn tỉnh tham gia diễn tấu cồng chiêng tại Hà Nội.

Nghệ nhân Y Tum Ayun, tên thường gọi là Ea Khendy, buôn Cuôr Đăng B là người đánh chiêng giỏi nhất xã cho biết, dù cuộc sống của người dân có phát triển đến đâu, nhưng nếu trong buôn không còn tiếng chiêng, không còn những khung dệt thổ cẩm thì cũng không còn nét văn hóa đặc sắc của người Ê Đê. Để giữ gìn nét đẹp này, ngoài việc đánh chiêng thật hay, thì truyền dạy cho thế hệ trẻ là điều cần kíp.

“5 năm, 10 năm nữa nếu không có tiếng chiêng ở trong buôn thì rất buồn. Mình muốn gìn giữ văn hóa bản sắc dân tộc ở trong buôn này để sau này phát triển thêm. Mình phải động viên tinh thần của tuổi trẻ, sẽ truyền dạy cho mấy đứa nhỏ, rồi mình sẽ đi biểu diễn để tiếng chiêng của buôn mình nổi bật lên, để nhiều nơi biết đến tiếng chiêng của xã nhà mình”.

Xã Cuôr Đăng hiện có hơn 2.500 hộ, hơn 11.000 nhân khẩu, trong đó dân tộc Ê Đê chiếm khoảng 83 %. Để thực hiện tốt phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới – đô thị văn minh, xã Cuôr Đăng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân nắm vững những chủ trương chính sách của Đảng, nhà nước về xây dựng nông thôn mới. Nhờ vậy mà diện mạo của Cuôr Đăng đã thay đổi rõ rệt. Những con đường bê tông trải dài từ buôn đến xã đã được tô điểm thêm nhiều sắc hoa ở hai bên đường.

Đáng chú ý, trong hai năm qua, người dân trong xã đã đóng góp làm được 13km đường điện trong buôn. Sân thể thao trung tâm xã, hội trường đa năng cũng được đầu tư xây dựng phục vụ các hoạt động chung của xã, hệ thống cơ sở vật chất trường học, y tế được nâng cấp góp phần nâng cao chất lượng giáo dục văn hóa, thể chất cho học sinh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển đổi tích cực, cuối năm 2018 thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 32 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn còn 3,8%.

Bà H’Nuer Niê, Bí thư Đảng ủy xã Cuôr Đăng cho biết: “Chúng tôi đã có Nghị quyết cụ thể để triển khai thực hiện về xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, đặc biệt là nâng cao thẩm mĩ ở tất cả các buôn trên địa bàn. Đầu tiên là cán bộ, công chức là người đi đầu gương mẫu để làm gương cho người dân noi theo. Đến thời điểm này chúng tôi rất vui mừng nhận thức của bà con đã lưu giữ được, các ngày lễ, ngày hội bà con đều mặc đồ dân tộc truyền thống của mình.

Các hoạt động khác cũng vậy, chúng tôi đã ra Nghị quyết xây dựng nông thôn mới nâng cao đó là các buôn trồng cây xanh để tạo cảnh quan môi trường và hai bên đường chúng tôi cũng trồng hoa, ngoài ra chúng tôi cũng tiếp tục duy trì các thiết chế văn hóa truyền thống của người đồng bào Ê Đê”.

Xây dựng nông thôn mới không chỉ dừng ở thu nhập tăng, ở hạ tầng khang trang mà phải giữ được cốt cách văn hóa nông thôn. Mỗi địa phương đều có phong tục, tập quán, nét đẹp văn hóa riêng. Vì vậy, việc bảo tồn các giá trị di sản để bản sắc văn hóa dân tộc, nét văn hóa truyền thống đặc trưng từng vùng trở thành nguồn lực phát triển có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Đến xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’Gar, tỉnh Đăk Lăk, sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, văn hóa truyền thống của các dân tộc địa phương đã có được sự hòa quện đáng mừng, cùng với sự phát triển rõ rệt về kinh tế, tạo nên chiều sâu bền vững./.

Từ khóa: Cuôr Đăng, xã Cuôr Đăng, văn hóa Cuôr Đăng, đời sống tinh thần Cuôr Đăng

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập