Cưỡng chế đất tại thị trấn Sông Đốc: Cần một chủ trương “thấu tình đạt lý“
Cập nhật: 25/09/2019
VOV.VN - UBND huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau đã thông báo cưỡng chế đất và yêu cầu 35 hộ dân thuộc khóm 7, thị trấn Sông Đốc di dời nhà.
Thông tin nói trên khiến bà con nơi đây đứng ngồi không yên. Những phần đất họ thuê, sang nhượng lại và đã xây nhà cửa kiên cố trị giá hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng có nguy cơ trở thành đống gạch nát.
Khi người dân “học” cán bộ để sai
Vào năm 2012, UBND huyện Trần Văn Thời có quyết định về việc cho ông Lê Thanh Tiền (khóm 7, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời) thuê hơn 7.500 m2 tại khóm 7, thị trấn Sông Đốc để sản xuất, kinh doanh trại tôm giống có thời hạn đến năm 2016. Tuy nhiên, ông Tiền sử dụng đất không đúng mục đích, phân lô khu đất này cho thuê và sang nhượng qua nhiều người.
Theo kết luận Thanh tracủa UBND huyện Trần Văn Thờicó liên quan đếnvụ việc này, từ năm 2012 ông Tiền đã cho 12 người thuê trái phép. Trong đó, nhiều cán bộ, người thân cán bộ đi đầu trong việc thuê đất rồi sang nhượng hoặc cất nhà trên phần đất này. Trong đó, ông Lê Hiếu, cán bộ địa chính – xây dựng thị trấn Sông Đốc được cho thuê tới 900 m2. Sau đó, ông chuyển nhượng lại cho nhiều người để xây dựng nhà ở trái phép. Ông Trần Quốc Văn (Bí thư đảng ủy thị Trấn Sông Đốc thời điểm đó) thuê của ông Tiền 180 m2, với số tiền 25 triệu đồng, rồi cất nhà cho thuê lại và... còn nhiều cán bộ khác cũng có phần.
Phần đất ông Lê Thanh Tiền được thuê nằm ngay cửa ngõ của tuyến đường từ trung tâm huyện Trần Văn Thời về thị trấn lớn nhất vùng ĐBSCL – Sông Đốc. Thấy nhiều cán bộ có “đất vàng”, người dân cũng chạy vạy tiền bạc để kịp có phần.
Anh Võ Minh Nhật, đại diện nhiều hộ dân trong diện bị cưỡng chế trình bày: năm 2013, mẹ anh là bà Lương Thị Phấn và nhiều người dân địa phương đã thực hiện thuê đất của ông Lê Thanh Tiền. Họ biết hợp đồng đất hết hạn vào năm 2016 nhưng vì thấy nhiều cán bộ có đất, có nhà ở đây nên vẫn bỏ tiền thuê. Gia đình anh thuê với diện tích 180 m2, giá 320 triệu đồng. Trong “Hợp đồng – Sang nhượng” không thể hiện sẽ được tiếp tục thuê lại nhưng mọi người đều “ngầm hiểu với nhau” rằng, sau khi hết hạn hợp đồng, diện tích đất đó vẫn do họ quản lý, sử dụng tiếp. Chính vì vậy, gia đình anh Nhật đã xây nhà kiên cố để ở và kinh doanh, buôn bán.
Anh Võ Minh Nhật chia sẻ: "Hợp đồng thuê thì mình toàn quyền sử dụng. Khi hết hạn thì mình xin gia hạn tiếp hoặc giao đất có thu tiền. Chúng tôi không hiểu biết nhiều về pháp luật, thấy quanh đây lấy cán bộ chính quyền cũng ở, cũng xây nhà. Cứ nghĩ là người ta ở được, mình cũng ở được".
Xác nhận “sang nhượng” và... “có nhà”
Thêm một căn cứ “pháp lý” để người dân vững lòng tin là các hợp đồng cho thuê, hợp đồng sang nhượng được chính quyền địa phương xác nhận. Như “Hợp đồng – Sang nhượng” của mẹ anh Nhật hay hợp đồng của bà Lương Thị Be với ông Tiền được chính ông Nguyễn Phương Đông, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc ký xác nhận.
Trong khi bà Nguyễn Thị Tuyết, chị ông Nguyễn Phương Đông có thuê của ông Tiền 400 m2 đất tại khu vực này. Hiện bà Tuyết cũng còn một căn nhà cấp 4 ở đây. Thời gian qua, gia đình ông Đông sống tại chính căn nhà này. Sau khi có quyết định cưỡng chế, gia đình ông Đông đã dọn đi nơi khác và căn nhà thường xuyên đóng cửa.
Trường hợp của ông Lê Trung Nông còn đặc biệt hơn. Sau khi thuê đất và xây nhà cấp 4 trị giá hàng trăm triệu đồng vào năm 2013, ông còn được Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc xác nhận, có nhà và đất ở ổn định. Nội dung “Đơn xin xác nhận có nhà ở, đất ở ổn định” thể hiện: “ông Lê Trung Nông có một căn nhà cấp 4, nguồn gốc đất thuê lại phần đất đã thuê của UBND huyện Trần Văn Thời. Hiện đất không có tranh chấp, không nằm trong khu vực giải tỏa của Nhà nước.”.
Chờ ý kiến của tỉnh
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Phong, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời cho biết, trước khi có Quyết định cưỡng chế, địa phương đã xin ý kiến các ban ngành liên quan. Vào tháng 9/2018, Ban Nội chính Tỉnh ủy Cà Mau đã có thông báo, thống nhất trong việc buộc ông Lê Thanh Tiền phải trả lại toàn bộ diện tích đất đã thuê. Sau đó, Sở Tài nguyên - Môi trường cũng đã thống nhất việc cưỡng chế nên huyện thực hiện.
Thời gian thực hiện cưỡng chế khu đất của ông Tiền bắt đầu từ ngày 22/7 – 20/9. Sau khi thực hiện cưỡng chế, phần đất này sẽ được cho đấu giá để sử dụng vào mục đích thương mại. Tuy nhiên, do liên quan đến 35 hộ dân nên UBND huyện đang xin ý kiến của UBND tỉnh để thực hiện cho phù hợp.
Ông Lê Phong, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời nêu rõ: "Đất mà ông Tiền chưa cho thuê thì đã cưỡng chế. Phần đất còn lại liên quan đến nhiều hộ dân, bà con cũng đã cất nhà ổn định nên chúng tôi đang xin ý kiến UBND tỉnh. UBND huyện bảo lưu việc sẽ cưỡng chế đất của những hộ này nhưng đang chờ ý kiến của UBND tỉnh để có hướng xử lý phù hợp".
Theo UBND huyện Trần Văn Thời, khi thực hiện cưỡng chế, những hộ dân nơi đây không được hỗ trợ bất kỳ chính sách nào. Nguyên nhân là do ông Tiền và người dân tự ý thỏa thuận cho thuê đất sai quy định.
Tại sao người dân sai, để dẫn đến tài sản cả đời dành dụm đứng trước nguy cơ mất hết? Những hộ dân này cũng thừa nhận, xây dựng kiên cố trên đất thuê, sang nhượng lại là sai và chỉ mong được xem xét để đảm bảo quyền lợi, còn nghĩa vụ họ chấp nhận làm theo sự hướng dẫn của ngành chức năng.
Nghẹn ngào trong nước mắt, bà Huỳnh Ngọc Điệp, một trong những hộ dân chót mua đất lầm nơi đây nói lên mong muốn: "Tôi gần 50 tuổi rồi, dành dụm cả đời mới mua được mảnh đất đó và tài sản cũng chỉ có bấy nhiêu. Khi nghe tin là suy sụp. Bây giờ chỉ mong các cấp chính quyền có thể giải quyết mấy chục hộ dân, trong đó có tôi có thể thuê lại hay cách nào đó, bảo vệ được tài sản của mình".
Hiện UBND huyện Trần Văn Thời đang chờ ý kiến từ UBND tỉnh Cà Mau và người dân đang rất mong có một chủ trương “thấu tình, đạt lý”./.
Nhiều cán bộ ở Cà Mau bị bỏng xăng khi cưỡng chế đất: Tạm giữ 3 người
Từ khóa: cưỡng chế đất, tỉnh Cà Mau, chủ trương, hợp đồng thuê nhà
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN