Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh có lợi cho ai?
Cập nhật: 13/04/2022
Đến năm 2030, giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á
Triệu tập 3 người đàn ông hành hung người khác giữa đường tại TP.HCM
[VOV2] - Nếu thí sinh đạt giải cao tại cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia mà không có cơ hội được tuyển thẳng đại học, không làm “đẹp” hồ sơ du học thì liệu còn thu hút được bao nhiêu học sinh tham gia?
Nếu không xét tuyển thẳng đại học, cuộc thi KHKT dành cho học sinh phổ thông liệu còn hấp dẫn?
Đánh giá kết quả cuộc thi Khoa học kỹ thuật (KHKT) cấp quốc gia dành cho học sinh phổ thông năm học 2021-2022, TS Nguyễn Văn Khải tiếp tục đặt câu hỏi hoài nghi khi nhiều đề tài đạt giải cao vượt tầm trình độ học sinh phổ thông.
Trong đó, đáng chú ý nhất là dự án đạt giải nhất: “Phân lập, đánh giá khả năng nhắm đích tế bào gốc ung thư dạ dày của phân đoạn chứa hợp chất saponin và bào chế sản phẩm từ cây lá khôi” (Nhóm học sinh trường THPT Chuyên Thái Nguyên) theo ông Khải ngay cả việc nghĩ ra tên đề tài thôi học sinh phổ thông cũng khó có thể nghĩ ra.
“Tôi nhớ cuộc thi năm 2012, dự án Hệ thống xử lý nước mặn thành nước ngọt đạt giải nhất. Nhưng tôi có đề nghị các em vẽ lại nguyên lý hoạt động của máy thì các em không vẽ nổi”, TS. Nguyễn Văn Khải nói.
Là một nhà khoa học với mệnh danh là "ông già ozone", TS Nguyễn Văn Khải cho rằng, nhiều dự án KHKT tham dự cuộc thi và đạt giải cao đòi hỏi một trình độ nghiên cứu, hiểu biết rất cao. Trong khi đó, học sinh chưa học hết chương trình phổ thông, chưa có kinh nghiệm thực tiễn khó lòng nghĩ ra những giải pháp, thiết kế, sáng kiến đòi hỏi trình độ cao như vậy được.
“Vậy vì sao người nông dân dù trình độ hạn chế nhưng có thể nghĩ ra những sáng chế hữu ích vì họ có thực tế, có kinh nghiệm cuộc sống, có công cụ để cải tiến những phương tiện sản xuất. Trong khi đó, kiến thức THPT rất mỏng, học sinh thậm chí cầm chiếc kìm, chiếc búa như thế nào cho đúng còn khó thì liệu có nghĩ ra những dự án lớn lao đó hay không? Cuộc thi KHKT chỉ làm lợi cho những người thầy hướng dẫn mà thôi”, TS. Nguyễn Văn Khải nêu quan điểm.
Nhìn lại kết quả các cuộc thi KHKT cấp quốc gia dành cho học sinh phổ thông, ông Khải cũng đặt câu hỏi đã có bao nhiều đề tài, dự án KHKT của học sinh được ứng dụng vào trong thực tiễn?
Theo dõi kết quả cuộc thi KHKT dành cho học sinh phổ thông, thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên hệ thống giáo dục Học Mãi cho rằng, một số đề tài đạt giải cao khá phù hợp với trình độ của học sinh phổ thông, ví dụ như dự án "Tháp cho cá ăn tự động” hay "Hệ thống giám sát các bệnh nhân tại nhà"...
“Tuy nhiên, tôi thấy một số dự án có hàm lượng kiến thức rất chuyên sâu. Để có kết quả phải trải qua quá trình nghiên cứu nhiều năm, có sự tham gia của các chuyên gia thạc sĩ, tiến sĩ. Thậm chí nếu nhìn vào tên của một số đề tài đạt giải cao thì nó ngang ngửa với các đề tài nghiên cứu cấp Bộ, thạc sĩ, tiến sĩ…”, thầy Đinh Đức Hiền nhận định.
Theo phản ánh của dư luận, tên một số đề tài đạt giải cao cuộc thi KHKT cấp quốc gia dành cho học sinh phổ thông năm học 2021-2022 giống với các luận văn thạc sĩ đã được bảo vệ trước đó.
Đơn cử như dự án "Phân lập, đánh giá khả năng nhắm đích tế bào gốc ung thư dạ dày của phân đoạn chứa hợp chất saponin và bào chế sản phẩm từ cây lá khôi" của nhóm học sinh Trường THPT chuyên Thái Nguyên được cho là rất giống luận văn thạc sĩ sinh học ứng dụng "Nghiên cứu tác động của dịch chiết lá khôi lên sự biểu hiện của các gene kiểm soát chu kỳ tế bào của tế bào gốc ung thư dạ dày" của Nguyễn Thị Hải Hồng do TS Lê Thị Thanh Hương ở Đại học Thái Nguyên hướng dẫn năm 2019.
Dự án "Tăng cường hoạt tính quang xúc tác xử lý ô nhiễm môi trường nước của g-C3N4 bằng hiệu ứng cộng hưởng plasmon bề mặt" của nhóm học sinh trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Hà Nội, rất giống với luận văn thạc sĩ "Tổng hợp và đánh giá hoạt tính quang của vật liệu xúc tác trên cơ sở g-C3N4" do Đoàn Duy Hùng thực hiện và bảo vệ tại Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2018.
Trước đó, năm 2021 dự án “Giường bệnh thông minh hỗ trợ cho người mất chức năng vận động tay chân sử dụng tại nhà” của nhóm học sinh Trường THPT Hoa Lư A, tỉnh Ninh Bình đoạt giải Nhất cũng bị nghi trùng lặp với một dự án được trao giải vào năm 2019; Năm 2019 nhiều phụ huynh còn gửi đơn kiến nghị Bộ GD-ĐT thẩm định lại nhiều dự án đoạt giải khi bị nghi trùng lặp với những nghiên cứu đã được công bố trước đây...
Từng có kinh nghiệm nghiên cứu khoa học tại một Viện nghiên cứu, thầy Đinh Đức Hiền cho rằng, bất cập, hạn chế và cũng là nguyên nhân khiến cho cuộc thi KHKT dành cho học sinh phổ thông gặp nhiều “sóng gió”, hoài nghi về tính minh bạch là do Ban tổ chức không công bố công khai thông tin nội dung đề tài, quá trình, kết quả nghiên cứu, giải pháp kỹ thuật để xã hội cùng giám sát.
“Trong nghiên cứu khoa học, việc kế thừa những kết quả nghiên cứu trước đó là chuyện bình thường, nhưng đề tài mới phải làm rõ có những đột phá mới hay hướng nghiên cứu mới như thế nào? Có sự khác biệt ra sao so với những kết quả nghiên cứu cũ. Còn về nguyên tắc không được phép sử dụng kết quả nghiên cứu cũ đi dự thi mà không đưa ra hướng nghiên cứu mới, kết quả mới. Đấy là sao chép”, thầy Hiền nhấn mạnh.
Thầy Hiền cũng đặt câu hỏi, nếu những thí sinh đạt giải tại cuộc thi KHKT cấp quốc gia mà không có cơ hội được tuyển thẳng đại học, không được làm “đẹp” hồ sơ du học thì liệu còn thu hút được bao nhiêu học sinh tham gia?
“Học thật, thi thật…khoa học thật”
Trao đổi với phóng viên VOV2, TS Nghiêm Vũ Khải, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam không bình luận về kết quả cuộc thi KHKT dành cho học sinh phổ thông năm học 2021-2022.
Tuy nhiên với kinh nghiệm làm công tác quản lý Khoa học công nghệ và từng tham gia Ban giám khảo các cuộc thi khoa học, ông Khải cho rằng những nghiên cứu, giải pháp trong lĩnh vực khoa học công nghệ thường phải trải qua một quá trình dài, có thí nghiệm, có các quy chuẩn, tiêu chuẩn, sản xuất thử…
“Điều quan trọng các em học sinh đang trong quá trình trưởng thành, tìm hiểu thế giới do vậy việc đánh giá những sáng kiến KHKT phải rất khách quan, chính xác, công tâm để các các em cảm thấy tự hào. Tránh tình trạng lấy công trình của người lớn mang đi dự thi”, TS Nghiêm Vũ Khải nhấn mạnh.
TS Nghiêm Vũ Khải nhắc lại thông điệp của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khi làm việc với Bộ GD-ĐT năm 2021 là “Học thật, thi thật, nhân tài thật”. Thông điệp này cũng cần phải được thể hiện trong nghiên cứu khoa học nói chung và nghiên cứu KHKT học sinh nói riêng đó là: “Khoa học thật”.
Người lớn có thể động viên, khuyến khích, hỗ trợ, đồng hành nhưng những sáng kiến, cải tiến phải xuất phát từ chính các em học sinh.
Trước những ý kiến đề nghị dừng cuộc thi KHKT cấp quốc gia dành cho học sinh phổ thông, TS Nghiêm Vũ Khải cho rằng đề xuất như vậy là cực đoan.
“Việc tổ chức các cuộc thi khoa học công nghệ dành cho học sinh là rất nên tổ chức. Điều quan trọng việc tổ chức phải bài bản, khách quan, chọn ra được những dự án nghiên cứu khoa học thật. Chỉ có như vậy mới có ý nghĩa giáo dục, phát huy sự sáng tạo trong thế hệ trẻ”, ông Khải nêu quan điểm.
Thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên hệ thống giáo dục Học Mãi cũng cho rằng, sân chơi KHKT dành cho học sinh đang rất thiếu. Do vậy việc duy trì cuộc thi KHKT cấp quốc gia dành cho học sinh phổ thông là rất cần thiết, thậm chí có thể mở thêm nhiều sân chơi khoa học công nghệ khác.
“Đơn vị tổ chức cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc tế ISEF không phải là một cơ quan quản lý của Bộ Giáo dục mà nó được tổ chức bởi hiệp hội khoa học kỹ thuật. Những đề tài, thậm chí bài thuyết trình của học sinh đều được công bố công khai. Đây là một gợi ý để việc tổ chức cuộc thi KHKT của chúng ta được công khai, minh bạch hơn”, Thầy Đinh Đức Hiền gợi mở.
Tuy nhiên, điều quan trọng theo thầy Hiền việc tổ chức cuộc thi phải phải đảm bảo sự trung thực tuyệt đối bởi sự trải nghiệm khoa học của học sinh mới là điều quan trọng chứ không phải là thành tích, giải thưởng.
“Cần phải đẩy mạnh hơn nữa giáo dục STEM, học sinh phải được tham gia nhiều hơn các dự án KHKT trong quá trình học tập chứ không chỉ các cuộc thi. Phải để cho học sinh trải nghiệm nhiều hơn thì mới có sáng tạo”, thầy Hiền nhấn mạnh.
Bấm nghe chương trình:
Danh sách 12 dự án đạt giải Nhất cuộc thi KHKT cấp quốc gia dành cho học sinh phổ thông năm học 2021-2022:
1. Dự án “Điều trị béo phì bằng cao chiết xanthone từ vỏ quả măng cụt (Garcinia mangostana L.) trên chuột nhắt trắng (Mus musculus) của em Nguyễn Hữu Hiệu và Trần Thị Thu Phương, học sinh Trường THPT Chuyên Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên - lĩnh vực Y sinh và khoa học sức khoẻ.
2. Dự án “Tăng cường hoạt tính quang xúc tác xử lí ô nhiễm môi trường nước của g-C3N4 bằng hiệu ứng cộng hưởng plasmon bề mặt” của Đỗ Minh Quân và Nguyễn Thiên Lương, học sinh THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, Hà Nội - lĩnh vực Hoá học
3. Dự án “Nghiên cứu điều chế chế phẩm thảo mộc phòng trừ sâu hại rau họ Hoa thập tự (Brassicacae) từ hợp chất Cinnamyl acetate trong vỏ cây Quế” của em Hoàng Thế Mạnh và Trần Ngọc Hiền Nhi, Trường PT Vùng cao Việt Bắc - lĩnh vực Khoa học thực vật
4. Dự án “Thiết kế hệ thống theo dõi và cảnh báo tự động cho người mắc COVID-19 điều trị tại nhà” của Nguyễn Tuấn Dũng và Lê Hoàng Khoa, học sinh Trường THPT Chuyên Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang - lĩnh vực Hệ thống nhúng.
5. Dự án “Hệ thống theo dõi, giám sát bệnh nhân Covid 19 tại nhà” của Nguyễn Minh Tú và Nguyễn Đức Hoàng, Trường THPT Chuyên Hưng Yên, Hưng Yên - lĩnh vực Hệ thống nhúng.
6. Dự án “Nhựa sinh học tạo từ tinh bột huyền có khả năng tự phân hủy”, của Trần Minh Anh Thư, học sinh Trường THPT chuyên Thủ Khoa Nghĩa, An Giang - lĩnh vực Khoa học vật liệu.
7. Dự án “Thiết kế, chế tạo máy hút dịch chanh dây bán tự động” của Vi Thị Thu Hà và Đào Huỳnh Duy An, Trường THCS và THPT Đông Du, Đắk Lắk - lĩnh vực Kĩ thuật cơ khí.
8. Dự án “Tháp cho cá ăn tự động” của Nguyễn Minh Đức và Dương Thu Trang, Trường Hữu Nghị 80 - lĩnh vực Rô bốt và máy thông minh.
9. Dự án “Nghiên cứu về hành vi tiêu dùng có trách nhiệm bảo vệ môi trường của thanh niên” của Phạm Nguyễn Quang Huy và Phạm Nguyễn Gia Bảo, học sinh Trường THPT Phan Huy Chú, Đống Đa, Hà Nội - lĩnh vực Khoa học xã hội và hành vi.
10. Dự án “Lò hun lá nón an toàn, hiệu quả và thân thiện với môi trường” của Nguyễn Viết Trung và Lê Xuân Tùng, Trường THPT Chuyên Hùng Vương, Phú Thọ - lĩnh vực Kĩ thuật môi trường
11. Dự án “Phân lập, đánh giá khả năng nhắm đích tế bào gốc ung thư dạ dày của phân đoạn chứa hợp chất saponin và bào chế sản phẩm từ cây lá khôi (Ardisia gigantifolia)” của của Đào Xuân Minh và Nguyễn Lê Cường, Trường THPT Chuyên Thái Nguyên, Thái Nguyên - lĩnh vực lĩnh vực Sinh học tế bào và phân tử.
12. Dự án “Ngân hàng máu di động” của Trần Phong và Trần Mỹ Chi, Trường THPT chuyên Lào Cai, tỉnh Lào Cai - lĩnh vực Phần mềm hệ thống.
Từ khóa: Khoa học kỹ thuật, cuộc thi, nghiên cứu khoa học, học sinh, cuộc thi ISEF, dự án nghiên cứu, VOV2
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2