Cuộc đua Nga-Phương Tây khai thác tiềm năng quân sự của khinh khí cầu

Cập nhật: 25/09/2019

VOV.VN - Cả Nga và phương Tây đều không muốn bị kém cạnh trong việc chạy đua phát triển khinh khí cầu cho mục đích quân sự.

Phương Tây chú trọng khai thác tiềm năng khinh khí cầu

Vào đầu những năm 2000, Mỹ chi nhiều triệu USDđể phát triển loạikhinh khí cầu dùng nhiên liệu được nâng cấp ở mức độ cao có tên là HAA, có thể bay khoảng 800km dọc theo các bờ biển của nước Mỹ để phát hiện các loại tên lửa hiện đại ở khoảng cách 590km và tàu bè ở khoảng cách 320km. Bay ở độ cao tương đương với tầng bình lưu, khả năng quan sát của HAA rất lớn, như một radar siêu hạng. Hiện tại, quân đội Mỹ sử dụng hàng nghìn khinh khí cầu bay cao 3.000m so với mặt đất, gắn nhiều thiết bị cảm biến và camera quan sát và do thám dọc biên giới Mỹ - Mexico và tại chiến trường Afghanistan, Iraq...

cuoc dua nga-phuong tay khai thac tiem nang vu khi khinh khi cau hinh 1
Khí cầu thuộc dự án JLENS; Nguồn: raytheon.

Đội quân này có nhiệm vụ thám không, đề phòng các cuộc tấn công khủng bố, cho phép quân Mỹ thường xuyên theo dõi mọi diễn biến phức tạp trên đường phố Afghanistan, phát hiện phần tử khủng bố giữa những đường phố đông người hay những quả bom cài ven đường. Khí cầu giúp quản lý 70% khu vực thành phố Kabul, đã phát hiện kịp thời một chiếc ôtô chứa chất nổ của phiến quân đỗ trên khoảng sân tòa nhà đang xây dựng chuẩn bị tấn công Đại sứ quán Mỹ và Tổng hành dinh NATO vào tháng 9/2011.

Năm 2005, Cơ quan phụ trách các dự án nghiên cứu quốc phòng tiên tiến DARPA đã cùng với hãng Lockheed Martin triển khai chương trình chế tạo khinh khí cầu siêu nặng Walrus có sức chở từ 500 đến 1000 tấn, tầm bay 22.000km với khoản kinh phí 3 triệu USD, tuy nhiên, họ đã không thành công vì không giải quyết được một số lượng lớn các vấn đề kỹ thuật phức tạp. Công ty JP Aerosapce của Mỹ đang phát triển khí cầu địa tĩnh Ascender để phóng các phương tiện không gian từ độ cao 50-60 km được gắn phương tiện trinh sát tầm cao, cho phép không thám chiều sâu lãnh thổ kẻ thù mà không thâm nhập biên giới.

Cơ quan Phòng chống tên lửa thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ dành hàng trăm triệu USD để phát triển đội quân khinh khí cầu phòng không hiện đại, có thể chạy bằng năng lượng mặt trời, gió, đạt vận tốc hơn 48 km/giờ để giám sát toàn bộ thành phố khi dừng tại một vị trí nhất định trên không trung. Khí cầu trang bị camera công nghệ cao đang rất cần bởi vì những chiếc drone như Predator không thể được sản xuất đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu trinh sát của quân đội Mỹ.

Mới đây, Lầu Năm Góc đã thử nghiệm khí cầu phòng thủ tên lửa theo chương trình JLENS (The Joint Land Attack Cruise Missile Defense Elevated Netted Sensor System), với kinh phí 2,8 tỉ USD, do công ty Raytheon phát triển vào năm 2005, được trang bị một radar sục sạo mục tiêu tầm xa cùng một radar điều khiển hỏa lực để bảo vệ các mục tiêu trọng yếu và các khu dân cư trước nhiều mối đe dọa, bao gồm các phương tiện tấn công đường không có người lái và không người lái, tên lửa.

Có thể bay treo trên không trong 30 ngày đêm, liên tục truyền thông tin đến các sở chỉ huy và các hệ vũ khí đánh chặn như các hệ thống tên lửa Patriot, tên lửa SM-3 và tiêm kích trang bị tên lửa AMRAAM, ngoài phòng thủ tên lửa, JLENS cũng có thể phát hiện xuồng, xe thiết giáp, bệ phóng tên lửa cơ động và tên lửa đường đạn chiến thuật đang phóng đi. Các khinh khí cầu quân sự này có khả năng phát hiện vật thể lạ trên không trong phạm vi lên đến 547km cũng như thiết bị quân sự trên mặt đất và biển ở cự ly 225km.

Tháng 4/2016, Mỹ chuyển giao cho Philippines một khí cầu quân sự giúp theo dõi các hoạt động trên biển, bảo vệ biên giới trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở Biển Đông, khi Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền tới hơn 80% diện tích vùng biển chiến lược này, bất chấp sự phản đối của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế.

Mới đây, công ty TCOM LP có trụ sở tại bang Maryland đã giành được hợp đồng trị giá 980,9 triệu USD để chuyển giao các hệ thống khí cầu giám sát thế hệ mới cho quân đội Mỹ, dự kiến sẽ hoàn thành vào ngày 19/6/2024. Theo đó, các hệ thống giám sát liên tục - Tethered (PSS-T) cung cấp phương tiện chiến thuật và cố định để khai thác toàn bộ thông tin, giám sát và trinh sát (ISR), khả năng bảo vệ và liên lạc cho các tổ chức đa quốc gia và liên quốc gia, nhằm giải quyết lỗ hổng về năng lực tình báo của các phương tiện phục vụ mục đích này hiện có.

Hệ thống khí cầu trinh sát trên sẽ cung cấp khả năng phát hiện, giám sát và nhắm mục tiêu 360 độ thông qua video chuyển động theo thời gian thực, quang điện-hồng ngoại diện rộng, phát hiện mọi động tĩnh của phương tiện đang di chuyển và đưa ra phương án xử lý mục tiêu, tiết kiệm chi phí tối đa trên mỗi giờ bay so với các loại phương tiện có người lái và không người lái hiện tại.

Khí cầu Airlander được chế tạo theo hợp đồng giữa quân đội Mỹ và công ty Hybrid Air Vehicles (HAV) của Anh để mang cảm biến phục vụ cho hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Dự án chế tạo Airlander 10 gắn 4 động cơ diesel công suất 325 mã lực, sử dụng lực nâng khí động học như máy bay cánh cố định thông thường để cất cánh và khí heli để bay lơ lửng khi ở trên không đã bị hủy do các vấn đề kỹ thuật cũng như kinh phí. Tuy nhiên, ngày 13/1/2019, HAV cho biết, họ đã lên kế hoạch chế tạo mẫu khí cầu-máy bay thế hệ mới Airlander 50 với tải trọng lên đến 50 tấn vào năm 2020.

cuoc dua nga-phuong tay khai thac tiem nang vu khi khinh khi cau hinh 2
Nguyên lý hoạt động của khí cầu dự án JLENS. Nguồn: topwar.ru.

Nga không hề kém cạnh

Bộ Quốc phòng Nga đã thông qua kế hoạch về phát triển kỹ thuật hàng không cho đến năm 2025, trong đó có ý tưởng hồi sinh phương tiện khinh khí cầu, khí tĩnh học và bóng thám không cho mục đích quân sự. Để thực hiện kế hoạch, Không quân - Vũ trụ Nga đã thành lập một cơ quan chuyên nghiên cứu phát triển khinh khí cầu quân dụng. Hiện tại, quân đội Nga đã đặt hàng 430 hệ thống khinh khí cầu - phương án thay thế cho UAV, đã được áp dụng trong chiến dịch bảo vệ căn cứ không quân Hmeymim của Nga ở Syria và đảm bảo an ninh trong thời gian tiến hành buổi hòa nhạc của Nhà hát Mariinsky.

Bắc Cực là khu vực vô cùng khắc nghiệt và không thuận lợi cho đời sống của con người. Giữa năm 2014, Nga công bố kế hoạch sử dụng các khí cầu không người lái trong hoạt động quân sự để bảo vệ vùng Bắc Cực từ năm 2016. Các khinh khí cầu được trang bị máy ảnh nhiệt, cảm biến laser, máy định vị và thu hình để giám sát đường ống dẫn dầu, khí đốt, tham gia tuần phòng biên giới, các hoạt động thăm dò, đảm nhiệm chức năng đầu mối chuyển tải thông tin - một định hướng đầy hứa hẹn.

Dòng khí cầu Atlant bao gồm ba phiên bản có sức chở 16, 60 và 170 tấn, có khả năng hoạt động ở độ cao tới 10.000m được sử dụng như thành tố của hệ thống cảnh báo tấn công tên lửa. Một chiếc khinh khí cầu không người lái đầy hứa hẹn khác, Berkut, có thể lên đến độ cao 20-23km và ở trên không trong sáu tháng có nhiệm vụ tiếp sóng thông tin liên lạc và trinh sát tầm cao. Khinh khí cầu Puma được thiết kế như một trạm radar để giám sát suốt ngày đêm từ độ cao 5km trong 30 ngày mà không cần hạ cánh, có bán kính phát hiện và theo dõi các mục tiêu trên không 300 - 350km.

Tháng 5/2017, khinh khí cầu thực nghiệm công nghệ phòng thủ tên lửa phiên bản Atlant 100 có thể chở được 200 người và 60 tấn hàng hóa, tốc độ bay 140km/giờ, hoạt động ở cự ly 2.000km của công ty Augur RosAeroSystems đã thực hiện chuyến bay thử đầu tiên. Theo Sputniknews, khinh khí cầu đa chức năng tiên tiến Atlant-30, có tải trọng 170 tấn có khả năng chống lại các mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo, có thể hoạt động ở độ cao đến 10.000m; các thiết bị có thể phát hiện đầu đạn tên lửa của đối phương đang trong giai đoạn bay tích cực và ở chặng cuối quỹ đạo bay. Khả năng vận chuyển 3 xe tăng T-90 với đầy đủ trang bị hoặc 8 xe chiến đấu bộ binh BMP-3 biến nó trở thành một máy bay vận tải thực thụ.

Atlant có thể cất và hạ cánh trên bất cứ bề mặt nào, trên mặt nước, mặt băng, đầm lầy và sử dụng một đệm không khí để di chuyển trên đất liền. Khác với khí cầu cổ điển, trên sàn không cần có các cột buộc, tầm bay xa từ 2 đến 5 nghìn cây số tùy theo mẫu, và nhờ hệ thống đặc biệt, chúng có thể nằm sát mặt đất khi có gió mạnh. Theo giới chuyên gia quân sự Nga, khinh khí cầu có thể là phương tiện vận chuyển hàng không mới cho quân đội Nga, giá Atlant thấp hơn 30% so với Mi-26 - trực thăng vận tải hạng nặng của Nga (25 triệu USD). Trong thời bình, Nga sẽ sử dụng khinh khí cầu để kiểm soát các khu vực mở rộng của biên giới nước Nga, đảm bảo phát hiện và nếu cần, tiêu diệt những kẻ buôn lậu, buôn bán ma túy, phiến quân hoặc các nhóm khủng bố cũng như theo dõi việc di chuyển quân...

Ngoài các nhiệm vụ như chụp ảnh, giám sát hay liên lạc, khinh khí cầu còn có thể được lập thành trạm chỉ huy trên không, triển khai tác chiến điện tử, chỉ thị mục tiêu, lắp đặt hệ thống cảnh báo sớm giúp tăng cường năng lực phòng thủ tên lửa của Nga do mở rộng được tầm quan sát và không bị giới hạn bởi đường chân trời. Chỉ mất vài phút triển khai, khí cầu có thể mang các trang thiết bị nặng 300kg lên độ cao 3.500m và ở tại vị trí đó trong nửa tháng, có thể được triển khai nhanh chóng ở bất kỳ khu vực nào vào bất kỳ thời điểm nào, rẻ hơn và nhanh hơn triển khai vệ tinh quân sự, sẽ trở thành một cấu phần chính thức của hệ thống cảnh báo tấn công tên lửa.

Theo Interfax ngày 11/6/2018, Bộ quốc phòng Nga có kế hoạch đặt hàng số lượng lớn hệ thống khinh khí cầu quân dụng với những thiết bị chưa từng có trên thế giới được phát triển bởi Vega - một công ty con của tập đoàn công nghệ vô tuyến điện Nga, có thể hoạt động quanh năm trong mọi điều kiện thời tiết ở mọi địa điểm, được sử dụng cho nhiệm vụ chỉ huy và truyền tải thông tin ở độ cao hàng nghìn mét, các mệnh lệnh nhanh chóng được truyền tới các đơn vị, có thể thay thế hàng chục trạm phát đắt tiền trên mặt đất./.

Từ khóa: khinh khí cầu quân sự, tiềm năng của khinh khí cầu, vũ khí khinh khí cầu, cạnh tranh Nga-Phương Tây,

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập