“Cuộc chiến” công hàm: Giải quyết vấn đề Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế
Cập nhật: 17/11/2020
Nga triển khai đạn pháo dẫn đường bằng laser mới nhất tấn công Ukraine
Nga và Ukraine vật lộn đối phó UAV cáp quang không thể bị gây nhiễu
VOV.VN - Việc gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc để thể hiện quan điểm về vấn đề Biển Đông, có thể thấy các nước đã nỗ lực tìm cách dựa trên pháp luật để giải quyết các vấn đề trên biển.
Biển Đông – vấn đề không chỉ của riêng nước nào
Suốt 1 năm qua, cộng đồng quốc tế đã chứng kiến “cuộc chiến công hàm” liên quan đến vấn đề Biển Đông khi một loạt nước gửi công thư, công hàm lên Liên Hợp Quốc về vấn đề này.
Khởi đầu là Malaysia nộp đệ trình ranh giới thềm lục địa mở rộng của mình ở Biển Đông lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa vào tháng 12/2019.
Tiếp sau đó, nhiều quốc gia như Philippines, Việt Nam, Indonesia, và cả Mỹ, Australia đều đã gửi công hàm, công thư phản đối các lập luận sai trái của Trung Quốc đối với Biển Đông.
Tháng 9 vừa qua, 3 nước châu Âu gồm Anh, Pháp, Đức cũng đã gửi công hàm thể hiện quan điểm chung về vấn đề Biển Đông lên Liên Hợp Quốc.
Công hàm của các nước đều trực tiếp và gián tiếp đề cập tới Phán quyết của Toà Trọng tài quốc tế trong vụ kiện Biển Đông năm 2016 của Philippines, phản đối tất cả các yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.
Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên Hợp Quốc là nơi lưu giữ chính thức tất cả các công hàm, công thư phản đối các yêu sách vùng biển thái quá của Trung Quốc ở Biển Đông.
Việc Mỹ, Australia và 3 nước châu Âu - Anh, Pháp, Đức - cùng đệ trình công hàm lên Liên Hợp Quốc là minh chứng rõ ràng cho thấy Biển Đông đã không chỉ là vấn đề giữa ASEAN với Trung Quốc mà còn là mối quan tâm của hầu hết các nước trên toàn thế giới, bởi tầm quan trọng của Biển Đông đối với an ninh và sự phát triển của toàn thế giới.
Chia sẻ bên lề Hội thảo Khoa học Quốc tế về Biển Đông lần thứ 12, Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho rằng, việc một loạt nước gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc về vấn đề Biển Đông là một trong những điểm nổi bật trong năm 2020. Mỗi công hàm đều bày tỏ quan điểm riêng của từng nước, nhưng cũng có điểm chung về nhận thức đối với vấn đề Biển Đông.
“Trong các công hàm gửi lên Liên Hợp Quốc về vấn đề Biển Đông, hầu hết các nước đều nhấn mạnh luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982). Đây là yếu tố rất quan trọng, cho thấy rằng, không thể chỉ lấy yếu tố lịch sử ra để đòi hỏi quyền nọ, quyền kia trái với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982 là có thể thuyết phục được mọi người. Mọi hành vi trên biển, bao gồm cả những đòi hỏi, yêu sách chủ quyền đều phải dựa trên UNCLOS 1982. Hiện nay, ASEAN và Trung Quốc đang thúc đẩy tham vấn về xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Nhưng bất cứ văn bản COC nào trong tương lai cũng phải dựa trên luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982”, Đại sứ Phạm Quang Vinh khẳng định.
Khẳng định giá trị phổ quát và toàn diện của UNCLOS 1982
Nhiều học giả về Biển Đông khẳng định không tồn tại một quy chế đặc biệt nào cho phép các quốc gia được vẽ đường cơ sở thẳng quanh các nhóm đảo, quần đảo xa bờ. UNCLOS 1982 có giá trị phổ quát và toàn diện, phạm vi điều chỉnh tất cả các vấn đề trên biển.
Bà Phạm Lan Dung, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao, nhấn mạnh Biển Đông hiện nay đóng vai trò quan trọng trong chiến lược của khu vực và trong quan hệ với các nước lớn. Biển Đông là phép thử cho những nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực, đồng thời là phép thử cho việc thượng tôn pháp luật, quy trình trật tự dựa trên pháp lý.
Việc gửi công hàm lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa về vấn đề Biển Đông đã trở thành một kênh để các nước thể hiện quan điểm của mình một cách công khai và chính thức. Thông qua hành động này, các nước thể hiện quan điểm của mình về mặt pháp lý, nêu rõ các yêu sách, quyền và lợi ích phù hợp với UNCLOS 1982, đồng thời cũng phản đối lại những yêu sách của các bên không phù hợp với luật pháp quốc tế.
Theo bà Phạm Lan Dung, từ việc các nước gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc để thể hiện quan điểm của mình về vấn đề Biển Đông, có thể thấy xu hướng rất quan trọng, trong đó các nước đã nỗ lực tìm cách dựa trên pháp luật để giải quyết các vấn đề liên quan đến biển đảo.
Bên cạnh đó, với việc đưa ra quan điểm của mình một cách chính thức thông qua các công hàm gửi lên Liên Hợp Quốc, các nước đã khẳng định các nguyên tắc quan trọng của UNCLOS 1982, đặc biệt là những nội dung đã được nêu trong phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế về Biển Đông.
“Bằng những cách như vậy, Việt Nam chúng ta cũng đã phủ nhận những yêu sách không hợp lý như vẽ đường cơ sở xung quanh các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, hay phủ nhận các yêu sách về các vùng biển quanh các đảo, nhóm đảo trái quy định”, bà Phạm Lan Dung nói./.
Từ khóa: Cuộc chiến công hàm, Biển Đông, UNCLOS 1982, luật pháp quốc tế, thượng tôn pháp luật, Trường Sa, Hoàng Sa, hội thảo Biển Đông, hội thảo quốc tế về Biển Đông
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN