Cuộc chạm trán hiếm hoi giữa Su-57 và F-35 ở khoảng cách chỉ 24m

Cập nhật: 2 giờ trước

VOV.VN - Cuộc chạm trán hiếm hoi giữa Su-57 của Nga và F-35 của Mỹ thu hút dự quan tâm của dư luận khi chúng cùng tới Ấn Độ tham dự triển lãm hàng không quốc tế Aero India 2025.

Sau nhiều năm đối đầu trên lý thuyết, khoảnh khắc được mong đợi từ lâu cuối cùng cũng đã đến: Su-57 của Nga và F-35 của Mỹ xuất hiện cùng nhau trên một vùng đất trung lập – Ấn Độ.

Bức ảnh hiếm hoi này được công bố ngày 8/2, trong quá trình chuẩn bị cho triển lãm hàng không và quốc phòng lớn nhất châu Á Aero India 2025. Sự kiện này sẽ diễn ra từ ngày 10 – 14/2 tại Căn cứ Không quân Yelahanka ở Bangalore, Ấn Độ.

Bức ảnh cho thấy, 2 chiếc máy bay chiến đấu chỉ cách nhau khoảng 24m. Nó dường như được chụp vào thời điểm chiếc F-35 vừa hạ cánh và đang đi chuyển vào vị trí tại triển lãm, đi ngang qua chiếc Su-57.

Trong bức ảnh, có thể thấy một vài người đứng gần Su-57 mặc dù chưa rõ chính xác nhiệm vụ của họ là gì.

Một chi tiết thú vị: F-35 rõ ràng là tâm điểm của sự chú ý. Những người đứng trước Su-57 đều tập trung vào chiếc máy bay tàng hình của Mỹ và có một người đang giơ tay lên như thể đang chụp ảnh bằng điện thoại.

Sự xuất hiện của Su-57 của Nga và F-35 của Mỹ tại Aero India 2025 làm nổi bật cuộc cạnh tranh toàn cầu trong ngành hàng không vũ trụ và quốc phòng, đặc biệt trong lĩnh vực máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm.

Cuộc đua quảng bá máy bay thế hệ 5

Triển lãm hàng không quốc tế Aero India 2025 được tổ chức tại Bengaluru là cơ hội chiến lược để cả Nga và Mỹ thể hiện khả năng công nghệ và năng lực quân sự, nhằm tác động đến các quyết định mua sắm quốc phòng của Ấn Độ trong thời điểm quan trọng.

Tập đoàn Máy bay Thống nhất (UAC), công ty mẹ của Sukhoi, giới thiệu Su-57 tại triển lãm nhằm khôi phục và làm sâu sắc thêm quan hệ quốc phòng với Ấn Độ, đặc biệt là sau khi New Delhi Độ rút khỏi một chương trình phát triển hợp tác với Nga vào năm 2018.

Bằng cách đưa Su-57 tới Triển lãm Aero India, UAC không chỉ quảng bá các khả năng tàng hình, khả năng cơ động và hệ thống điện tử hàng không tiên tiến mà còn khẳng định chiếc máy bay này như một lựa chọn khả thi cho việc hiện đại hóa không quân của Ấn Độ trong bối cảnh khu vực đang đối mặt với nhiều thách thức về an ninh.

Mục tiêu chiến lược của Nga rất rõ ràng: cung cấp cho Ấn Độ một lựa chọn thay thế các máy bay chiến đấu phương Tây bằng cách đề xuất chuyển giao công nghệ, sản xuất chung và có thể phát triển biến thể nội địa.

Động thái này được xem là nỗ lực để cân bằng ảnh hưởng của các nhà sản xuất phòng phương Tây tại thị trường Ấn Độ, đặc biệt khi xét đến mối quan hệ quân sự lịch sử giữa Nga và Ấn Độ.

Trong khi đó, quyết định của Lockheed Martin trưng bày F-35, mặc dù chỉ ở dạng tĩnh sau khi hủy bỏ các chuyến bay biểu diễn, nhấn mạnh cam kết của Mỹ trong việc hợp tác với Ấn Độ như một đối tác chiến lược quan trọng ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

F-35, được biết đến với khả năng tàng hình tiên tiến, kết hợp cảm biến và hoạt động hỗ trợ mạng, đại diện cho đỉnh cao công nghệ máy bay chiến đấu của Mỹ.

Mục tiêu của Lockheed Martin với Ấn Độ không chỉ là bán máy bay mà còn là xây dựng một mối quan hệ quốc phòng lâu dài có thể bao gồm chia sẻ công nghệ, cùng phát triển và sản xuất.

Điều này phù hợp với các mục tiêu chiến lược rộng lớn của Mỹ nhằm củng cố mối quan hệ quân sự với Ấn Độ, tăng cường khả năng tương tác và đối phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Nhắm đến khách hàng tiềm năng

Cả UAC và Lockheed Martin đều đang tận dụng Aero India 2025 để giới thiệu các sản phẩm mới nhất của mình, nhằm tác động đến quá trình ra quyết định của Ấn Độ trong việc lựa chọn các máy bay chiến đấu cho tương lai.

Ấn Độ hiện có nhu cầu tăng cường khả năng không quân và Không quân Ấn Độ đang đánh giá các lựa chọn cho dự án máy bay chiến đấu đa nhiệm (MRFA) để mua 14 máy bay chiến đấu tiên tiến.

Sự hiện diện của những chiếc máy bay chiến đấu tiên tiến của Nga và Mỹ không chỉ nhằm mục đích bán hàng mà còn là chiến lược địa chính trị, nơi công nghệ quân sự trở thành công cụ để xây dựng mối quan hệ ngoại giao, kinh tế và an ninh sâu sắc hơn.

Qua sự kiện này, cả hai công ty không chỉ cạnh tranh để giành hợp đồng quốc phòng quan trọng mà còn thể hiện cam kết dài hạn đối với quá trình hiện đại hóa quốc phòng của Ấn Độ, mỗi bên đều có những điểm mạnh riêng phù hợp với nhu cầu chiến lược và các mối quan hệ địa chính trị của Ấn Độ.

Bất chấp các nỗ lực quảng bá Su-57 của Nga cũng như F-35 của Mỹ, Ấn ĐỘ đã nhiều lần tuyên bố rằng họ sẽ tập trung vào dự án máy bay chiến đấu tiên tiến (AMCA) của riêng mình. Đây là một nỗ lực đầy tham vọng của Ấn Độ để phát triển một máy bay chiến đấu đa nhiệm thế hệ thứ năm hoàn toàn được thiết kế và sản xuất nội địa.

AMCA do Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ khởi xướng vào năm 2008 nhằm tạo ra một máy bay với công nghệ tàng hình tiên tiến, khả năng cơ động vượt trội, có thể thống trị chiến trường hiện đại.

Dự án AMCA được thiết kế như một nền tảng cực kỳ linh hoạt, bao gồm khả năng vượt trội về không chiến, tấn công mặt đất và chiến tranh điện tử. Quá trình phát triển tập trung vào việc tích hợp các công nghệ mới nhất về hệ thống radar, cảm biến điện quang và hệ thống liên lạc, giúp máy bay thực hiện nhiệm vụ với sự can thiệp tối thiểu của con người, nhờ vào khả năng tự động hóa và trí tuệ nhân tạo tiên tiến.

Ấn Độ mong muốn thông qua AMCA có thể giảm bớt sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp vũ khí quân sự nước ngoài và củng cố vị thế của mình như một cường quốc khu vực với công nghệ quân sự tiên tiến.

Từ khóa: Su-57, F-35,cuộc chạm trán hiếm hoi giữa Su-57 và F-35, Su-57 chạm trán F-35, Ấn Độ,vũ khí Nga, vũ khí Mỹ

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả: hoàng phạm/vov.vn

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập