Cùng chồng về quê ăn giỗ, tôi đau đớn và xấu hổ vì câu nói của anh

Cập nhật: 02/08/2023

VOV.VN - Trong lần về quê ăn giỗ vào cuối tuần trước, chỉ vì một câu nói của chồng, tôi phải tự vấn quyết định kết hôn của mình có sai hay không.

Tháng 4 năm nay, tôi vừa làm đám cưới. Tôi và chồng quen nhau nhờ mai mối của người quen. Chúng tôi chỉ yêu có 3 tháng, rồi tiến tới hôn nhân ngay, vì cả hai đều đã cứng tuổi. Chồng tôi làm kinh doanh, mức lương cũng ổn định. Chỉ có điều anh rất chi li trong chuyện tiền bạc. Từ hồi yêu đương, mỗi lần đi hẹn hò, chúng tôi đều cưa đôi. Tôi mua tặng anh cái gì thì anh đều trả lại một món quà tương xứng. Mấy chị bạn nghe tôi kể chuyện đó đều khuyên tôi không nên quen anh vì một người đàn ông "đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành" như vậy sẽ khiến tôi rât khổ sở. Nhưng một phần vì gia đình giục giã, phần vì thấy kinh tế của anh rất ổn định, có thể lo cho cuộc sống sau này, nên tôi bỏ qua lời khuyên của bạn bè, đồng ý cưới.

Sau khi lấy về, tính cách tằn tiện của anh càng ngày càng bộc lộ rõ, khiến tôi rất khó chịu. Anh nói thẳng, đã là sống chung, thì hai vợ chồng góp mỗi người một nửa. Mỗi tháng, anh chỉ đưa tôi một nửa số tiền sinh hoạt, còn một nửa là tôi đóng góp. Mỗi lần thăm hỏi, biếu quà hai bên, anh đều chọn những đồ rất rẻ. Có hai giỏ táo chỉ chệnh nhau 50 nghìn, nhưng một giỏ tươi hơn, giỏ kia thì cũ, anh nhất quyết lấy giỏ cũ vì rẻ hơn. Vợ chồng anh trai tôi mới sinh một cặp sinh đôi. Ngày đầy tháng hai cháu, chồng tôi chỉ tặng có một bộ quần áo, bảo là hai đứa giống nhau thì mặc chung được. Tôi muối mặt quá, đành phải lén lút mua thêm 1 bộ, kèm thêm một ít tiền mừng cho hai cháu.

Cuối tuần trước, hai vợ chồng về quê ngoại ăn giỗ. Tôi đã bào trước với chồng, góp một triệu làm giỗ dưới quê. Dùng dằng mãi, anh mới đưa tôi 500 nghìn, phần còn lại thì bảo tôi tự đóng góp. Nói chung cỗ bàn ở quê khi nào cũng sẽ là mấy món dân dã truyền thống, không có nhiều biến đổi, gồm thịt gà luộc, canh bóng, bánh chưng, xôi gấc, giò lụa, rau củ xào chay. Nói chung mâm cỗ như vậy đã được gọi là tươm tất, thế nhưng chồng tôi lại thể hiện ghét ra mặt. Lúc nhấc đũa lên gắp đồ thì anh than món này xào quá nhiều dầu, món kia nhiều tinh bột, còn có những món đã ăn đến phát ngàn. Không những thế, còn không ngại hỏi mẹ vợ gà này là có phải gà quê không, giá bao nhiêu 1 kg, xôi là tự đồ hay mua sẵn ngoài chợ… Cứ như thể mâm cỗ này không xứng với 1 triệu đồng. Không những thế, anh ta còn lén chụp ảnh đăng lên group facebook để mọi người cùng vào bình luận giá cả của từng món.

Đỉnh điểm, sau bữa ăn, gia đình bàn chuyện xây lại nhà cho bố mẹ. Bố mẹ tôi chỉ có hai con, tôi và anh trai. Chuyện xây nhà cửa cho bố mẹ thường là chuyện của anh trai, nhưng do hoàn cảnh của anh hơi khó khăn, vợ lại vừa sinh con nên mới bảo vợ chồng tôi góp một ít, tầm 500 triệu, coi như hiếu kính bố mẹ. Với khoản tiền này, vợ chồng tôi có thể lo được. Nhưng chồng tôi lại bảo anh tôi rằng: "Hồi cưới, bố mẹ chỉ cho mấy chỉ vàng, khuyên tai, vòng bạc, tính ra cũng chỉ được 200 triệu. Thế nên cho sòng phẳng, vợ chồng em chỉ đưa các cụ 200 triệu thôi, gọi là có lòng. Con gái gả đi là con người ta rồi, em không nghĩ nhà em còn có bổn phận gì ở nhà này nữa". 

Nghe vậy, tôi tức giận đến phát điên, chỉ lẳng lặng xin lỗi anh chị rồi kéo chồng về nhà ngay trong hôm ấy. Tôi không biết, mình có nên sống tiếp với người đàn ông chi li đến từng cắc bạc như vậy không nữa? Mong mọi người cho tôi lời khuyên.

Từ khóa: đời sống, tin đời sống 24h, đời sống xã hội, cuộc sống, tình yêu gia đình, tình cảm gia đình, tin tức tình yêu, tâm sự tình yêu gia đình, về quê ăn giỗ, câu nói của chồng

Thể loại: Đời sống

Tác giả: tiên tiên/vov.vn (ghi)

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập