Cục diện Syria sau hơn 8 năm xung đột: Không chiến tranh và không có hòa bình
Cập nhật: 27/12/2019
VOV.VN - Theo giới phân tích, sau hơn 8 năm chìm trong khủng hoảng, Syria dường như bị mắc kẹt trong tình trạng “không chiến tranh và không có hòa bình”.
Tình hình chiến sự ở Syria đã trải qua những thay đổi đáng kể với sự dịch chuyển quyền lực giữa các bên. Những diễn biến nhanh chóng từ việc Mỹ tuyên bố rút quân khỏi Syria, Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch tấn công người Kurd, thỏa thuận giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tại Sochi … khiến cục diện tại khu vực này có sự thay đổi, “ván cờ” mới đã được thiết lập.
Đoàn xe chở người Syria đi lánh nạn. Ảnh: AFP. |
Khởi phát từ cuộc biểu tình chống chính phủ từ năm 2011, mâu thuẫn giữa chính quyền đương nhiệm của Syria với người dân nhanh chóng bùng nổ thành nội chiến và sau đó trở thành một cuộc xung đột quốc tế, với sự can dự của Nga, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran. Trong bối cảnh các nhân tố bên ngoài phải đối mặt với sức ép chính trị nội bộ và những vấn đề riêng, họ đã khiến cuộc chiến tại Syria rơi vào bế tắc. Theo đánh giá của các nhà phân tích, sau hơn 8 năm chìm trong khủng hoảng, Syria dường như bị mắc kẹt trong tình trạng “không chiến tranh và không hòa bình”.
Mỹ rút quân khỏi Syria, bước ngoặt mới
Ngày 7/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút toàn bộ binh sỹ ra khỏi miền bắc Syria. Theo lý giải của Bộ Quốc phòng Mỹ, quyết định này được đưa ra là do cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã kết thúc. Một số ý kiến khác trong chính quyền cho rằng, mục đích của ông Trump là giảm cam kết với người Kurd để tập trung đối phó với chính quyền Tổng thống Syria Al Assad, Nga và Iran. Nhưng những lý giải đó dường như không có sức thuyết phục.
Quyết định của chính quyền Tổng thống Donald Trump đã vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ không chỉ của đảng Dân chủ mà còn đảng Cộng hòa bởi nó được coi là “cú đâm sau lưng” đối với đồng minh người Kurd khi diễn ra đúng thời điểm Thổ Nhĩ Kỳ đang chuẩn bị tiến hành chiến dịch “Mùa xuân hòa bình”. Ngày 17/10/2019, Quốc hội Mỹ đã bỏ phiếu với đa số áp đảo chưa từng có (354/60), trong đó có 129 phiếu của đảng Cộng hoà lên án ông Trump.
Nhiều chuyên gia cảnh báo quyết định nói trên sẽ gây ra sự hỗn loạn và tranh đấu trong khu vực, có nguy cơ phá hủy hầu hết các mục tiêu mà nước này đã thiết lập tại Trung Đông. Khoảng trống mà Mỹ để lại sẽ tạo điều kiện cho Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ tranh thủ thời cơ để lấp đầy.
Rút quân khỏi Syria, ông Trump trao “quà vô giá” cho Nga và Iran
Thổ Nhĩ Kỳ phát động chiến dịch quân sự “Mùa xuân hòa bình”
Việc Mỹ rút quân được coi như “tấm vé thông hành” để Thổ Nhĩ Kỳ đường đường chính chính thực hiện chiến dịch quân sự tại Syria. Không nằm ngoài dự đoán, ngày 9/10, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã tấn công vào cứ điểm của Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF) với nòng cốt là Các đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) – đồng minh thân cận của Mỹ trong cuộc chiến chống IS.
Mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ là thiết lập một vùng đệm ở dọc biên giới tiếp giáp với Syria để tạo nơi định cư cho khoảng 2 triệu người Syria đang lánh nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ vàxóa bỏ sự hiện diện của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cùng lực lượng người Kurd ở Syria, tổ chức mà Ankara cũng coi là khủng bố. Vào thời điểm đó, giới quan sát nhận định cuộc chiến của Tổng thống Erdogan sẽ không dễ dàng bởi dù vượt trội về khí tài và năng lực quân sự, đối thủ của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là một lực lượng dân quân người Kurd rất kỷ luật và tận tụy, dày dặn kinh nghiệm sau nhiều năm chiến đấu với IS.
IS bị đánh bại song vẫn có nguy cơ hồi sinh
Lợi dụng bất ổn tại Syria, từ năm 2014, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã chiếm đóng phần lớn lãnh thổ quốc gia Trung Đông này nhưng chúng dần tan rã sau những cuộc tiến công của quân đội Syria và các lực lượng quốc tế. Tháng 3/2019, Tổng thống Trump tuyên bố, IS đã bị đánh bại hoàn toàn tại Syria. Trong khi đó, Lực lượng dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn cũng khẳng định, IS đã mất thành trì cuối cùng tại Syria. Sự sụp đổ của IS được đánh dấu chính thức bằng chiến dịch bố ráp và tiêu diệt thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi của Mỹ tại tỉnh Idlib, khu vực tây bắc Syria cuối tháng 10 vừa qua.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại IS sẽ dễ hồi sinh bởi tổ chức khủng bố này luôn thể hiện bản chất chống chịu và thích nghi trong mọi hoàn cảnh. Cấu trúc phi tập trung và việc phát động những cuộc tấn công theo kiểu truyền cảm hứng sẽ giúp IS nhanh phục hồi sau cái chết của thủ lĩnh Bakr al-Baghdadi. Ngoài việc công bố người kế nhiệm là Abu Ibrahim al-Hashemi al-Qurayshi, IS giờ đây đã chuyển sang hoạt động ngầm, tích cực sử dụng mạng xã hội để truyền bá tư tưởng cực đoan. Nhiều tàn dư của tổ chức này vẫn đang lẩn trốn với mưu đồ gây dựng lại lực lượng.
Một số ý kiến cho rằng, tình hình bất ổn tại Syria, đặc biệt là sau khi Mỹ rút quân sẽ tạo điều kiện cho IS “sống lại”. Tình trạng hỗn loạn hiện nay đã phá vỡ các nỗ lực của liên minh chống khủng bố ổn định những khu vực được giải phóng khỏi IS. Bên cạnh đó, có hàng nghìn phần tử IS đang bị người Kurd quản thúc trong các nhà tù tạm thời. Một khi người Kurd phải lo chống chọi với chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ, những nhà tù này sẽ bị phá hủy và IS dễ có cơ hội để củng cố lực lượng trong “bãi đất trống” mà ông Trump bỏ lại.
Nga – nắm mọi con át chủ bài
Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong cuộc họp báo ở Sochi. Ảnh: Reuters. |
Tháng 9/2015, theo đề nghị của chính phủ Syria, Tổng thống Putin điều hai phi đội máy bay đến căn cứ không quân Khmeimim ở tây bắc Syria, bắt đầu chiến dịch không kích IS. Sự can dự của Nga đã giúp thay đổi cục diện cuộc chiến, hỗ trợ chính quyền Tổng thống Assad giành được nhiều thắng lợi quan trọng.
Đến thời điểm hiện tại, việc Mỹ rút quân khỏi Syria lại càng giúp củng cố vai trò trung tâm của Moscow trong việc định hình tương lai quốc gia Trung Đông này. Nga đã làm thay công việc dang dở mà Mỹ để lại, đó là đàm phán và nhất trí với Thổ Nhĩ Kỳ về một thỏa thuận lịch sử, giúp ngăn chặn nguy cơ nổ ra cuộc xung đột mới tại Syria.
Ngày 22/10, trong cuộc hội đàm tại Sochi, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳthống nhất rằng lực lượng Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) ở Syria sẽ rút khỏi khu vực cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ 30 km, và hai bên sẽ tiến hành các cuộc tuần tra chung tại miền bắc Syria. Thỏa thuận này đạt được đúng thời điểm thỏa thuận ngừng bắn năm ngày giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ hết hiệu lực.
Phát biểu với RT, Chuyên gia Grigory Lukyanov tại Trường Kinh tế cao cấp HSE củaNga đánh giá đây là một chiến thắng ngoại giao của Tổng thống Putin và sự dàn xếp này chứng tỏ Nga có thể đóng vai trò trung gian hòa giải một tình huống rất phức tạp và ngăn chặn những kết quả tồi tệ nhất.
Sở dĩ Nga có thể thực hiện được vai trò này là bởi Moscow là nhân tố duy nhất kết nối được các bên có lợi ích liên quan tại Syria, từ chính quyền Damascus, lực lượng người Kurd đến Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Moscow hiện đang gặt hái thành quả từ chiến thắng ở Syria, tìm cách mở rộng vị thế tại Trung Đông và tìm kiếm thị trường mới về dầu mỏ và khí đốt. Vì thế, việc Mỹ rút quân sẽ mang đến cho Nga lợi thế để thực hiện được kế hoạch dài hạn của nước này.
Bài toán nan giải của chính quyền Tổng thống Assad
Khi nói về cục diện tại Syria, các nhà quan sát đều có chung nhận định là Tổng thống Bashar Al Assad sẽ tại vị và tiếp tục đóng một vai trò trung tâm trong tương lai của Syria. Bước sang năm 2020, chính quyền Tổng thống Assad đã có thể “thở phào” vì mối đe dọa đối với an ninh Syria đã giảm đi đáng kể. Ngay sau khi Mỹ rút quân khỏi đông bắc Syria, chính phủ Syria đã nhanh chóng điều động quân đội đến một số căn cứ mới ở khu vực này, trong khuôn khổ thỏa thuận đạt được gần đây với các lực lượng người Kurd. Việc khôi phục lại chỗ đứng tại khu vực từng nằm ngoài tầm kiểm soát đã giúp chính phủ Syria có thêm lợi thế.
Song bất chấp những tín hiệu lạc quan, chặng đường tái thiết và khôi phục đất nước sau chiến tranh của Tổng thống Assad vẫn còn nhiều khó khăn. Theo đánh giá của Cây bút CNN Ben Wederman, cuộc chiến tại Syria sắp đến hồi kết nhưng không có lý do để ăn mừng. Đến nay, hơn nửa triệu người Syria đã bị thiệt mạng trong các cuộc giao tranh, hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Chiến tranh đã biến nhiều đô thị và thành phố của Syria thành vùng đất hoàn tàn đổ nát. Lệnh trừng phạt do Mỹ khởi xướng khiến nền kinh tế của quốc gia Trung Đông này khó phục hưng. Jeffery Feltman, một quan chức của Liên Hợp Quốc nói rằng: “Với tình hình phức tạp hiện nay ở Syria, rất hợp lý để đưa ra nhận xét rằng quốc gia này sẽ tiếp tục tình trạng không có chiến tranh nhưng cũng không có hòa bình”./.
Từ khóa: cục diện Syria, xung đột 8 năm tại Syria, Mỹ rút quân khỏi Syria, Thổ Nhĩ Kỳ tấn công người Kurd, chiến dịch mùa xuân hòa bình
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN