Cửa ngõ Lào Cai - kết nối tương lai
Cập nhật: 3 giờ trước
Chủ tịch tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng giữ chức Thứ trưởng Bộ NN&PTNT
Thủ tướng và phu nhân gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Brazil
VOV.VN - Trở thành Trung tâm kết nối giao thương giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam (Trung Quốc) là mục tiêu quan trọng của tỉnh cửa ngõ Lào Cai trong tương lai của một kỷ nguyên mới, bức tranh kinh tế tươi sáng ấy đang dần hiện hữu.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, khai báo hải quan điện tử, duy trì thời gian thông quan còn dưới 2 phút/phương tiện; mở rộng từ 2 luồng lên 5 luồng xuất nhập khẩu có barie tự động, gắn camera AI là những thành quả đầu tiên trong chuyển đổi số ở cửa khẩu Kim Thành, Lào Cai.
Theo ông Phạm Văn Phúc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu, nếu chỉ dùng 1 từ để miêu tả thực trạng giao thương qua cửa ngõ Lào Cai lúc này, đó sẽ là "thông thoáng".
Ông Phạm Văn Phúc nói: "Rút ngắn rất nhiều, không có hiện tượng ùn tắc. Hiện nay hiệu suất thông quan có thể đảm bảo cho hàng nghìn phương tiện xuất nhập khẩu mỗi ngày. Còn đối với hàng xuất có tới trên 80% hồ sơ được phân luồng xanh, chỉ cần vào cửa khẩu, làm thủ tục là xuất sang Trung Quốc, gần như đi hết được trong buổi sáng."
Hưởng lợi trực tiếp từ chuyển đổi số ở cửa khẩu là doanh nghiệp. Theo ông Trần Trung Hiếu, Công ty TNHH xuất nhập khẩu Thiên Long, ngoài cơ sở hạ tầng được nâng cấp, cửa khẩu số ở Lào Cai còn cho phép doanh nghiệp truy cập vào tài khoản dùng chung với nhiều trường dữ liệu hiển thị rõ ràng những thông tin về hàng hóa, xe cộ.
Ông Trần Trung Hiếu nói: "Nó giúp cho doanh nghiệp cải thiện thời gian, linh hoạt và minh bạch trong công việc. Ví dụ như khi doanh nghiệp khai báo nhầm thì hệ thống sẽ phản hồi lại để biết vướng mắc nằm ở đâu từ đó bổ sung đầy đủ, điều này rất thuận lợi cho doanh nghiệp cũng như giảm thiểu rủi ro cho cơ quan quản lý."
Theo ông Vương Trinh Quốc, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Lào Cai, nhiệm vụ số hóa cửa khẩu được Lào Cai ấp ủ từ năm 2017 với mấu chốt là có thể liên thông dữ liệu giữa các ngành để rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục, bảo đảm công khai, minh bạch. Tuy nhiên, đến nay mới bước đầu thành hình sau khi củng cố hạ tầng vật lý, hạ tầng công nghệ thông tin và ban hành được quy trình nghiệp vụ có sự tham gia của nhiều ngành.
Ông Vương Trinh Quốc cho biết: "Vì đây là cửa khẩu quốc gia, quốc tế, không phải của riêng Lào Cai mà chỉ là đặt tại địa bàn Lào Cai thôi nên Lào Cai có trách nhiệm cùng với các bộ, ngành tạo điều kiện thông thoáng nhất, để hàng hóa của Việt Nam, Trung Quốc và nước thứ 3 giao thương thuận lợi nhất, giảm chi phí logictics, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm xuất nhập khẩu."
Việc triển khai hiệu quả chuyển đổi số ở Kim Thành sẽ là tiền đề để Lào Cai thí điểm mô hình cửa khẩu thông minh, sau đó áp dụng sang 2 cửa khẩu khác đã được quy hoạch để từ nay đến năm 2030 nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế, gồm Mường Khương và Bản Vược (Bát Xát).
Song song với phát triển cửa khẩu, Lào Cai cũng đang đẩy mạnh mở rộng hạ tầng giao thông kết nối, như tuyến đường Kim Thành – Ngòi Phát nối từ cửa khẩu Kim Thành lên cửa khẩu Bản Vược chuẩn bị khởi công thêm cầu biên giới nối với Bá Sái (Hà Khẩu – Trung Quốc); tuyến đường sắt tốc độ cao khổ tiêu chuẩn đang được quy hoạch; tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai đang được nghiên cứu để mở rộng quy mô lên 4 làn xe; cảng hàng không Sa Pa đã hoàn thiện giải phóng mặt bằng, đang tìm nhà đầu tư.
Theo ông Đặng Xuân Phong, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai, thúc đẩy kết nối hạ tầng cửa khẩu thông minh và hạ tầng giao thông là nhiệm vụ trọng tâm của Lào Cai trong nhiệm kỳ. Sau khi củng cố hạ tầng dọc trên hành lang Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, Lào Cai sẽ đồng hành cùng các địa phương dọc sông Hồng tiếp tục mở rộng hạ tầng kết nối ngang.
Ông Đặng Xuân Phong cho biết: "Lào Cai đang ấp ủ triển khai một hội thảo rất lớn về liên kết phát triển giữa cả tỉnh Vân Nam, Châu Hồng Hà và các tỉnh dọc sông Hồng không riêng các tỉnh miền núi phía Bắc mà cả các địa phương ở vùng đồng bằng sông Hồng để bổ trợ cho Đề án mà Lào Cai đang làm, các bộ ngành đã và đang thẩm định, đó chính là Đề án xây dựng Lào Cai trở thành cực tăng trưởng theo Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị."
Dẫn đầu đoàn Đoàn công tác Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng làm việc với Lào Cai hồi tháng 8 vừa qua, ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh bày tỏ ủng hộ Lào Cai trong nỗ lực chung tay xây dựng "Vành đai con đường". Đồng thời, đề nghị Lào Cai tiếp tục mở rộng tư duy, đẩy nhanh thực hiện các mục tiêu, không để đánh mất cơ hội.
Ông Nguyễn Xuân Thắng chia sẻ: "Tôi rất kì vọng Lào Cai sẽ nắm được vai trò này, kết nối quốc gia, khu vực, trên tinh thần là một tỉnh nhưng chúng ta vẫn có thể kết nối với cấp châu, và tận dụng tất cả các cấp độ quan hệ đối tác để phát triển Lào Cai đóng góp vào sự nghiệp chung. Mục tiêu cuối cùng của chúng ta vẫn là vì hạnh phúc của nhân dân."
Trong chuyến thăm, làm việc tại Lào Cai hồi đầu năm 2024 khi còn là Bộ trưởng Bộ Công an, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết phía Trung Quốc đã đi trước về xây dựng cửa khẩu thông minh và hạ tầng đường bộ cao tốc, đường sắt khổ tiêu chuẩn kết nối với cửa khẩu, nhiệm vụ của Lào Cai là phải đồng bộ với phía bạn mới có thể tăng cường hợp tác hiệu quả. Đặc biệt đối với dự án đường sắt, cần thiết phải trở thành dự án kiểu mẫu để xứng tầm vai trò của một cực tăng trưởng.
Tổng Bí thư Tô Lâm nói: "Phải chuẩn quốc tế, nếu không sẽ rất trục trặc, lại phải đổi tàu, tăng bo các thứ, mà đi phải chuẩn quốc tế, không cần phải cao tốc, tốc độ cao từ 150 – 200 km/h là được rồi, Hà Nội – Lào Cai 300 km đi 1,5 tiếng, vừa hàng hóa, vừa khách, tiết kiệm thời gian, tiền bạc, lại an toàn. Còn đối với khu thương mại tự do chúng tôi rất ủng hộ, bây giờ hạ tầng như thế rồi thì cửa khẩu phải mở."
Tại các chuyến thăm, làm việc của lãnh đạo cấp cao Việt Nam – Trung Quốc thời gian gần đây, địa phương cửa ngõ Lào Cai luôn nằm trong danh sách được chú trọng, cơ hội mới liên tiếp mở ra.
Sau Covid-19, kinh tế cửa khẩu đang phục hồi mạnh mẽ, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua Lào Cai 10 tháng năm 2024 vượt trên 2,5 tỷ USD, trong đó riêng xuất khẩu đạt 1,67 tỷ USD, tăng 122% so với cùng kỳ năm trước; thu ngân sách từ đầu năm đạt xấp xỉ 700 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao. Lào Cai hiện cũng đang có 240 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 37.000 tỷ đồng đầu tư vào khu kinh tế cửa khẩu, hứa hẹn một tương lai tươi sáng.
Có thể thấy, sau gần 40 năm đổi mới, 33 năm tái lập, từ một vành đai trắng, một tỉnh biên giới nghèo nàn, Lào Cai đang dần hội tụ các điều kiện để trở thành cửa ngõ lớn – cửa ngõ kết nối với tương lai trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước.
Từ khóa: Lào Cai, Lào Cai,Cửa ngõ,kỷ nguyên mới,ASEAN,vùng Tây Nam,Trung Quốc,hải quan
Thể loại: Nội chính
Tác giả: an kiên/vov-tây bắc
Nguồn tin: VOVVN