Cụ ông làm kinh tế thời Covid

Cập nhật: 17/08/2021

[VOV2] - Ở xã Nà Tấu (tỉnh Điện Biên), ông Lò Văn Nọi là người tiên phong mang một số giống cây về trồng thử nghiệm và triển khai mô hình kinh tế. Khi thành công, ông chia sẻ kinh nghiệm để bà con trong bản cùng phát triển, giúp nhau xóa đói giảm nghèo

Ông Lò Văn Nọi năm nay 76 tuổi, ở xã Nà Tấu, TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ với Đảng và Nhà nước với cương vị Bí Thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã, ông nghỉ chế độ tại địa phương.

Thấy hoàn cảnh gia đình mình cùng làng bản còn nghèo, gặp nhiều khó khăn, ông suy nghĩ nếu chỉ làm nông nghiệp thuần nông thôi, ruộng ít đời sống của gia đình và bà con nông dân vẫn nghèo hoặc chỉ đủ ăn thôi chứ không thể dư giả.

Ông bàn với gia đình muốn xóa được đói, giảm được nghèo phải chuyển đổi cách làm ăn, trồng thêm cây ăn quả và hoa màu. Được gia đình con cháu ủng hộ, ông tìm hiểu kinh nghiệm trên báo và quyết định xuống tỉnh Sơn La tìm mua giống Mận ngọt về trồng cùng với cam, quýt, đào; đồng thời khai phá thêm đất bỏ hoang trồng dong riềng.

Những năm đầu thử nghiệm cho kết quả tốt, mận sai trĩu quả lại rất ngọt, ông tự ươm giống và mở rộng diện tích trồng khoảng 2ha, rồi vận động bà con cùng làm theo mình, đến nay nhà nào cũng trồng mận, nhà nhiều có đến 200 gốc, nhà ít cũng có khoảng 20 gốc, toàn xã có khoảng từ 7-8 ha mận. Vài năm trước, mỗi năm ông Nọi thu hoạch từ mận, chanh, cam, quýt, đào… được hơn 200 triệu đồng trở lên; thu hoạch từ dong riềng cũng được hơn 100 triệu đồng.

Tuy nhiên, hai năm nay, từ khi có dịch Covid-19 xâm nhập, đặc biệt ba tháng gần đây, phải thực hiện giãn cách xã hội, mận chín rụng đầy gốc không bán được. Các tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ thành phố kêu gọi các hội viên giải cứu và đưa ra thị trường bán giúp nhưng được không đáng là bao…

Không chịu nghèo đói “thua keo này bày keo khác”, ông Nọi và các thành viên trong gia đình chuyển sang mô hình kinh tế tổng hợp. Đó là kết hợp “vườn - ao - chuồng”, nuôi ong mật với dịch vụ bách hóa tổng hợp. Ao khoảng 100m2, thả các loại cá đủ để cải thiện bữa ăn gia đình; gà, vịt vài chục con, 2 con lợn nái mỗi năm cho xuất chuồng hai lứa, mỗi lứa chục con, ong mật 50 tổ, mỗi năm thu khoảng 3 tạ mật… Thu hoạch từ chăn nuôi, tăng gia cũng được trên trăm triệu đồng một năm. Từ các nguồn lực đó gia đình ông tích lũy làm ngôi nhà sàn gỗ 5 gian khang trang sạch đẹp, mua ô tô làm phương tiện đi lại và trung chuyển hàng hóa.

Do đó, mặc dù phải giãn cách xã hội nhưng đời sống của gia đình và con cháu vẫn bảo đảm tự cung, tự cấp đầy đủ các nhu cầu thiết yếu. Ngoài ra, ông còn giúp bà con hàng xóm những lúc khó khăn, ổn định cuộc sống.

Tuổi cao nhưng ông vẫn khỏe mạnh, là trụ cột của gia đình. Mới đây, khi được nhận Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, ông tự nhủ phải luôn là tấm gương sáng cho các thế hệ con cháu noi theo.

Dịch bệnh Covid-19 không làm ông nản lòng, thường xuyên nhắc nhở con cháu phải thực hiện khuyến cáo 5k của Bộ Y tế về phòng chống dịch, vừa tích cực làm kinh tế gia đình để không bị nghèo đói, vừa hướng dẫn chỉ bảo con cháu làm theo nên con ông đều đã trưởng thành tham gia công tác xã hội.

Ở xã Nà Tấu, nhiều người biết ơn ông vì đã tiên phong mang giống mới về trồng thử nghiệm, đồng thời khi thành công lại cung cấp cây giống cho bà con trong bản. Nhiều gia đình học tập, làm theo mô hình của ông hiện đã thoát được nghèo, thậm chí trở thành hộ khá giả, không phải trông chờ vào sự hỗ trợ từ các chính sách của Nhà nước.

                                Nguồn: ngaymoionline.com.vn

Từ khóa: người cao tuổi làm kinh tế, tuổi cao, gương sáng, xã Nà Tấu, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, mô hình vườn ao chuồng

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOV2

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập