Cụ bà 88 tuổi mắc Covid-19 đã được điều trị khỏi

Cập nhật: 05/05/2020

VOV.VN - BN 161-cụ bà 88 tuổi ở Hưng Yên, là trong những ca mắc Covid-19 nặng. Hiện, bệnh nhân đã được điều trị khỏi và đang tập phục hồi chức năng.

Sáng 5/5, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội) công bố điều trị khỏi 11 bệnh nhân mắc Covid-19. Bên cạnh 2 ca tái dương tính được công bố khỏi bệnh “lần 2”, cụ bà 88 tuổi (BN 161) tại Hưng Yên cũng là trường hợp bệnh nhân nhận được nhiều sự quan tâm khi là 1 trong 5 bệnh nhân nguy kịch phải thở máy xâm nhập điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực.

Bệnh nhân đã có 5 lần xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Hiện tại, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc được, dấu hiệu sinh tồn ổn định, bệnh nhân ăn uống được, đang tiếp tục được tập phục hồi chức năng.

cu ba 88 tuoi mac covid-19 da duoc dieu tri khoi hinh 1
BN 161 được công bố điều trị khỏi Covid-19 và đang tập phục hồi chức năng. (Ảnh do BV cung cấp)

BN 161 có tiền sử chảy máu não thất, tăng huyết áp, điều trị tại khoa Thần kinh, BV Bạch Mai và được chuyển sang BV Bệnh nhiệt đới Trung ương hôm 25/3.

Đến ngày 28/3, bệnh nhân có xu hướng tổn thương phổi tăng hơn. Tới ngày 2/4, bệnh nhân phải thở oxy, sau đó mở nội khí quản và chuyển lên khoa Hồi sức tích cực và được chỉ định thở máy.

Tại buổi công bố điều trị khỏi, PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Chuyên gia cao cấp, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, tất cả các trường hợp bệnh nhân nặng sau 10 ngày vào viện đã có xét nghiệm âm tính liên tục cho đến nay và không có dương tính trở lại.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Kính, về mặt lâm sàng, thời gian ủ bệnh của các bệnh nhân điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới TƯ là từ 8-10 ngày. Khi vào viện, bệnh nhân chưa diễn biến nặng ngay và có khoảng 45% bệnh nhân không có triệu chứng lâm sàng.

“Thông thường, các bệnh nhân có diễn biến nặng và tổn thương ở phổi sau đó khoảng 1 tuần. Đây là điểm rất khác với SARS, khi bệnh nhân vào điều trị là viêm phổi nặng nề ngay. Theo dõi về mặt lâm sàng, chúng tôi phát hiện tổn thương ở của các bệnh nhân rất khác với SARS và MERS CoV hay virus cúm. Tổn thương do SARS-CoV-2 bắt đầu ở rìa phổi, ở ngoại biên đáy phổi trước, sau đó lan dần vào trung tâm. Do vậy, thời kỳ đầu bệnh nhân không có dấu hiệu rõ ràng của suy hô hấp. Nhưng sau đó rất nhanh, từ những tổn thương nốt kính mờ tập hợp thành nhiều nốt, tập hợp thành thùy, thậm chí nặng hơn làm cho bệnh nhân suy hô hấp”, PGS.TS Nguyễn Văn Kính nói.

PGS.TS Nguyễn Văn Kính cho biết thêm, khi bệnh nhân bị nặng với tổn thương suy hô hấp rõ ràng, việc điều trị phải tiến hành theo cá thể hóa, không phải điều trị Covid-19 giống nhau cho tất cả các ca bệnh.

Trong số các ca mắc Covid-19 điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, có 8 trường hợp phải thở oxy, thở máy xâm nhập hoặc không xâm nhập. Những trường hợp này, bên cạnh rối loạn về hô hấp, bệnh nhân phần nhiều có rối loạn đông máu…

Thông tin về trường hợp BN 19 (bác của BN 17), PGS.TS Nguyễn Văn Kính cho biết, đây là ca cực kỳ nặng đã phải chạy ECMO 17 ngày, sau đó khi ngừng ECMO bệnh nhân lại ngừng tim. BN 19 là trường hợp điều trị Covid-19 lâu nhất tại Việt Nam. Đã có nhiều thời điểm, bệnh nhân này được tiên lượng rất nặng, khó qua khỏi nhưng cuối cùng vẫn hồi phục và có tiến triển ngoạn mục.

“Bệnh nhân đã được cấp cứu kịp thời và thoát được lưỡi hái tử thần. Bệnh nhân hiện đã rút ống thở, tự thở, tự ăn… Thậm chí một vài ngày tới bệnh nhân có thể được công bố khỏi bệnh”, PGS.TS Nguyễn Văn Kính cho biết thông tin khả quan./.

Từ khóa: BN 161, BN 19, bác gái của BN 17, BN 19 chạy ECMO, điều trị khỏi ca bệnh nặng 161

Thể loại: Tin tức sự kiện

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập