CPI tháng 3 giảm 0,21% do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi
Cập nhật: 25/09/2019
Quảng Nam: Triển vọng mới từ phát triển kinh tế biển
“Cao su Việt Nam, sợi dây kết nối kinh tế và tình người” trên nước bạn Campuchia
Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng tháng 3/2019 giảm 0,21% so với tháng trước và là mức giảm thấp nhất trong 3 năm gần đây.
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2019 giảm 0,21% so với tháng trước và tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 7/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm.
Cụ thể, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm nhiều nhất với 1,42% (lương thực giảm 0,55%; thực phẩm giảm 1,97%) đã làm chỉ số giá tiêu dùng chung giảm 0,51%, nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng sau Tết giảm và ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi.
CPI tháng 3 giảm 0,21% do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi. |
Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,17%; văn hóa giải trí và du lịch giảm 0,09%; đồ uống và thuốc lá giảm 0,08%; bưu chính viễn thông giảm 0,07%; hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,04%; thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,03%.
Các nhóm hàng hóa và dịch vụ khác có chỉ số giá tăng gồm: giao thông tăng 2,22% do tác động của điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào thời điểm ngày 2/3/2019 (tác động làm CPI tăng 0,23%); nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,78% chủ yếu do giá gas trong tháng tăng 4,88%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,03%; giáo dục tăng 0,01%.
CPI bình quân quý I tăng thấp nhất trong 3 năm
CPI bình quân quý I/2019 tăng 2,63% so với bình quân cùng kỳ năm 2018, đây là mức tăng bình quân quý I thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. CPI tháng 3/2019 tăng 0,69% so với tháng 12/2018 và tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2018.
Lý giải nguyên nhân làm CPI quý 1/2019 tăng, bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê cho biết, tháng 1 và tháng 2 là tháng Tết, nhu cầu mua sắm tăng cao, giá các mặt hàng lương thực tăng 1,15% so với cùng kỳ năm trước góp phần làm cho CPI tăng 0,05%.
Bên cạnh đó, giá các mặt hàng thực phẩm quý 1 tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước góp phần làm cho CPI tăng 1,49% do giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán như thịt lợn, thịt bò, hải sản tươi sống với mức tăng từ 1% đến 5%.
Giá thịt lợn tăng chủ yếu trong tháng 1 và tháng 2/2019, đến tháng 3/2019 giảm do nhu cầu tiêu dùng giảm sau Tết và bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn Châu Phi. Bình quân quý 1/2019, giá thịt lợn tăng 0,67% so với tháng 12/2018 và tăng 23,17% so với cùng kỳ năm trước làm cho CPI chung tăng 0,97% so với cùng kỳ năm trước.
Giá các mặt hàng đồ uống, thuốc lá và các loại quần áo may sẵn tăng cao trong dịp Tết do nhu cầu tăng, quý 1/2019 chỉ số giá các nhóm này lần lượt tăng 1,71% và 1,7% so với cùng kỳ năm 2018.
Giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 3,75% so với cùng kỳ năm trước do một số đơn vị vận tải hành khách kê khai tăng giá chiều đông khách.
Bên cạnh đó, giá các mặt hàng thiết yếu trên thế giới có xu hướng tăng trở lại như giá nhiên liệu, chất đốt, sắt thép,… nên quý I năm 2019 so với cùng kỳ chỉ số giá nhập khẩu tăng 1,06%, chỉ số giá sản xuất công nghiệp tăng 1,45%; chỉ số giá sản xuất nông nghiệp tăng 3,6%; chỉ số giá xuất khẩu tăng 2,88%.
Lạm phát cơ bản tháng 3/2019 giảm 0,06% so với tháng trước và tăng 1,84% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân quý I/2019 tăng 1,83% so với bình quân cùng kỳ năm trước.
“Trong quý I/2019, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản. Điều này phản ánh biến động giá chủ yếu do việc tăng giá lương thực, thực phẩm. Lạm phát cơ bản quý I/2019 so với cùng kỳ ở mức 1,84% phản ánh chính sách tiền tệ vẫn đang điều hành ổn định”, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định.
Áp lực lạm phát trong những tháng cuối năm
Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, vẫn có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới CPI trong những tháng tới như: giá điện tăng 8,36% vào ngày 20/3, giá xăng dầu thế giới đang có xu hướng tăng, tiền lương cơ sở tăng từ 1/7… Do đó, bà Đỗ Thị Ngọc khuyến cáo, trước mắt, trong quý 2 không nên điều chỉnh bất cứ mặt hàng nào do Nhà nước quản lý để mặt bằng giá quý 2 năm nay thấp hơn quý 2 năm ngoái thì CPI sẽ được kiểm soát và tạo cơ hội để hoàn thành mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%.
Đối với dịch vụ y tế, nên điều chỉnh tiền lương trước vào tháng 8 và gần cuối năm sẽ xem xét dư địa để điều chỉnh chi phí quản lý dựa vào thực tế.
Đối với mặt hàng xăng dầu, đề nghị Bộ Công thương và Bộ Tài chính phối hợp điều hành, sử dụng quỹ bình ổn giá linh hoat để hạn chế tác động lên CPI.
“Đối với giá thịt lợn, chúng tôi khuyến nghị cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền để người dân không quay lưng với thịt lợn do hiện tại nhiều tỉnh không bị dịch nhưng người dân cũng không mua thịt lợn, để tránh cầu thấp làm cung thấp và giá thấp theo. Bên cạnh đó, có kế hoạch tái đàn lợn hợp lý, để tránh cung thiếu dẫn đến giá tăng trong thời gian tới”, bà Đỗ Thị Ngọc nói.
Theo đại diện Tổng cục Thống kê, việc giá điện tăng khá cao từ ngày 20/3 vừa qua lại không ảnh hưởng đến CPI quý I năm nay, do chu kỳ lấy số tính CPI của Tổng cục Thống kê kéo dài từ ngày 16 tháng liền trước cho tới ngày 15 tháng công bố. Việc tăng giá điện sẽ tác động vào CPI các tháng tới.
“Tăng giá điện sẽ tác động trực tiếp đến chi phí đầu vào của doanh nghiệp, do đó, doanh nghiệp cần có kế hoạch sản xuất tiết kiệm, sản xuất vào thời điểm thấp điểm hoặc sử dụng ánh sáng tự nhiên, biện pháp tiết kiệm điện hợp lý để giảm thiểu chi phí đầu vào của doanh nghiệp”, bà Đỗ Thị Ngọc khuyến cáo./.
Từ khóa: CPI, CPI quý 1 2019, chỉ số giá tiêu dùng, lạm phát cơ bản, kiểm soát lạm phát,
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN