Covid-19 làm thay đổi cách quản lý tài chính của người tiêu dùng

Cập nhật: 05/11/2020

VOV.VN - Lối sống và cách quản lý tài chính của người tiêu dùng đã có nhiều thay đổi sau dịch Covid-19 khi họ tăng ý thức phòng bị cho tương lai.

Tại Diễn đàn “Đẩy mạnh chiến lược thị trường sản phẩm cho các doanh nghiệp Việt Nam thập kỷ 2020 – 2030” do Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức ngày 5/11, bà Nguyễn Thị Bích Chung, Phó giám đốc nghiên cứu định tính - Công ty nghiên cứu thị trường Kantar cho biết, thời điểm hậu Covid-19 đang có ảnh hưởng lớn đến xu hướng tiêu dùng của khách hàng. Lối sống và cách quản lý tài chính của người tiêu dùng (NTD) cũng đã có nhiều thay đổi khi họ tăng ý thức phòng bị cho tương lai.

Theo khảo sát của Kantar, ảnh hưởng của dịch Covid-19, NTD đã bắt đầu quan tâm đến những rủi ro dịch bệnh không được báo trước, họ có tâm thế và sử dụng tài chính nhiều hơn cho việc mua các gói bảo hiểm nhân thọ.

Đặc biệt, NTD có nhiều thời gian để sống và làm việc trên môi trường mạng và họ đăng kí thêm nhiều kênh giải trí, tìm hiểu chợ online để tìm kiếm các sản phẩm, dịch vụ phục vụ cho đời sống, bảo vệ sức khỏe và bảo vệ môi trường. “Có đến 30% NTD đã mua bảo hiểm qua hình thức trực tuyến là sự gia tăng mới của nhu cầu khách hàng. Các DN cần thấy đây là cơ hội để cung cấp những trải nghiệm trên môi trường internet xuất sắc hơn các đối thủ khác”, bà Nguyễn Thị Bích Chung chỉ rõ.

Đại diện Kantar cũng cho hay, qua dịch Covid-19, nhu cầu và hành vi của NTD cũng có nhiều thay đổi và hướng đến lối sống bền ổn, có lợi cho sức khỏe nên họ sẵn sàng ưu tiên chi tiêu cho những mặt hàng thiết yếu, nhanh và an toàn cho sức khỏe. Cụ thể, có đến  57% NTD cho rằng, sẽ ngừng mua các sản phẩm, dịch vụ ảnh hưởng đến môi trường và xã hội; 23% NTD ưu tiên mua các loại thức ăn từ hạt; 20% NTD cho biết, sẵn sàng chi tiền cho các sản phẩm hữu ích cho sức khỏe và mội trường như sữa tăng sức đề kháng, bàn chải bảo vệ môi trường.

“NTD chi tiêu nhiều tiền hơn cho các ngành hàng thiết yếu Thị trường cũng hình thành nên các dịch vụ mới như ăn vặt, làm đẹp thẩm mỹ… NTD căn cơ tiền trong chi tiêu sinh hoạt và dùng nhiều tiền cho các nhu cầu cấp thiết. Đây là sự thay đổi xu hướng tiêu dùng rất rõ rệt và NTD hiện nay đang kì vọng vào các DN sẽ đưa ra các giải pháp có lợi cho sức khỏe”, bà Nguyễn Thị Bích Chung nhấn mạnh.

Phân tích tâm lý NTD, bà Chung chỉ ra 2 hình thái tâm lý khác biệt giữa NTD miền Bắc và miền Nam. Tâm lý NTD ở miền Bắc thường hoang mang, lo lắng về tài chính, thu nhập và nỗ lực chăm sóc tốt cho gia đình. NTD miền Nam có tâm lý tích cực hơn nên họ tự tạo ra lối sống mới, biến khó khăn thành những hành động tích cực như hoạt động thể chất.

“Nắm bắt tâm lý này để các DN có các giải pháp, sản phẩm đặc thù chăm sóc sức khỏe và môi trường để thuyết phục NTD. Dù vậy, những sản phẩm hiện nay cần phải mang tính giá trị, đáng đồng tiền và đây là tiêu chí quan trọng để thuyết phục được NTD từ chỗ để ý, quan tâm, tìm hiểu và đi đến quyết định mua sắm. Đặc biệt, với NTD miền Bắc họ thận trọng nhưng khi đã tin tưởng sẽ rất khó thay đổi”, bà Chung định hướng.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Chung, NTD miền Bắc thực tế, nhạy cảm và có lý trí trong cách tiếp cận sản phẩm, họ luôn lựa chọn sản phẩm dịch vụ kĩ lưỡng và quan tâm đến những con số. Từ lúc nhận diện sản phẩm, dịch vụ đến thói quen sử dụng thương hiệu, NTD miền Bắc thường có tính cẩn trọng.

Trong khi NTD miền Nam đơn giản hơn, họ cởi mở và dễ dàng thích ứng, sẵn lòng thử điều mới, giá trị mới họ tận hưởng những gì trước mắt, thực dụng hưởng thụ theo từng ngày. NTD miền Bắc thường quyết định sản phẩm, dịch vụ trong dài hạn trong khi NTD miền Nam quan tâm việc mua sắm, sử dụng sản phẩm theo sở thích.

“NTD miền Bắc họ trung thành với những thương hiệu họ yêu thích. Khi NTD có lòng tin và tạo được thói quen tiêu dùng sản phẩm họ sẽ không muốn thay đổi, chính vì thế những thương hiệu mới sẽ ít có cơ hội tiếp cận hơn ở thị trường miền Bắc. Do đó, các DN cần có chiến lược định hướng chiến lược kinh doanh khác nhau tại hai thị trường này. Nhiều thượng hiệu đã thành công khi biết lấy uy tín người tiêu dùng miền Bắc, trong khi vẫn đề cao văn hóa của NTD từng khu vực để tạo ra các sản phẩm mang tính đặc trưng”.

Để làm tốt cả ở hai thị trường các DN cần đề cao sự khác, theo bà Chung, cần đề cao sự khác biệt về vai trò lợi ích, tính năng giữa vùng miền (Nam - Bắc). Cùng với đó kết hợp các giải pháp công nghệ cũng như xây dựng sự tin tưởng, trung thành cho riêng NTD Hà Nội và truyền cảm hứng, tạo sự thích thú đối với NTD TP HCM, trong đó lưu ý đến sự khác biệt trong các hình thái/dạng/ cách thực hiện quảng cáo ở 2 vùng miền.

Tại diễn đàn, nhiều diễn giả nhận định, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã làm đứt gãy một số chuỗi cung ứng về cung ứng nguyên liệu đầu vào và tiêu thụ đầu ra sản phẩm của doanh nghiệp, gây ra tổn thất nặng nề, có thể kéo đến cuộc khủng hoảng kinh tế trên phạm vi toàn cầu.

Chính vì vậy, Diễn đàn “Đẩy mạnh chiến lược thị trường sản phẩm cho các doanh nghiệp Việt Nam thập kỷ 2020 – 2030” được tổ chức nhằm đưa ra những giải pháp phát triển bền vững cho các ngành hàng tại Việt Nam, phát huy năng lực cạnh tranh và vị thế của doanh nghiệp, hoạch định những chiến lược phát triển thị trường và sản phẩm trong thời kỳ kinh tế khó khăn./.

Từ khóa: tìm hiểu thị trường, xu hướng tiêu dùng, tâm lý khách hàng, sở thích mua sắm, làm thương hiệu

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập