Covid-19 khiến Australia đối mặt với nguy cơ suy thoái kinh tế
Cập nhật: 12/03/2020
VOV.VN - Chỉ số thể hiện “sức khỏe” của nền kinh tế Australia đã phản ánh rõ nét mức độ ảnh hưởng của Covid-19 tới nền kinh tế nước này.
Covid-19 gây thiệt hại "khủng"
Trong những ngày qua, nhiều lần Thủ tướng Australia Scott Morrison nhận định, Covid-19 tuy là cuộc khủng hoảng y tế song thiệt hại mà nó gây ra đối với nền kinh tế nước này có thể lớn hơn cả cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Nếu cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 là sự sụp đổ từ bên trong các định chế tài chính thì Covid-19 lại tác động từ những người lao động, từ việc nhập khẩu nguyên liệu tới quá trình sản xuất và xuất khẩu hàng hóa. Vì vậy, mức độ ảnh hưởng của Covid-19 rộng hơn và tác động tới hầu hết mọi tầng lớp, mọi đối tượng.
Covid-19 khiến Australia đối mặt với nguy cơ suy thoái kinh tế. (Ảnh minh họa: KT) |
Phó Giáo sư Caroline Fisher thuộc trường Đại học Quốc gia Australia (ANU) nhận định, Covid-19 đang buộc các quốc gia cùng lúc đối mặt với 2 mặt trận: một là sức khỏe, hai là kinh tế.
Bà Caroline Fisher khẳng định, nếu như khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 khiến các doanh nghiệp không có vốn thì trong dịch Covid-19, cho dù có ngân sách song doanh nghiệp cũng không thể dễ dàng hoạt động vì nguồn cung nhiên liệu từ Trung Quốc bị gián đoạn.
Quy mô lớn hơn nên tác động cũng nhiều hơn dịch SARS
Nếu so với đại dịch SARS cũng xuất phát từ Trung Quốc vào năm 2002 và sau đó lan rộng ra 37 quốc gia trên thế giới, Covid-19 có tốc độ lây lan nhanh hơn và số người thiệt mạng cũng nhiều hơn.
Theo số liệu thống kê, tỷ lệ người thiệt mạng do SARS là khoảng 9,6%, song con số tạm tính cho đến lúc này đối với Covid-19 đạt khoảng 3,5%. Mặc dù tỷ lệ người thiệt mạng không cao song số người chết do Covid-19 chỉ trong khoảng 2 tháng dịch bệnh bùng phát đã cao hơn tổng số người chết do dịch SARS trong suốt 2 năm.
Với hơn 110.000 ca bệnh và dịch xuất hiện tại hơn 100 quốc gia trên thế giới sau 2 tháng bùng phát, Covid-19 cũng đã đánh bại SARS về phạm vi và tốc độ lây lan. Do vậy, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều bị ảnh hưởng, tuy mức độ tác động khác nhau phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh tại nước đó cũng như sự gắn kết của nền kinh tế đó với Trung Quốc.
Tất nhiên, với Trung Quốc, nơi khởi nguồn của dịch bệnh, Covid-19 tác động vô cùng mạnh tới nền kinh tế nước này. So với năm 2002 - 2003, quy mô nền kinh tế Trung Quốc giờ đã lớn hơn rất nhiều, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, chiếm 16% GDP toàn cầu, gấp gần 4 lần so với giai đoạn dịch SARS. Giờ đây, Trung Quốc còn là mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất toàn cầu. Vì vậy khi kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng thì tất yếu sẽ gây ra phản ứng dây chuyền tới các nền kinh tế khác. Trong đó, Australia được đánh giá là có sự gắn kết chặt chẽ với nền kinh tế Trung Quốc nên tất yếu sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ.
Thực tế những gì đã diễn ra suốt từ tháng 2 đến nay đã cho thấy, tuyên bố của Thủ tướng Scott Morrison không chỉ là sự cảnh báo mà phản ánh những tình trạng hiện nay tại Australia.
Du lịch chịu ảnh hưởng rõ nhất
Nếu như trước kia, đầu năm là thời gian các điểm du lịch nổi tiếng tại Australia như Sydney Opera House, Blue Mountain hay Great Ocean Road luôn nhộn nhịp khách du lịch thì kể từ khi dịch bệnh bùng phát và đặc biệt là sau khi có lệnh cấm nhập cảnh đối với người từng tới Trung Quốc trong 14 ngày trước khi đến Australia thì các khu du lịch bắt đầu vô cùng vắng vẻ.
Theo thống kê của Cơ quan du lịch Australia, Trung Quốc là thị trường lớn nhất của ngành du lịch nước này khi mỗi năm thu hút khoảng 1,5 triệu lượt người tới thăm. Không chỉ mua các tour du lịch, mỗi năm, khách Trung Quốc cũng chi tới 12 tỷ AUD để mua sắm tại Australia. Vì vậy, khi không có nguồn khách này, không chỉ ngành du lịch Australia mà cả khách sạn, nhà hàng, hàng không, các cửa hàng bán lẻ....đều bị giảm doanh thu mạnh.
Hãng hàng không lớn nhất Australia Qantas cũng vừa tuyên bố phải cắt giảm 23% các chuyến bay, đồng thời cắt giảm 30% lương của hội ngũ quản lý cấp cao trong khi 2 lãnh đạo cao nhất của hãng này là Giám đốc điều hành Alan Joyce và Chủ tịch tập đoàn Richard Goyder sẽ không nhận 3 tháng lương cuối cùng của năm nay. Trong khi đó, để tránh phải buộc 2000 nhân viên thôi việc, Qantas cũng đã đề nghị nhân viên nghỉ phép và nghỉ không ăn lương nhằm chia sẻ khó khăn với hãng.
Giáo dục là ngành bị thiệt hại nặng nề
Giáo dục đại học cũng là lĩnh vực đang gặp nhiều khó khăn từ khi Covid-19 hoành hành do sinh viên Trung Quốc chiếm 38% tổng số sinh viên quốc tế đang theo học tại Australia. Lệnh cấm nhập cảnh đối với những người từng đến Trung Quốc khiến cho khoảng 100.000 sinh viên Trung Quốc không thể tới Australia đúng thời gian bắt đầu năm học mới.
Tuy nhiên, sau đó Australia đã nới lỏng lệnh cấm đối với các học sinh lớp 11 và lớp 12, đồng thời một số sinh viên Trung Quốc đã đi qua nước thứ 3 rồi tới Australia học tập. Cho đến lúc này, có khoảng 65.000 sinh viên nước ngoài vẫn chưa nhập học tại Australia khiến cho các trường học tại nước này có thể giảm 1,2 tỷ AUD nguồn thu từ học phí.
Không chỉ còn là những thiệt hại ước tính, ngày 11/3, trường Đại học Tasmania đã phải tuyên bố loại bỏ 75% khóa học ra khỏi chương trình của năm học tới nhằm đối phó với việc sụt giảm sinh viên nước ngoài.
Sinh viên nước ngoài, trong đó có sinh viên Trung Quốc không chỉ đóng góp khoản tiền lớn cho các trường đại học Australia thông qua học phí mà họ còn sử dụng các dịch vụ phục vụ cho học sinh trong thời gian học tại đây như nhà ở, cửa hàng bán lẻ, các dịch vụ phục vụ cho việc học tập... Điều này đồng nghĩa với việc khi sinh viên nước ngoài giảm xuống, các ngành dịch vụ ăn theo điều bị ảnh hưởng. Chỉ tính riêng tại bang New South Wales, Covid-19 có thể làm cho GDP của bang này giảm từ 1,4 tỷ AUD cho đến 2,2 tỷ AUD nguồn thu từ các sinh viên quốc tế.
Xuất khẩu sang Trung Quốc bị đình trệ
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Australia khi chiếm tới 30% lượng hàng hóa bán ra nước ngoài của nước này. Vì vậy, khi dịch Covid-19 lan rộng, nhu cầu mua hàng hóa của Australia tại Trung Quốc giảm mạnh.
Theo ABARES, cơ quan dự báo các vấn đề liên quan đến nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp, Nguồn nước và Môi trường Australia nhận định, ngành thủy sản của nước này có thể thiệt hại 389 triệu AUD. Các mặt hàng tiêu dùng như thịt bò, thịt cừu, sữa mà Trung Quốc thường nhập khẩu số lượng lớn từ Australia cũng bị sụt giảm mạnh.
Ông Ben Jarman, nhà kinh tế cấp cao của công ty tài chính JP Morgan nhận định, cầu tiêu dùng giảm cùng với việc sản xuất ngưng trệ tại Trung Quốc do việc kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ khiến cho việc xuất khẩu khí gas hóa lỏng và nhiên liệu thô như quặng sắt và các sản phẩm từ khai thác mỏ sang Trung Quốc đều bị giảm. Quặng sắt là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Australia sang Trung Quốc với giá trị xuất khẩu đạt 60 tỷ AUD mỗi năm. Vì thế khi giá và lượng hàng xuất khẩu sụt giảm sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu của Australia.
Theo ước tính của Ngân hàng Dự trữ và Bộ Ngân khố Australia, dịch Covid-19 có thể sẽ làm tốc độ tăng trưởng GDP trong quý I của nước này giảm 0,5%. Tỷ lệ thất nghiệp tại Australia cũng được cho là sẽ tăng cao hơn mức 5,3% của tháng 1/2020 do nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Tình hình thực tế cùng với những yếu tố này khiến cho lòng tin của người tiêu dùng Australia giảm mạnh và bắt đầu giảm chi tiêu.
Trong bối cảnh này, Danielle Wood, Giám đốc Chương trình cải cách chính sách và ngân sách thuộc Viện Grattan nhận định, nguy cơ suy thoái đối với nền kinh tế Australia là khá rõ ràng. Vấn đề hiện nay chưa rõ là sẽ suy thoái ở mức độ nào mà thôi./.
Tổng thống Trump ra sức trấn an dư luận trước mối lo suy thoái kinh tế
Từ khóa: suy thoái kinh tế, dịch Covid-19, khủng hoảng tài chính toàn cầu, thiệt hại do Covid-19, Australia
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN