COVID-19 có thể gây tổn thương phổi lâu dài

Cập nhật: 18/03/2022

VOV.VN - Theo một nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Radiology ngày 15/3, nhiều người trong số những bệnh nhân gặp các vấn đề về hô hấp kéo dài hàng tháng hậu COVID-19 có thể xuất hiện những bất thường ở tiểu phế quản phổi.

Nghiên cứu bao gồm nhiều bệnh nhân COVID-19 chưa rõ về nguy cơ cao mắc các vấn đề hô hấp kéo dài. Trong 100 bệnh nhân mắc COVID-19, có 67% không nhập viện. Chỉ một số người có tiền sử bệnh phổi, bao gồm cả hen suyễn và khí phế thũng. 3/4 người chưa bao giờ hút thuốc lá và 2% là những người hiện đang hút thuốc. Tất cả đều phải chịu các triệu chứng như khó thở, ho và mệt mỏi trong hơn 30 ngày sau khi được chẩn đoán mắc COVID-19.

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành chụp cắt lớp CT cho từng bệnh nhân. Tại thời điểm đó, một nửa số bệnh nhân đã trải qua 75 ngày sau chẩn đoán nhiễm virus và một số người đã trải qua hơn 6 tháng.

Kết quả, 58% người có dấu hiệu bị tắc nghẽn khí trong phổi, trong đó 57% bệnh nhân đã điều trị COVID-19 tại nhà. Cả bệnh nhân nhập viện và không nhập viện đều có lượng mô phổi bị ảnh hưởng bởi tình trạng tắc nghẽn khí tương tự nhau. Tuy nhiên, khi thực hiện phương pháp đo phế dung, không phát hiện sự khác biệt kết quả giữa họ với nhóm đối chứng gồm 106 người trưởng thành khỏe mạnh.

Tiến sĩ Alejandro Comellas, nhà nghiên cứu cấp cao, thuộc Đại học Y khoa Iowa Carver (Mỹ) cho biết: “Không phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng khi nhiễm virus SARS-CoV-2, đường hô hấp của người bệnh tiếp tục bị ảnh hưởng nhiều tháng sau đó. Họ có dấu hiệu bị “tắc nghẽn khí” trong phổi – tình trạng một người có thể hít vào hoàn toàn mà không gặp vấn đề gì, nhưng không khí bị giữ lại một cách bất thường khi thở ra”.

Được biết, tình trạng “tắc nghẽn khí” này thường xảy ra trong các bệnh như hen suyễn, khí phế thũng và viêm phế quản mạn tính.

Tiến sĩ Cedric Jamie Rutland, nhà nghiên cứu về phổi tại Hiệp hội Phổi Mỹ, người không tham gia vào nghiên cứu này, giải thích, đó thường là một dấu hiệu của tình trạng viêm tiểu phế quản. Ông thường xuyên điều trị cho những bệnh nhân có các triệu chứng hô hấp dai dẳng sau mắc COVID-19. Các loại thuốc làm giảm tình trạng viêm đường hô hấp được sử dụng như prednisone hoặc corticosteroid dạng hít.

Theo Rutland, thời gian hồi phục sau những triệu chứng rối loạn hô hấp đó khác nhau giữa các bệnh nhân. Hiện vẫn chưa rõ liệu bệnh ở phổi có đang tiếp diễn ở một số người hay không.

Tiến sĩ Comellas cũng cho rằng có thể một số bệnh nhân sẽ hồi phục hoàn toàn, trong khi những người khác thì có khả năng sẽ tiến triển thành bệnh mạn tính.

Các nghiên cứu gần đây đã ước tính có tới 30% số người nhiễm SARS -CoV-2 phát triển các triệu chứng kéo dài nhiều tháng sau lần mắc bệnh đầu tiên. Những di chứng đó bao gồm mệt mỏi và đau đầu, các vấn đề về trí nhớ và khả năng tập trung, mất khứu giác và vị giác, và các triệu chứng hô hấp như khó thở và ho mạn tính.

Theo một giả thuyết, ở một số người, nhiễm virus kích hoạt quá mức hệ thống miễn dịch, gây ra phản ứng viêm kéo dài trong cơ thể, song vẫn chưa rõ lý do tại sao chỉ có một số người nhất định phát triển các vấn đề lâu dài, ngay cả sau mắc COVID-19 dạng nhẹ.

Các chuyên gia cho rằng những bệnh nhân COVID-19 gặp các triệu chứng về đường hô hấp kéo dài nên được chụp CT để tìm các bất thường ở tiểu phế quản. “Nếu bạn chỉ làm xét nghiệm đánh giá phổi thông thường, bạn sẽ thấy phổi có vẻ bình thường”, tiến sĩ Comellas nhấn mạnh.

Ông Rutland khuyến khích bất kỳ ai gặp vấn đề về hô hấp hậu COVID-19 nên gặp bác sĩ để được thăm khám kịp thời./.

Từ khóa: tổn thương phổi do covid-19, tổn thương phổi, hậu covid-19, mắc covid-19

Thể loại: Y tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập