Covid-19 càn quét nước Mỹ, nhiều bang xin cứu trợ khẩn cấp
Cập nhật: 24/03/2020
VOV.VN - Đại dịch Covid-19 đang khiến nhiều khu vực ở Mỹ gặp rất nhiều khó khăn, thống đốc một vài bang đã phải lên tiếng xin cứu trợ khẩn cấp.
Thiếu thốn trang thiết bị cơ bản nhất
Theo Reuters, thống đốc và thị trưởng nhiều bang và thành phố tại Mỹ ngày 23/3 đã lên tiếng hối thúc chính quyền liên bang hỗ trợ khẩn cấp trang thiết bị nhằm đối phó với đại dịch Covid-19.
Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio. Ảnh: Reuters |
Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio thúc giục các nhà lập pháp nước này sớm thông qua gói giải cứu kinh tế cũng như hỗ trợ tích cực hơn cho các bang và thành phố chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19. “Tôi kêu gọi các nghị sĩ tại Thượng và Hạ viện Mỹ cần giúp đỡ các thành phố, thị trấn, bang, các bệnh viện công và tư nhân”.
Ông Blasio cũng đã kêu gọi các “Mạnh Thường Quân” ủng hộ các trang thiết bị y tế cần thiết. “Xin mọi người hãy hỗ trợ chúng tôi, chúng tôi chỉ còn đủ thiết bị y tế cho vài ngày tới. Đó là thực tế”, ông de Blasio nói.
Bà Karine Raymond, y tá tại bệnh viện Jack D. Weiler, khu Bronx, New York, cho biết, hầu hết các nhân viên y tế tại thành phố này giờ đã không còn được cấp khẩu trang y tế N95 và ngay cả khẩu trang thông thường giờ cũng rất hiếm. Các y tá còn được khuyến cáo sử dụng khẩu trang càng lâu càng tốt. “Chúng tôi là những người luôn túc trực bên cạnh bệnh nhân và đối mặt với nguy cơ cao lây nhiễm bệnh”, bà Raymond nói.
Việc thiếu thốn các trang thiết bị y tế cần thiết thậm chí đang khiến thống đốc các bang giành giật các khoản hỗ trợ từ chính quyền liên bang. Thống đốc bang New Jersey Phil Murphy chia sẻ trên CNN rằng, cả 3 bang New York, New Jersey và Illinois “đều đang tìm kiếm sự hỗ trợ giống hệt nhau” và đang phải cạnh tranh gay gắt nhằm giành được sự chủ ý của Cơ quan Quản lý Tình trạng Khẩn cấp Liên bang.
Covid-19 đang tác động nghiêm trọng tới đời sống của người dân Mỹ, đã có thêm các bang như Maryland, Indiana, Michigan và Massachusetts áp đặt lệnh hạn chế đi lại vì Covid-19, nâng tổng số bang áp đặt lệnh này lên con số 15. Như vậy có tới gần 50% dân số Mỹ chịu tác động bởi lệnh hạn chế đi lại này.
Tàu bệnh viện Hải quân USNS Mercy được triển khai để hỗ trợ việc điều trị các bệnh nhân mắc Covid-19. Ảnh: Reuters |
Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết, quân đội nước này đang triển khai các bệnh viện dã chiến tại 2 bang New York và Washington – những nơi bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch Covid-19. Lục quân Mỹ cũng đang hỗ trợ chuẩn bị cho việc biến các khách sạn và khu ký túc xá thành những cơ sở y tế để điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19.
Tuy nhiên, quân đội Mỹ cho biết, họ cũng chỉ có thể xử lý một số lượng rất hạn chế người mắc Covid-19 và các cơ sở dã chiến của họ cũng không phù hợp để điều trị những người mắc bệnh nặng và cần điều trị tích cực. Dù vậy, đây vẫn được coi là “sự chi viện cơ bản” nhằm giảm áp lực cho các bệnh viện hiện nay.
Chống dịch hay giải cứu kinh tế?
Trong một động thái được cho là gửi đi “một thông điệp đầy mâu thuẫn” về việc nên ưu tiên chống dịch hay giải cứu nền kinh tế Mỹ trước, giới chức Mỹ cho biết Tổng thống Donald Trump đang cân nhắc “mở cửa trở lại nền kinh tế Mỹ”.
Trước đó, ông Trump từng đưa ra chỉ dẫn rằng, ông muốn dịch Covid-19 phải được kiềm chế trong vòng 15 ngày. Trên tài khoản Twitter cá nhân ngày 22/3, ông Trump viết: “Chúng ta không thể để tình trạng trở nên tồi tệ hơn. Chúng ta sẽ sớm có quyết định về con đường chúng ta muốn hướng tới”.
Một ngày sau, Cố vấn kinh tế cấp cao của Tổng thống Mỹ, ông Larry Kudlow chia sẻ trên Fox News: “Tổng thống nói đúng.., Chúng ta sắp phải có những đánh đổi đầy khó khăn”.
Covid-19 đang gây tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế Mỹ. Ảnh minh họa: Reuters |
Trong khi đó, gói giải cứu kinh tế Mỹ bị ảnh hưởng bới dịch Covid-19 mà ông Trump dày công chuẩn bị và liên tục hối thúc Quốc hội Mỹ thông qua trong nhiều ngày qua giờ đã bị kẹt lại Thượng viện Mỹ khi đảng Dân chủ cho rằng, số tiền dành cho các bệnh viện là quá ít trong khi lại không giới hạn khoản cứu trợ dành cho các doanh nghiệp lớn. Đảng Dân chủ cho rằng, để gói cứu trợ sớm được thông qua, Chính phủ cần chấp nhận “một chút sửa đổi”.
Dù vậy, cả đảng Dân chủ và Cộng hòa đều thừa nhận, họ nhận thức rõ về việc nếu gói kích thích kinh tế này không được thông qua, nó sẽ gây ra những hệ lụy nghiêm trọng đối với các bang và các doanh nghiệp trên toàn nước Mỹ và khiến thị trường chứng khoán Mỹ “tụt dốc không phanh”.
Để ngăn chặn “những kịch bản tồi tệ về kinh tế có thể xảy ra”, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã công bố một loại các chương trình “chưa từng có tiền lệ” nhằm ngăn chặn sự “gián đoạn nghiêm trọng của nền kinh tế Mỹ”. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Mỹ cho biết, họ sẽ hỗ trợ mua trái phiếu và cung cấp thêm nhiều khoản vay cho các tập đoàn, công ty, kể cả những công ty vừa và nhỏ nhằm ổn định thị trường tài chính.
Dù vậy, các biện pháp trên dường như không có nhiều tác động đến thị trường chứng khoán Mỹ, các chỉ số chính chỉ tăng 3% trong thời gian ngắn trước khi cả thị trường “đỏ trở lại” khiến các chỉ số S&P 500quay trở lại quỹ đạo giảm giá nghiêm trọng và hướng đến cột mốc thấp kỷ lục kể từ Thế chiến 2./.
Từ khóa: virus corona, dịch viêm phổi cấp, vũ hán, dịch corona, viêm phổi cấp
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN