Công văn 2613 tháo bỏ “gánh nặng” cho hơn 1 triệu giáo viên
Cập nhật: 19/07/2021
[VOV2] - Ngày 23/6, Bộ GD&ĐT có văn bản 2613/BGDĐT-GDTrH gửi Sở GD&ĐT các địa phương về việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2021-2022. Công văn này được cho là tháo gỡ nhiều điểm của Công văn 5512 trước đó.
Trước rất nhiều ý kiến trái chiều và chưa có sự đồng thuận cũng như yêu cầu khẩn thiết từ hơn 1 triệu giáo viên về mẫu giáo án trước thềm năm học mới, ngày 23/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn 2613/BGDĐT-GDTrH.
Theo công văn mới này, chỉ áp dụng Công văn 5512 đối với chương trình giáo dục phổ thông mới, cụ thể là với lớp 6 từ năm học 2021-2022. Các phụ lục mẫu giáo án, mẫu kế hoạch 5512 "chỉ để tham khảo" thay vì bắt buộc như Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH. Còn từ lớp 7 đến lớp 12 thì theo "chương trình cũ" vẫn thực hiện theo các văn bản ban hành trước đó.
Trước đó, kế hoạch bài dạy (hay còn gọi là giáo án) theo mẫu tại Phụ lục IV của công văn 5512/BGDĐT-GDTrH cho một tiết dạy, một chủ đề có độ dài từ 8 đến 15 trang trở lên thực sự trở thành áp lực, cho giáo viên và chỉ mang tính hình thức. Đặc biệt, việc soạn giáo án theo công văn này được cho là đang tạo ra nhu cầu mua bán giáo án nhằm đối phó với việc thanh kiểm tra. Chưa kể sự phí phạm khi mỗi giáo viên phải in cả ngàn trang giáo án.
Bởi vậy, Công văn 2613 được cho là sẽ “gỡ bỏ gánh nặng cho hàng triệu giáo viên”.
Ngoài ra, Công văn này còn hướng dẫn triển khai thực hiện một số môn học lần đầu tiên xuất hiện trong Chương trình giáo dục phổ thông mới như hai môn tích hợp Lịch sử và Địa lí; môn Khoa học tự nhiên; Nội dung giáo dục của địa phương; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.
Cụ thể, với môn Lịch sử và Địa lí, chương trình môn học này bao gồm 2 phân môn là Lịch sử và Địa lí. Mỗi phân môn được thiết kế theo mạch nội dung riêng, trong đó nhiều nội dung dạy học liên quan được bố trí gần nhau để hỗ trợ nhau; nội dung Lịch sử tích hợp trong những phần phù hợp của nội dung Địa lí và nội dung Địa lí tích hợp trong những phần phù hợp của nội dung Lịch sử.
Việc phân công giáo viên dạy môn học này, Bộ GDĐT hướng dẫn các nhà trường căn cứ tình hình thực tế đội ngũ giáo viên, Hiệu trưởng sẽ phân công thầy cô dạy học các nội dung của chương trình phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên. Nhà trường cần chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên đáp ứng yêu cầu về chuyên môn đảm nhận việc dạy học toàn bộ chương trình môn học.
Từ khóa: công văn 5512, công văn 2613, giảm tải, áp lực giáo viên
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2