Công ước chống tra tấn: Việt Nam đã nội luật hóa như thế nào?

Cập nhật: 28/10/2022

VOV.VN - Trên thực tế, thậm chí trước khi chúng ta trở thành thành viên của Công ước Chống tra tấn Việt Nam cũng đã chủ động đưa ra các quy định xây dựng, hoàn thiện các quy định nhằm bảo đảm quyền không bị tra tấn.

Công ước Chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo vô nhân đạo, hoặc hạ nhục con người hay còn gọi là Công ước chống tra tấn được Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 10/12/1984 và có hiệu lực từ ngày 26/6/1987. Đây là một trong những điều ước quốc tế, đa phương quan trọng về quyền con người của Liên Hợp Quốc. Công ước thể hiện ý chí của nhân loại, yêu chuộng hòa bình trên thế giới, mong muốn sớm loại bỏ hành vi đối xử, hoặc hình phạt tàn bạo, vô nhân đạo ra khỏi đời sống xã hội. Với mong muốn bảo vệ và bảo đảm tốt hơn quyền con người và quyền công dân, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước này vào năm 2014 và nội luật hóa trong các đạo luật cơ bản liên quan.

Về vấn đề này, phóng viên VOV trao đổi Tiến sĩ Nguyễn Toàn Thắng, Viện trưởng Viện Luật So sánh trường Đại học Luật Hà Nội.

PV: Thưa ông, Công ước chống tra tấn là một trong 9 công ước cốt lõi về nhân quyền của Liên Hợp Quốc. Ông có thể cho biết về bối cảnh ra đời của Công ước này?  

Tiến sĩ Nguyễn Toàn Thắng: Khi chúng ta đề cập tới bối cảnh ra đời Công ước, cá nhân tôi nghĩ, chúng ta phải quay ngược thời gian, vào những năm sau Đại chiến Thế giới lần thứ hai. Giai đoạn này, các quốc gia đã thảo luận và thông qua rất nhiều các văn kiện pháp lý quốc tế để bảo đảm quyền con người trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc.

Trong đó, thứ nhất là Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948; Công ước về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 và Công ước về các quyền kinh tế-xã hội- văn hóa năm 1966. Ba văn kiện này, hợp lại được gọi là Bộ luật Nhân quyền quốc tế. Đối với Quyền không bị tra tấn, được ghi nhận tại Điều 5 của Tuyên ngôn Thế giới về quyền con người. Đồng thời, được nhắc lại, được quy định tại Điều 7 của Công ước về các quyền dân sự, chính trị. Từ những yêu cầu của thực tiễn, cũng như nhận thức được tầm quan trọng của quyền không bị tra tấn, vào năm 1975 Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đã thảo luận và thông qua Văn kiện riêng về Quyền không bị tra tấn. Người ta gọi là Tuyên bố về bảo vệ mọi người khỏi bị tra tấn bởi các hành vi đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người.

Tuy nhiên, đây là văn kiện không có giá trị của một điều ước quốc tế. Việc thực hiện văn kiện này hoàn toàn phụ thuộc vào thiện chí của các quốc gia. Đó cũng là lý do 2 năm sau đó, vào năm 1977 Đại Hội đồng đã thông qua Nghị quyết yêu cầu Ủy ban nhân quyền xây dựng Dự thảo Công ước chống tra tấn, Đại Hội đồng đã thông qua công ước chống tra tấn vào năm 1984 để mở cho các quốc gia ký và tham gia Công ước sau đó.

PV: Quá trình hình thành của Công ước về Chống tra tấn cũng là đòi hỏi của thực tiễn khách quan. Nhằm bảo vệ và bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân, Việt Nam đã chủ động tham gia công ước này như thế nào, thưa ông?

Tiến sĩ Nguyễn Toàn Thắng: Quá trình Việt Nam trực tiếp thực hiện các thủ tục pháp lý để trở thành thành viên Công ước bắt đầu thời điểm vào năm 2013. Cụ thể, vào ngày 7/11/2013 Việt Nam đã ký Công ước chống tra tấn. Sau đó, Quốc hội đã có Nghị quyết phê chuẩn Công ước chống tra tấn. Ngày 5/2/2015 Việt Nam tiếp tục nộp văn kiện phê chuẩn cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc.

Kể từ thời điểm này, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Công ước chống tra tấn. Chúng ta có quyền, có trách nhiệm và đồng thời có nghĩa vụ đảm bảo thực thi các quy định của Công ước. Sau khi Việt Nam trở thành viên, ngày 17/3/2015 Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 364 để triển khai thực hiện những quy định của Công ước.

Trên thực tế, thậm chí trước khi chúng ta trở thành thành viên của Công ước Chống tra tấn Việt Nam cũng đã chủ động đưa ra các quy định xây dựng, hoàn thiện các quy định nhằm bảo đảm quyền không bị tra tấn. Đặc biệt, chúng ta phải nói tới quy định trong Hiến pháp năm 2013, với tính chất là Luật cơ bản, có hiệu lực pháp lý cao nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam.

Và năm 2017 thực hiện quy định tại Điều 19 của Công ước chống tra tấn, Việt Nam đã có báo cáo quốc gia lần thứ 1 về kết quả năm đầu tiên triển khai thực hiện Công ước. Dự kiến vào cuối năm 2022 Việt Nam sẽ tiếp tục trình báo cáo quốc gia lần thứ 2.

PV: Công ước Chống tra tấn đã có những quy định rất cụ thể, bao quát nhiều vấn đề. Vậy, nội dung cơ bản để các nước thành viên cần lưu tâm khi tham gia Công ước này là như thế nào, thưa ông?

Tiến sĩ Nguyễn Toàn Thắng: Đối với Việt Nam khi chúng ta trở thành thành viên của Công ước chống tra tấn cũng như quốc gia khác, chúng ta cần lưu ý việc thực hiện các nghĩa vụ của quốc gia thành viên. Chúng ta có thể nêu một số những nội dung cụ thể, những quy định trong công ước mà các quốc gia cần quan tâm, lưu ý.

Thứ nhất, các quy định về phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tra tấn, đặc biệt là việc rà soát, hoàn thiện pháp luật và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

Thứ hai, những quy định về trừng trị hành vi tra tấn. Đặc biệt là việc xác lập quyền tài phán quốc gia cũng như việc tiến hành khẩn trương, khách quan, công bằng, đảm bảo những quy định về tố tụng hình sự liên quan tới những quy định về trách nhiệm bồi thường khi xảy ra những thiệt hại.

Thứ ba, những quy định về nghĩa vụ báo cáo tình hình thực thi Công ước. Ngoài ra, quốc gia thành viên cũng có thể lưu ý thêm một số nội dung cụ thể. Chẳng hạn, như những quy định liên quan tới hạn chế và tạm đình chỉ quyền. Hay những quy định liên quan tới vấn đề trục xuất và dẫn độ

PV: Ông có đánh giá như thế nào về quá trình nội luật hóa và hoàn thiện các quy định pháp luật hiện nay của nước ta liên quan về phòng chống tra tấn?

Tiến sĩ Nguyễn Toàn Thắng: Việt Nam đã chủ động ngay cả trước khi chúng ta trở thành thành viên của Công ước chống tra tấn. Sau khi trở thành thành viên có trách nhiệm và nghĩa vụ thực hiện các quy định công ước, chúng ta tiếp tục chủ động để chuyển hóa các quy định của Công ước vào trong hệ thống pháp luật quốc gia

Trước tiên chúng ta phải đề cập tới Khoản 1 Điều 20 của Hiến pháp năm 2013 quy định về quyền không bị tra tấn. Bên cạnh quy định của Hiến pháp, quyền không bị tra tấn cũng được cụ thể hóa trong rất nhiều các văn bản quy phạm pháp luật như Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Đồng thời, chúng ta tiếp tục quy định những tội danh khác liên quan tới hành vi tra tấn Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015 tại Điều 10; Luật Tổ chức các cơ quan điều tra hình sự năm 2015 tại Điều 14; hay là Luật thi hành tạm giữ, tạm giam cũng trong năm 2015. Như vậy, Việt Nam đã có khuôn khổ pháp lý tương đối đầy đủ, liên quan tới chống tra tấn

PV: Với góc nhìn của mình, theo ông để hoàn thiện và tổ chức thực thi tốt các quy định về phòng, chống tra tấn thì giải pháp nào cần lưu tâm, thưa ông?

Tiến sĩ Nguyễn Toàn Thắng: Tôi cho rằng là chúng ta sẽ không có phân biệt về biện pháp nào là tốt nhất. Bởi, để đảm bảo thực thi các quy định của Công ước chống tra tấn, rộng hơn để bảo đảm quyền con người thì chúng ta cần phải tiến hành đồng bộ các giải pháp, kể cả về lập pháp, hành pháp cũng như tư pháp.

Thời gian tới, tôi nghĩ tới hai nhóm giải pháp. Thứ nhất là nhóm giải pháp liên quan tới vấn đề hoàn thiện pháp luật. Tôi nghĩ rằng có thể cân nhắc trong thời gian tới, chúng ta nên có những quy định cụ thể, trực tiếp để xác định rõ định nghĩa cụ thể về hành vi tra tấn, cũng như một số những nội dung cụ thể trong công ước. Ví dụ, vấn đề trục xuất hay vấn đề dẫn độ. Đó sẽ là nền tảng để từ đó chúng ta triển khai các biện pháp trong thực tiễn.

Nhóm biện pháp thứ hai mà tôi nghĩ cũng vô cùng quan trọng, đó là công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Đây không phải chỉ nâng cao nhận thức của người dân, mà đây nâng cao nhận thức của tất cả mọi cá nhân trong xã hội. Đặc biệt là những người trực tiếp thực thi, đảm bảo thực thi pháp luật. Cá nhân tôi, tôi đặc biệt đề cao cái nhóm biện pháp mang tính phòng ngừa. Đó là tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật. Đây là những biện pháp đòi hỏi chúng ta phải thực hiện một cách liên tục, thường xuyên. Có thể trong một thời gian ngắn chúng ta chưa nhìn thấy hiệu quả, nhưng lâu dài chúng ta thấy sẽ có hiệu quả mang tính bền vững.

Từ nhận thức mỗi cá nhân sẽ có thái độ và hành vi phù hợp. Chúng ta nói tới ngăn ngừa và trừng trị hành vi tra tấn, tôi nghĩ rằng nên đặt trong bối cảnh rộng hơn là bảo đảm quyền con người, đặc biệt khi chúng ta đang hướng tới xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Suy cho cùng đó là chúng ta hướng tới thúc đẩy các giá trị của con người, thúc đẩy sự khoan dung, nhân phẩm. Cũng như tôn trọng các quyền và nhân phẩm của người khác. Khi chúng ta làm được những điều đó, tôi nghĩ rằng mọi hành vi tra tấn liên quan đến tra tấn sẽ bị loại bỏ khỏi đời sống xã hội./.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Từ khóa: Công ước Chống tra tấn, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, Tiến sĩ Nguyễn Toàn Thắng

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập