Công tác phòng chống tham nhũng không cản trở phát triển kinh tế-xã hội
Cập nhật: 11/02/2023
VOV.VN - Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không cản trở phát triển kinh tế - xã hội mà góp phần phát triển bền vững hơn, tránh đổ vỡ hệ thống tài chính, chứng khoán, ngân hàng...
Từ khi ra mắt bạn đọc đến nay, cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thu hút sự quan tâm, đón nhận của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, trong đó có lực lượng công an nhân dân.
Cuốn sách là "kim chỉ nam" cho lực lượng an ninh điều tra
Tại cuộc tọa đàm khoa học về giá trị lý luận và thực tiễn cuốn sách của Tổng Bí thư đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự hiện nay do Bộ Công an tổ chức mới đây, Đại tá Hoàng Văn Hà, Cục trưởng Cục An ninh điều tra (Bộ Công an) cho biết, cuốn sách là "kim chỉ nam" cho lực lượng an ninh điều tra trong công tác điều tra, xử lý tội phạm về tham nhũng.
Nội dung cuốn sách tập trung vào những quan điểm, phát biểu chỉ đạo, những bài viết của Tổng Bí thư về cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam, về công tác xây dựng Đảng, về sự ủng hộ của quần chúng nhân dân và sự ghi nhận, ủng hộ của bạn bè quốc tế.
Với cách trình bày hiện đại, đậm phong cách báo chí, bố cục chặt chẽ, logic, cuốn sách hấp dẫn, dễ tiếp cận với bạn đọc đại chúng.
“Cuốn sách là tài liệu rất có giá trị về lý luận và thực tiễn, có thể coi là cẩm nang trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực và công tác xây dựng Đảng ở nước ta”, Đại tá Hoàng Văn Hà đồng thời nhấn mạnh, qua cuốn sách, bạn đọc hiểu rõ hơn về chủ trương, đường lối, về quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm”, kiên quyết xử lý nghiêm tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh.
Qua thực tiễn công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Đại tá Nguyễn Quang Phương, Phó Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế khẳng định, cuốn sách của Tổng Bí thư mang ý nghĩa sâu sắc trong bối cảnh cuộc chiến chống “giặc nội xâm” ở nước ta đang được Đảng chỉ đạo ráo riết, quyết liệt và đã đạt được những kết quả toàn diện, tích cực.
Quan điểm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cá nhân Tổng Bí thư tại các hội nghị, phiên họp Ban Chỉ đạo được hệ thống trong cuốn sách đã định hướng cho toàn Đảng, toàn dân, các ngành, các cấp nói chung và cơ quan tư pháp nói riêng, trong đó có cơ quan điều tra nhận thức, nhận diện đúng để triển khai có hiệu quả công tác đấu tranh, xử lý tội phạm tham nhũng, qua đó đạt được những kết quả nổi bật trong từng giai đoạn.
Theo Đại tá Nguyễn Quang Phương, giai đoạn 2010-2015, cơ quan chức năng bắt đầu phát hiện, xử lý một số vụ án lớn như vụ Nguyễn Đức Kiên, Huỳnh Thị Huyền Như, Dương Chí Dũng... qua đó bắt đầu nhận diện về lợi ích nhóm, sở hữu chéo.
Giai đoạn 2016-2019, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng được đẩy mạnh, khẳng định quyết tâm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Giai đoạn 2019 -2020, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh từ Trung ương tới địa phương với quan điểm nổi bật là chủ động nhận diện tội phạm, vi phạm trong các lĩnh vực nhạy cảm để tập trung đấu tranh, “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực” như vụ CDC Hà Nội, vụ bệnh viện Bạch Mai, vụ Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa, Quảng Ninh... Qua đó tạo sự chuyển biến, đồng bộ, khắc phục tình trạng "trên nóng dưới lạnh".
Đặc biệt, trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, Đại tá Nguyễn Quang Phương cho rằng, công tác điều tra án tham nhũng có điểm mới là làm rõ bản chất, yếu tố tư lợi, chiếm đoạt tài sản, nâng cao công tác thu hồi tài sản tham nhũng; đã chứng minh tham nhũng, tiêu cực vẫn còn rất phức tạp, có sự đan xen giữa khu vực công và tư, có sự cấu kết giữa công chức với doanh nghiệp, lợi dụng chính sách để trục lợi, điển hình vụ Việt Á, vụ AIC, vụ "chuyến bay giải cứu".... Đồng thời, xử lý triệt để đối tượng phạm tội, kể cả bỏ trốn với tinh thần "trốn cũng không thể thoát tội".
"Kết quả đó khẳng định công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không cản trở phát triển kinh tế - xã hội mà góp phần phát triển bền vững hơn, tránh đổ vỡ hệ thống tài chính, chứng khoán, ngân hàng...”, Đại tá Nguyễn Quang Phương cho biết.
Theo Đại tá Phương, thời gian tới, dự báo tình hình tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực còn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, với những giá trị lý luận đúc kết từ kinh nghiệm thực tiễn trong cuốn sách, nhất là những vấn đề mang tính quan điểm, định hướng chỉ đạo và các giải pháp quan trọng trong phòng chống “giặc nội xâm” sẽ là cẩm nang để lực lượng cảnh sát kinh tế vận dụng, góp phần ổn định chính trị, phát triển KT-XH, xây dựng Đảng, Nhà nước ngày càng trong sạch.
Cuốn sách chứa đựng tư tưởng lớn của Tổng Bí thư
Khẳng định CAND là lực lượng nòng cốt trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, PGS.TS Trần Vi Dân, Cục trưởng Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an cho rằng, cuốn sách của Tổng Bí thư giúp chúng ta có những nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn, gợi mở phương pháp luận để các lực lượng hành động quyết liệt, đúng pháp luật, bám sát chỉ đạo của Đảng, nhân văn, đảm bảo hiệu quả.
“Cuốn sách chứa đựng tư tưởng lớn của Tổng Bí thư với tư cách là người đứng đầu Đảng ta, đồng thời đây cũng là quan điểm của Đảng ta”, ông Trần Vi Dân cho biết.
Để lĩnh hội và nhận thức đầy đủ, sâu sắc qua đó vận dụng có hiệu quả hơn, ông Trần Vi Dân cho rằng, các lực lượng cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ những vấn đề cụ thể, gắn chặt với công tác CAND.
Với thực tế đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực tại TP.HCM, Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP.HCM cho rằng, đây là một cuộc chiến hết sức cam go, khó khăn, thử thách. Nếu mỗi cán bộ điều tra, cơ quan điều tra chỉ dừng lại ở “kiên quyết” mà thiếu “kiên trì” thì không thể thành công trong điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng.
Trong quá trình xử lý các vụ án, vị thiếu tướng thấy rằng, cuốn sách đã đưa vấn đề "phòng" lên trước "chống", vì công tác phòng ngừa là quan trọng, cốt lõi, cơ bản. Nếu phòng không tốt thì xảy ra vụ việc tham nhũng, cũng như "cơ thể xảy ra bệnh", dù quá trình điều trị, giải quyết có tốt đến đâu cũng để lại "di chứng", ảnh hưởng sức khoẻ, sự toàn vẹn của cá nhân, tổ chức, sự toàn vẹn của Đảng.
Qua cuốn sách và công tác thực tế cho thấy, nội dung "chống" cũng được nhấn mạnh, đây là nội dung xuyên suốt trong quá trình đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
"Chúng tôi vận dụng vào công tác, xuyên suốt từ trên xuống, trong khâu tổ chức, chỉ đạo, điều tra của Công an TP.HCM, đảm bảo sự đồng lòng, đoàn kết, thống nhất hướng đến mục tiêu chung. Thứ hai là, cuộc chiến chống tham nhũng không được cắt khúc, cắt ngọn, nếu không sẽ tạo ra tư tưởng cho cán bộ chiến sĩ rằng phong trào "lúc lên lúc xuống", trong điều tra sẽ để lọt hành vi, lọt tội phạm, xử lý không đúng tính chất, mức độ", Thiếu tướng Lê Hồng Nam chia sẻ./.
Từ khóa: sách của Tổng Bí thư, cuốn sách mới của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sách của Tổng Bí thư về phòng chống tham nhũng, sách của tổng bí thư nguyễn phú trọng
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN