Công nghiệp Quảng Ngãi bứt phá sau 30 năm tái lập tỉnh
Cập nhật: 25/09/2019
VOV.VN - Sau 30 năm tái thành lập tỉnh, Quảng Ngãi từ một tỉnh thuần nông, công nông nghiệp là chủ yếu nay đã chuyển sang công nghiệp.
Cách đây 30 năm, ngày 1/7/1989, tỉnh Quảng Ngãi được tái lập trên cơ sở chia tách tỉnh Nghĩa Bình thành 2 đơn vị hành chính là tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định. Sau 30 năm tái lập, tỉnh Quảng Ngãi có sự phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, nổi bật là công nghiệp tăng trưởng nhanh, tạo đột phá cho nền kinh tế địa phương, nâng cao đời sống người dân.
Một dấu mốc quan trọng của tỉnh Quảng Ngãi là năm 1997, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Khu công nghiệp Dung Quất (nay là Khu kinh tế Dung Quất) mà trái tim là Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Sau khi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đi vào vận hành vào năm 2009, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Quảng Ngãi tăng đột biến. Ông Nguyễn Văn Hội, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn cho biết: Từ khi đi vào vận hành đến nay, bình quân hàng năm, Nhà máy lọc dầu Dung Quất đóng góp khoảng 80% nguồn thu ngân sách của tỉnh Quảng Ngãi.
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất Quảng Ngãi |
Từ khi nhà máy đi vào vận hành đã xử lý 66 triệu tấn dầu thô, đưa ra thị trường khoảng 65 triệu tấn sản phẩm. Đóng góp nguồn thu ngân sách quốc gia tương đương 7,5 tỷ USD, lợi nhuận của nhà máy đạt mức 1 tỷ USD. Một trong những nhân tố rất quan trọng, dự án là đầu tàu, điểm kích hoạt cho tất cả các hoạt động công nghiệp khác trong khu kinh tế.
Và 16 năm sau, ngày 13/9/2013, dự án Khu Công nghiệp VSIP Quảng Ngãi động thổ trước sự chứng kiến của Thủ tướng hai nước Việt Nam và Singapore. Với những cơ chế, chính sách hỗ trợ tích cực và cam kết cụ thể của chính quyền địa phương, Khu Công nghiệp VSIP Quảng Ngãi nhanh chóng xây dựng hoàn thiện các hạng mục và đi vào hoạt động. Trong giai đoạn 1, VSIP Quảng Ngãi đã đầu tư 360 ha có hạ tầng hoàn chỉnh từ hệ thống đường nội bộ, nhà máy xử lý nước thải, hệ thống điện đến trạm cứu hỏa... Nhằm tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, tỉnh Quảng Ngãi cũng đã thành lập tổ “một cửa” hỗ trợ thủ tục hành chính đầu tư vào Khu Công nghiệp VSIP. Các thủ tục hành chính về đầu tư, lao động, giải phóng mặt bằng… đều được giải quyết qua một đầu mối.
Đến nay, Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi đã thu hút được 25 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký gần 800 triệu USD. Chỉ riêng năm 2018, lượng vốn đầu tư thu hút vào khu công nghiệp này đạt hơn 350 triệu đô la Mỹ, chiếm hơn 90% tổng vốn FDI đầu tư vào tỉnh Quảng Ngãi. Ngoài các nhà đầu tư Đài Loan, Phillipine, Singapore, Hồng Kong, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, một tín hiệu đáng mừng là đầu năm 2019, VSIP Quảng Ngãi thu hút thêm nhiều nhà đầu tư từ Châu Âu. Đây là minh chứng cho “đất lành” Quảng Ngãi trong thu hút đầu tư.
Dự án nhà máy gang thép Hòa Phát-Dung Quất |
Ông Huỳnh Quang Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng quản trị VSIP Group Việt Nam cho biết: "Một trong những quyết tâm của chúng tôi là khi chọn lựa thì chọn lựa rất kỹ càng và sự chọn lựa đó không chỉ dành riêng cho VSIP mà đặc biệt là phải phục vụ các nhu cầu nhà đầu tư thứ cấp. Khi đáp ứng nhu cầu số đông các nhà đầu tư thì chúng tôi sẽ triển khai rất nhanh làm sao để chúng ta đáp ứng cho họ một môi trường sản xuất công nghiệp, kinh doanh tốt nhất . Vì vậy, chúng tôi xác định VSIP Quảng Ngãi sẽ trở thành khu công nghiệp kiểu mẫu và đẹp nhất khu vực miền Trung cho nên đã quyết tâm thu hút rất nhiều các nhà đầu tư có tên tuổi".
Thành công từ Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi đã mở ra hướng đi mới trong phát triển công nghiệp, chuyển dịch mạnh cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp tại địa phương. 10 dự án đi vào hoạt động tại VISIP Quảng Ngãi đã giải quyết việc làm cho 7.000 lao động. Dự kiến, thời gian tới khi 25 dự án đi vào hoạt động sẽ giải quyết 35.000 lao động địa phương có việc làm ổn định. Hiện tại, Khu Kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp ở Quảng Ngãi cũng đã giải quyết việc làm cho gần 40.000 lao động.
Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi đã thu hút được 25 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). |
Chị Nguyễn Thị Thanh, công nhân Công ty Mansa Industries, một công ty may mặc của Mỹ tại Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi đánh giá: Môi trường làm việc tốt, chế độ ưu đãi công ty thích hợp. Việc làm cho người dân nơi đây ổn định hơn là vào Sài Gòn, lương không cao mà lại nhiều chi phí.
Sự thành công của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và Khu công nghiệp VISIP trở thành hạt nhân thu hút các dự án công nghiệp tại Khu công nghiệp Dung Quất. Tỉnh Quảng Ngãi trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thời điểm tái lập tỉnh, năm 1989, tỷ trọng nông - lâm - thủy sản của tỉnh Quảng Ngãi chiếm gần 56%, công nghiệp- xây dựng chiếm 16%. Đến năm 2019, tỷ trọng công nghiệp- xây dựng của tỉnh Quảng Ngãi chiếm hơn 53% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), tăng hơn 207 lần sau 30 năm và hiện là địa phương thuộc nhóm thu ngân sách cao trong cả nước. Năm 2018, toàn tỉnh đã cấp phép mới cho 11 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký gần 172 triệu USD. Những con số này đã chứng minh được sự bứt phá trong phát triển công nghiệp của tỉnh Quảng Ngãi sau 30 năm tái lập tỉnh.
Ông Nguyễn Tăng Bính, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Liên tiếp trong 3 nhiệm kỳ gần đây, công nghiệp luôn được xác định là khâu đột phát của tỉnh Quảng Ngãi:Sau 30 năm tái thành lập tỉnh, chúng ta từ một tỉnh thuần nông, công nông nghiệp là chủ yếu thì nay đã chuyển sang công nghiệp. Và đối với tỉnh Quảng Ngãi thì hiện nay phát triển mạnh là công nghiệp nặng và công nghiệp phụ trợ, rồi đến công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, rồi công nghiệp chế biến. Tất cả những lĩnh vực này nó đã góp phần vào quá trình phát triển của tỉnh sau 30 năm.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất- Hạt nhân thu hút các dự án công nghiệp lớn vào Quảng Ngãi. |
Thành tựu hôm nay càng thêm khẳng định sự quyết tâm, sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ngãi trong 30 năm qua. Một số dự án lớn đang triển khai tại Khu kinh tế Dung Quất và các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tạo thêm bước đột phá trong giai đoạn mới. Trong đó phải kể đến Dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất từ 6,5 triệu tấn lên 8,5 triệu tấn với nguồn vốn đầu tư 1,8 tỷ USD; Dự án nhà máy gang thép Hòa Phát-Dung Quất với vốn đầu tư 60.000 tỷ đồng; Khởi công 2 dự án của Tập đoàn FLC tại Dung Quất…
Những dự án này mở ra nhiều triển vọng mới, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo nền tảng để Quảng Ngãi sớm trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại trong tương lai./.
Từ khóa: Công nghiệp Quảng Ngãi, 30 năm tái lập tỉnh Quảng Ngãi, khu kinh tế Dung Quất, FLC tại Dung Quất, lọc dầu dung quất,
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN