Công nghiệp ô tô “chậm lớn” vì chính sách và nguồn lực

Cập nhật: 25/10/2019

VOV.VN - Để công nghiệp ô tô phát triển cần tập trung thay đổi về chính sách thuế và tài chính cho doanh nghiệp sản xuất lắp ráp cũng như công nghiệp hỗ trợ.

Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã có sự phát triển khá nhanh trong vài năm trở lại đây. Số lượng xe sản xuất lắp ráp trong nước có tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 10% trong giai đoạn từ 2015 – 2018 và đạt 250.000 trong năm 2018.

Đi sau các nước trong khu vực đến 20 năm

Số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy, tính đến hết năm 2018, cả nước có 358 doanh nghiệp sản xuất liên quan đến ô tô, trong đó có 50 doanh nghiệp lắp ráp ô tô; 45 doanh nghiệp sản xuất khung gầm, thân xe, thùng xe; 214 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô.

Tuy nhiên, số lượng xe lắp ráp vẫn tăng thấp dẫn đến Việt Nam phải nhập khẩu xe từ nước ngoài với số lượng khá lớn. Cùng với tác động của việc giảm thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ các nước ASEAN, từ mức 50% năm 2015 xuống 40% năm 2016, 30% năm 2017 và 0% năm 2018 đang khiến công nghiệp ô tô trong nước đối mặt với sự cạnh tranh rất lớn.

cong nghiep o to "i ach" di sau nhieu quoc gia trong khu vuc hinh 1
Tỷ lệ nội địa hóa trên 1 xe ô tô sản xuất trong nước vẫn còn rất thấp.

ÔngNguyễn Trung Hiếu, Trưởng ban chính sách của VAMA cho hay, tỷ lệ nội địa hóa trong sản xuất ô tô tại Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều mức trung bình 65-70% của các nước trong khu vực và mức 80% so với Thái Lan. Sau gần 20 năm phát triển, tỷ lệ nội địa hóa xe tải 7 tấn đạt 55%, xe khách trên 10 chỗ đạt 45%, riêng xe cá nhân 9 chỗ đạt 7-10% và chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra của Thủ tướng Chính phủ năm 2020 là từ 30-40%.

“Công nghiệp ô tô đang đi sau các nước trong khu vực như Thái Lan và Indonesia khoảng 20 năm và vẫn còn ở quy mô nhỏ khi hơn 80% linh phụ kiện cho sản xuất xe trong nước là nhập khẩu. Cần có chính sách khuyến khích đột phá, chính sách hỗ trợ cho ngành này một cách cụ thể và thiết thực, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất linh phụ kiện, khắc phục những hạn chế để đẩy nhanh nội địa hóa”, ông Nguyễn Trung Hiếu đánh giá.

Chỉ rõ những bất cập trong chính sách làm cản trở ngành công nghiệp ô tô và phụ tùng ô tô những năm qua, bà Nguyễn Thị Hải Bình, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng, chính sách thuế và tài chính đối với ngành này đang tồn tại 3 vấn đề khiến các biện pháp ưu đãi thuế không mang lại hiệu quả như mong muốn.

Cụ thể theo bà Bình, sự thay đổi nhanh và nhiều của chính sách thuế, đặc biệt là các chính sách thuế đối với linh kiện phụ tùng ô tô; sự thiếu đồng bộ trong một số chủ trương, chính sách cũng như việc thực hiện các cam kết quốc tế về cắt giảm thuế quan, trong đó có thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với xe ô tô nguyên chiếc.

Riêng đối với chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, mặc dù đây được xem là một trong những biện pháp ưu đãi chủ yếu, nhằm thu hút đầu tư phát triển công nghiệp ô tô, tuy nhiênchính sách này không mang lại hiệu quả như mong muốn. Đó là chưa kể đến chính sách ưu đãi này có thể là kẽ hở cho một số doanh nghiệp lợi dụng để liên tục mở dự án mới, chuyển địa điểm sản xuất kinh doanh để hưởng ưu đãi.

Có chính sách tập trung sẽ phát triển?

Để đảm bảo chủ trương phát triển ngành công nghiệp ô tô trong thời gian tới, bà Bình đề nghị nhà nước tập trung hỗ trợ nguồn lực để thúc đẩy nhanh các dự án lớn về sản xuất, lắp ráp ô tô. Đặc biệt, cần rà soát, sửa đổi và bổ sung các chính sách tài chính khuyến khích đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô với mức độ ưu đãi phù hợp với quy mô đầu tư.

Bên cạnh đó, nhà nước cũng cần ban hành các chính sách ưu đãi về thuế, tài chính nhằm khuyến khích phát triển các dòng xe thân thiện với môi trường. Cụ thể như đối với các chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp và các ưu đãi hỗ trợ khác của Chính phủ để thu hút các dự án đầu tư sản xuất ô tô điện. Từng bước tăng tỷ lệ nội địa hóa tổng thành xe thông qua việc miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho tỷ lệ phần trăm linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước...

Trưởng ban chính sách của VAMA Nguyễn Trung Hiếu chỉ rõ, ngoài việc điều chỉnh chính sách về thuế đối với ngành sản xuất, lắp ráp ô tô thì công nghiệp hỗ trợ cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô cũng cần có hỗ trợ tín dụng để doanh nghiệp tiếp cận vốn vay và quỹ phát triển.

“Nhà nước cần tập trung điều chỉnh tháo gỡ khó khăn về chính sách thuế, xem xét sửa đổi, bổ sung các luật về thuế VAT, thuế xuất - nhập khẩu và thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng khấu trừ thuế VAT đối với máy móc, thiết bị nhập khẩu phục vụ sản xuất; thuế xuất nhập khẩu phụ tùng, linh kiện và quy định miễn thuế nhập khẩu đối với hoạt động xuất khẩu.

Riêng quy định về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo sự công bằng trong thực hiện chính sách ưu đãi, ông Hiếu đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định về chuyển tiếp ưu đãi thuế; trong đó có chuyển tiếp ưu đãi thuế đối với dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ

Mong muốn tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho công nghiệp ô tô, TS. Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho rằng, những doanh nghiệp này cần được hưởng những ưu đãi tín dụng cũng như ưu tiên sử dụng Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, cần có chương trình bảo lãnh tín dụng theo chuỗi từ Chính phủ đến các công ty đầu chuỗi, các ngân hàng,…sẽ thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững./.

Từ khóa: công nghiệp ô tô, sản xuất ô tô, linh kiện phụ tùng, công nghiệp hỗ trợ, thuế nhập khẩu ô tô

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập