Công nghiệp hỗ trợ, tái cơ cấu chuỗi liên kết là trọng tâm phát triển
Cập nhật: 05/04/2021
VOV.VN - Cần xác định trọng tâm là khu vực công nghiệp hỗ trợ và tập trung tái cơ cấu các chuỗi liên kết để phục vụ cho sản xuất công nghiệp.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn do diễn biến của dịch Covid-19 ngay từ những ngày đầu năm, song sản xuất công nghiệp Quý I/2021 vẫn tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 5,1% của quý I/2020, đóng góp 2,2 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Đặc biệt, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 9,45%, đóng góp 2,37 điểm phần trăm.
Thị trường dần hồi phục
Ngành dệt may, da giày trong quý I/2021 đã có nhiều tín hiệu khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm trước. Dù dịch bệnh vẫn còn, tuy nhiên đến thời điểm hiện nay các doanh nghiệp đã tìm ra được hướng đi phù hợp, thị trường dệt may, da giày thế giới đã dần sôi động trở lại.
Việc các nước liên tục đưa vaccine phòng Covid-19 vào tiêm cho người dân cũng đã tăng niềm tin, góp phần thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, trong đó có tiêu dùng dệt may, da giày tăng trở lại. Tuy số lượng và đơn giá sản phẩm chưa trở lại bằng ngưỡng năm 2019, nhưng tín hiệu thị trường đã dần hồi phục.
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) hồ hởi chia sẻ, các DN dệt may Việt Nam, trong đó có các DN của Tập đoàn đều đã có đơn hàng đến hết tháng 4/2021. “Đáng chú ý, những mặt hàng như hàng dệt kim, hàng phổ thông với sức tiêu thụ lớn đã có đơn hàng đến tháng 7, tháng 8/2021. Đó là tín hiệu đáng mừng cho quá trình phục hồi trở lại của dệt may Việt Nam, nhất là khi dệt may Việt Nam đang có vị trí tốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu được tái bố trí sau khủng hoảng đại dịch Covid-19 năm 2020”, ông Trường cho biết.
Bên cạnh các lĩnh vực sản xuất công nghiệp khởi sắc rõ rệt, vẫn có không ít lĩnh vực ghi nhận khó khăn, thách thức, điển hình như ngành thép, cơ khí. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, từ đầu năm đến nay thị trường thép nhìn chung ảm đạm với hoạt động sản xuất cầm chừng, bán hàng giao dịch rất ít do các công trình, dự án dừng lại hoặc giãn tiến độ thực hiện vì lo ngại dịch bệnh bùng phát. Hàng hóa lưu thông chậm do nhu cầu trong nước chậm. Vận chuyển nguyên vật liệu và hàng hóa các tỉnh khu vực Đông Bắc (Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Quảng Ninh,...) khó khăn khi tâm dịch nằm ở Hải Dương, Quảng Ninh.
Tương tự với ngành cơ khí, ông Nguyễn Chỉ Sáng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí (VAMI) chia sẻ: Khó khăn lớn nhất, khó tháo gỡ nhất đối với các DN là đơn hàng. "Doanh số của các DN ô tô năm nay so với năm ngoái giảm rất nhiều. Các DN chế tạo cơ khí sau một năm Covid-19, đơn hàng bắt đầu ít đi trong khi cước vận chuyển tăng", ông Nguyễn Chỉ Sáng nói.
Cơ hội hưởng lợi từ các FTA
Để tăng tốc độ sản xuất công nghiệp trong thời gian tới, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất, cần xây dựng chính sách phát triển công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ theo hướng bớt lệ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài, giảm tình trạng gia công đã kéo dài quá lâu. Điều này cũng góp phần tạo thêm giá trị gia tăng và vị thế tốt hơn của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo thêm cơ hội hưởng lợi từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đòi hỏi hàm lượng xuất xứ nội địa/nội khối cao.
“Đại dịch Covid-19 đang tạo cho Việt Nam cơ hội làm việc, khi các quốc gia đối tác lớn như Nhật, Mỹ, EU, Australia... đang tìm kiếm nơi để chuyển một phần nguồn cung cho các chuỗi của họ ra khỏi Trung Quốc. Với một số FTA thế hệ mới, Việt Nam càng có cơ hội được chọn nếu Chính phủ có chính sách, mục tiêu rõ ràng nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho DN Việt Nam và thu hút đầu tư từ các đối tác trên vào những ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI) nhận định.
Bộ Công Thương cho biết, trong thời gian tới sẽ tập trung chỉ đạo thúc đẩy sản xuất công nghiệp; khẩn trương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án năng lượng, công nghiệp có quy mô lớn; bảo đảm cung ứng đủ điện cho nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả nước. Thúc đẩy tái cơ cấu trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp.
Trong đó, xác định trọng tâm là khu vực công nghiệp hỗ trợ và tập trung tái cơ cấu các chuỗi liên kết để phục vụ cho sản xuất công nghiệp. Tập trung rà soát kỹ và có giải pháp phù hợp, thúc đẩy mạnh mẽ, tạo thuận lợi cho tất cả các khâu trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh, từ nguyên vật liệu, các yếu tố đầu vào, đến sản xuất, chế biến và trung gian phân phối, thị trường, tiêu thụ sản phẩm…
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, trong tháng 3/2021 cũng như các tháng tiếp theo, Bộ Công Thương sẽ tập trung chỉ đạo thúc đẩy sản xuất công nghiệp; khẩn trương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án năng lượng, công nghiệp có quy mô lớn; bảo đảm cung ứng đủ điện cho nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả nước.
“Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng sẽ tập trung rà soát kỹ và có giải pháp phù hợp, thúc đẩy mạnh mẽ, tạo thuận lợi cho tất cả các khâu trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh, từ nguyên vật liệu, các yếu tố đầu vào, đến sản xuất, chế biến và trung gian phân phối, thị trường, tiêu thụ sản phẩm...”, ông Đỗ Thắng Hải chỉ rõ./.
Từ khóa: sản xuất công nghiệp, chỉ số công nghiệp, công nghiệp 3 tháng, công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ, chuỗi cung ứng
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN