Công nghệ làm sạch sông Tô Lịch chỉ là giải pháp cục bộ
Cập nhật: 25/09/2019
VOV.VN - Chuyên gia Nhật Bản đề nghị thêm 2 tháng thí điểm làm sạch sông Tô Lịch do việc xả hơn 1 triệu m3 nước hồ Tây đã ảnh hưởng xấu đến kết quả thí điểm.
Xả nước hồ Tây làm cuốn trôi toàn bộ kết quả thí nghiệm
Ngày 16/7, Tiến sĩ Tadashi Yamamura, Chủ tịch tổ chức xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản cho biết, đơn vị đã gửi công văn tới Thủ tướng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố Hà Nội để đề nghị lùi thời hạn kết thúc thí điểm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor đến ngày 17/9/2019.
Cống xả nước từ hồ Tây. |
Theo Tiến sĩ Tadashi Yamamura, bước đầu dự án đã cho kết quả khả quan nhưng ngày 9/7, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã xả khoảng 1,5 triệu m3 nước hồ Tây vào sông Tô Lịch, nơi có khu thí điểm làm sạch nên "toàn bộ hệ vi sinh vật có lợi do các thiết bị kích hoạt trong vòng gần 2 tháng đã bị cuốn trôi". "Gần như chúng tôi phải làm lại từ đầu và cần thời gian tối thiểu trên một tháng để kích hoạt trở lại hệ vi sinh vật có lợi. Đến lúc đó, việc lấy mẫu đánh giá mới có thể chính xác, khách quan", tiến sĩ Tadashi Yamamura nói.
Tiến sĩ Tadashi Yamamura cho biết thêm, nếu thực hiện dự án trên cả dòng sông Tô Lịch, từ đầu nguồn phía bên kia đường Hoàng Quốc Việt cho đến cả dòng sông thì hệ vi sinh vật có lợi được kích hoạt liên tục. Càng có dòng chảy, hệ vi sinh vật này càng dễ khuếch tán và có tác dụng phân giải chất ô nhiễm.
Thế nhưng, tổ chức thử nghiệm và đánh giá kết quả chỉ trong đoạn 300m ở đầu nguồn. Với lượng nước xả là 1,5 triệu m3, gấp 10 lần lượng nước thải/ngày đêm từ 280 cống chảy vào sông Tô Lịch nhưng lại chỉ chảy vào khu xử lý từ một cửa xả đầu nguồn duy nhất. Vì vậy, kết quả thí điểm bị ảnh hưởng.
Nhưng lần này, tổ chức thử nghiệm và đánh giá kết quả chỉ trong đoạn 300m ở đầu nguồn. Với lượng nước xả là 1,5 triệu m3, gấp 10 lần lượng nước thải/ngày đêm từ 280 cống chảy vào sông Tô Lịch nhưng lại chỉ chảy vào khu xử lý từ một cửa xả đầu nguồn duy nhất. Vì vậy, kết quả thí điểm bị ảnh hưởng.
Báo cáo nêu rõ: "Hệ thống máy nano được gia cố và các bọt khí nano được tạo ra liên tục nên không bị ảnh hưởng bởi việc xả nước. Tuy nhiên, sau khi chuyên gia Nhật Bản kiểm tra hệ vi sinh vật của tấm Bioreactor thì thấy, toàn bộ hệ vi sinh vật có lợi do các tấm Bioreactor kích hoạt trong vòng gần 2 tháng qua đã trong chốc lát... bị cuốn trôi và không còn ở khu 300m để đánh giá nữa”.
Hơn 1 triệu m3 nước lấy từ hồ Tây vào đã làm xanh màu nước sông Tô Lịch. |
Báo cáo của Tổ chức xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản cho rằng việc xả nước hồ Tây vào sông Tô Lịch ảnh hưởng đến kết quả thí điểm. Trong khi trước đó, trao đổi với báo chí, đại diện Công ty thoát nước Hà Nội từng khẳng định, đơn vị này đã thông báo cho các đơn vị liên quan và hoạt động thử nghiệm sẽ vẫn diễn ra bình thường vì "các khu vực thử nghiệm đã được quây kín xuống tận đáy sông". Rút cuộc việc xả nước hồ Tây có ảnh hưởng đến dự án làm sạch sông Tô Lịch hay không vẫn còn là một câu hỏi cần phải giải đáp.
Khu vực thí nghiệm công nghệ nước ngoài. |
Như đã đưa tin, ngày 16/5, thành phố Hà Nội đã khởi động dự án thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor. Trong gần một giờ, hàng chục chuyên gia và công nhân đã lắp đặt hai hộp thiết bị xuống đáy sông, với chiều dài 300m, đoạn từ ngã tư Bưởi - Hoàng Quốc Việt xuôi về phía Cầu Giấy. Thời gian thí điểm dự kiến kéo dài đến ngày 17/7.
Công nghệ Nano-Bioreator gồm hai yếu tố là máy sục khí Nano tạo ra oxy trực tiếp kích hoạt vi sinh vật; các tấm vật liệu Bioreactor là chất xúc tác, cung cấp giá thể, tạo môi trường sống cho vi sinh vật. Hai yếu tố kết hợp thúc đẩy quá trình tự làm sạch nước, phân hủy bùn.
Đề xuất tuyến buýt đường thủy trên sông Tô Lịch
Ngày 14/7, lãnh đạo Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội (Công ty thoát nước) cho biết, vừa trình UBND thành phố đề xuất giải cứu sông Tô Lịch bằng nước sông Hồng; lãnh đạo thành phố đang giao cho các Sở ngành liên quan xem xét theo quy định.
Sau khi dừng xả nước hồ Tây vào, cá tại sông Tô Lịch chết hàng loạt. |
Cụ thể, theo phương án đề xuất, đơn vị sẽ xây dựng trạm bơm cố định được đặt ở sát mép sông tương ứng mực nước thấp nhất của sông Hồng, gồm 4 máy bơm chìm công suất 2.500 m3/h, trong đó 3 máy bơm làm việc thường xuyên.
Tuyến ống xả dẫn nước từ trạm bơm qua đê vào mương tiêu cạnh Công viên nước hồ Tây. Công ty Thoát nước đã xả nước thử nghiệm vào các ngày 12 và 13/9 trong thời gian khoảng 16 giờ. Mực nước hồ Tây giảm 11 cm và nướcsông Tô Lịchđã được cải thiện, có màu xanh của nước hồ và không còn mùi hôi.
Nước sông Tô Lịch đen kịt trở lại sau khi dừng xả nước hồ Tây vào. |
Theo Công ty Thoát nước, phương án đề xuất sẽ nằm trong giải pháp tổng thể bao gồm: Xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (làm sạch nguồn nước các sông Tô Lịch, Sét, Lừ và Nhuệ); đầu tư hệ thống cống hai bên sông để thu gom nước thải, giúp sông Tô Lịch không còn nguồn ô nhiễm.
Lãnh đạo Công ty Thoát nước lý giải, khi đã thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt 2 bờ sông Tô Lịch thì sông vẫn sẽ thiếu nước, không có dòng chảy, do vậy Công ty đề xuất TP xem xét phương án bổ cập nước từ sông Hồng. Kinh phí thực hiện dự án sẽ được kêu gọi xã hội hóa. Sau này Nhà nước chỉ phải trả chi phí vận hành trạm bơm.
Lãnh đạo Công ty Thoát nước thông tin thêm, sông Tô Lịch với chiều dài 14 km chạy qua 5 quận, huyện là tiềm năng tốt để khai thác vận tải công cộng đường thủy. Công ty cũng đề xuất thành phố xây dựng đập ở cuối nguồn sông Tô Lịch, giúp điều tiết nước trên sông đạt độ cao nhất định, từ đó tàu thuyền và xe buýt đường thủy có thể lưu thông. Khi sông Tô Lịch hàng ngày được bổ cập nước sạch từ sông Hồng, có dòng chảy lưu thoát, tạo cảnh quan, Hà Nội có thể phát triển được một tuyến buýt đường thủy giúp giảm gánh nặng áp lực giao thông cho các tuyến đường bộ.
Trả lời về nhiều ý kiến cho rằng việc bổ cập nước sông Hồng vào sông Tô Lịch sẽ đẩy phần chất bẩn xuống hạ lưu, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, lãnh đạo Công ty Thoát nước cho rằng, khi nước sông Hồng được điều tiết vào sông Tô Lịch thường xuyên thì sẽ pha loãng nguồn ô nhiễm, giảm thiểu mùi. Ngoài ra, khi nhà máy xử lý nước thải Yên Xá vận hành và trong tương lai có hệ thống cống thu gom nước thải hai bên sông Tô Lịch thì nguồn nước ô nhiễm sẽ được kiểm soát, không ảnh hưởng đến đời sống người dân…
Làm sạch sông Tô Lịch cần tuần tự, kết hợp nhiều phương án
Đánh giá về việc xả nước từ Hồ Tây và lấy nước sông Hồng vào để hồi sinh sông Tô Lịch các chuyên gia cho rằng là cần thiết nhưng chưa thể xử lý được ô nhiễm nguồn nước.
Công nghệ nước ngoài được thí nghiệm tại sông Tô Lịch. |
Theo đó, các chuyên gia cho rằng cần làm tuần tự, đầu tiên, cần xử lý ô nhiễm sông và sau đó mới đưa nước vào sông. Dùng nước sông Hồng và hồ Tây đưa vào nên là phương án bổ trợ sau khi đã thu gom xử lý nước thải 2 bên sông Tô Lịch và sau khi nước sông Tô Lịch được xử lý ô nhiễm thì mới áp dụng phương án vận tải thủy đặc biệt là ý tưởng về buýt đường sông.
Đánh giá công nghệ nước ngoài làm sạch sông Tô Lịch từ 2 tháng qua, nhiều chuyên gia môi trường, sông ngòi cho rằng công nghệ này có thể làm sạch nước, bùn cát nhưng chỉ là giải pháp cục bộ. Để hồi sinh sông Tô Lịch, không thể đơn giản bằng việc lắp máy thí điểm ở một khu vực rồi áp dụng cho toàn tuyến sông.
Nước thải từ các cống đổ ra sông Tô Lịch 24/24h. |
Hiện tại mực nước của sông Tô Lịch chỉ còn dưới 1m, nguồn chảy chủ yếu từ nước mưa, nước thải sinh hoạt. Trong khi, một dòng sông đúng nghĩa phải có mực nước dâng cao, dòng chảy liên tục từ đầu đến cuối nguồn, có các loài tôm cá, thủy sinh sinh sống.
Các chuyên gia về môi trường và hệ thống sông ngòi cho rằng, muốn làm sạch sông phải tính từ gốc, biện pháp căn cơ, lâu dài nhất để làm sống lại sông Tô Lịch là tách nước thải, đưa về nhà máy xử lý tập trung. Khi nước sông Tô Lịch sạch, có thể bổ cập nước sông Hồng để tạo dòng chảy lưu thông.
Các chuyện gia viện dẫn, nước thải, chất thải ra sông Tô Lịch 24/24h, trong chất thải ra sông còn chứa kim loại nặng, chất rắn khó phân hủy rất khó có công nghệ nào có thể xử lý hết./.
Từ khóa: sông Tô Lịch, Công nghệ làm sạch sông Tô Lịch, lấy nước hồ Tây vào sông Tô Lịch,
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN