Công nghệ giúp Việt Nam đối phó với dịch bệnh mới
Cập nhật: 22/11/2024
Bệnh hô hấp gia tăng ở trẻ: Cần lưu ý gì (07/12/2024)
Bình Dương: Nỗ lực nâng cao chất lượng y tế tuyến cơ sở (01/12/2024)
VOV.VN - Việc huy động các nguồn lực và công nghệ trong phòng chống dịch bệnh là giải pháp thiết yếu giúp Việt Nam đối phó với các thách thức y tế công cộng trong bối cảnh có nhiều dịch bệnh truyền nhiễm mới. Nội dung được thảo luận tại Hội nghị khoa học bệnh truyền nhiễm và các vấn đề y tế công cộng sau đại dịch COVID-19 do Viện Pasteur TPHCM tổ chức hôm nay (22/11).
Theo Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, đại dịch COVID-19 không chỉ làm thay đổi cách sống và làm việc của nhiều người mà còn đặt ra những thách thức lớn về hệ thống y tế toàn cầu.
Trong đó, có 4 yếu tố chính định hình lại bức tranh bệnh truyền nhiễm trong và sau đại dịch. Trước tiên là già hóa dân số đang gia tăng nhanh chóng. Tại Việt Nam, tuổi thọ trung bình hiện nay là 73,6, tăng hơn 50% so với năm 1952. Người cao tuổi đối mặt với nguy cơ cao về các bệnh mạn tính và bệnh truyền nhiễm. Do vậy hệ thống y tế cần được thiết kế lại để đáp ứng nhu cầu chăm sóc cho nhóm dân số này, không chỉ kéo dài tuổi thọ mà còn đảm bảo chất lượng cuộc sống.
Cũng theo bà Pratt, biến đổi khí hậu làm tăng nguy cơ bùng phát các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết và các bệnh lây truyền từ động vật sang người. Nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam phải đối mặt với thách thức lớn trong việc kiểm soát các dịch bệnh này.
Bên cạnh đó, qua đại dịch COVID-19 cho thấy minh chứng rõ nét của khả năng ứng dụng công nghệ y tế. Tiến sĩ Pratt đặc biệt lưu ý rằng một số cộng đồng yếu thế, bao gồm người dân vùng sâu, vùng xa và người có hoàn cảnh khó khăn, vẫn chưa được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ y tế cần thiết, từ tiêm chủng phòng bệnh đến điều trị các bệnh truyền nhiễm.
Mặc dù Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ, nhưng hệ thống y tế vẫn còn nhiều lỗ hổng, đặc biệt trong việc dự báo, giám sát và ứng phó với các bệnh truyền nhiễm quy mô lớn.
Tiến sĩ Pratt nhấn mạnh, để vượt qua các thách thức này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia, tổ chức quốc tế và các ngành liên quan. WHO cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc cải thiện hệ thống y tế, xây dựng các giải pháp phòng chống và kiểm soát bệnh truyền nhiễm hiệu quả hơn trong tương lai.
Tiến sĩ Nguyễn Vũ Trung, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM cho rằng, Việt Nam là một quốc gia nhiệt đới, đối mặt với nhiều bệnh truyền nhiễm do sự gia tăng giao lưu, di chuyển dân cư và đô thị hóa. Một số bệnh như hô hấp, tiêu hóa hoặc các bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine vẫn đang lưu hành, đặc biệt ở các khu vực có điều kiện dịch tễ đặc thù. Ông nhấn mạnh, phát hiện sớm, cách ly và quản lý kịp thời là yếu tố then chốt để kiểm soát dịch.
Gần đây, Việt Nam ghi nhận một số ca bệnh nhiễm đậu mùa khỉ, được phát hiện nhờ hệ thống xét nghiệm của Viện Pasteur TPHCM. Viện cũng đã triển khai nhiều biện pháp cách ly, điều trị và giám sát, giúp ngăn chặn bệnh lây lan.
Viện Pasteur TPHCM cũng đã triển khai ứng dụng AI và các công cụ phần mềm hỗ trợ trong khoảng 5 năm qua, trở thành đơn vị tiên phong trong lĩnh vực y tế dự phòng của Việt Nam. Thực hiện xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu lớn, kết nối chặt chẽ với mạng lưới trung tâm phòng chống bệnh tật (CDC) và các cơ sở y tế thuộc 20 tỉnh, thành phố trên cả nước.
"Chúng tôi áp dụng các công cụ AI đã được sử dụng hiệu quả. Đó là các ứng dụng để mô hình hóa để dự báo dịch, nhất là trong thời gian dịch COVID-19. Đối với các dịch bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng, chúng tôi đang có các nghiên cứu để phát triển các mô hình dự báo”, TS Nguyễn Vũ Trung nói.
Từ khóa: dịch bệnh mới, Việt Nam,COVID-19 ,sốt xuất huyết ,công nghệ , Viện Pasteur TPHCM ,Angela Pratt,WHO
Thể loại: Y tế
Tác giả: kim dung, ctv thùy liên/vov-tphcm
Nguồn tin: VOVVN