Cộng đồng người Việt tại Nga “gồng mình” đối phó đại dịch Covid-19

Cập nhật: 04/01/2021

(VOV5) -Hội người Việt tại Saint.Peterburg đã quyên góp tiền, kêu gọi các doanh nghiệp của người Việt mua vật tư y tế, thuê, hoặc nhờ may để tặng các bệnh viện của thành phố.

Cộng đồng người Việt tại Nga sống và làm việc, kinh doanh ở nhiều thành phố, trong đó,ở Saint.Peterburg-thành phố lớn thứ hai của Nga, có khoảng hơn 1.000 người. Trong năm 2020, trước tác động của đại dịch Covid-19, cộng đồngđãđối mặt với vô vàn khó khăn, nhưng phải gắng sứcduy trì cuộc sống, giúp đỡ lẫn nhau.Mặt khác, bà con phát huy tinh thần tương thân tương ái, tổ chức các hoạt động thiện nguyện giúp thành phố trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 và giúp đỡ đồng bào miền Trung bị lũ lụt, hướng về quê hương, đất nước.

Cộng đồng người Việt tại Nga “gồng mình” đối phó đại dịch Covid-19 - ảnh 1

Ông Đào Đại Hải, Phó chủ tịch Hội người Việt tại Saint.Peterburg.

Trong hơn 1.000 ngườiViệt ở Saint.Peterburg thì chỉ có khoảng hơn 300 người thuộc diện định cư, hơn 200 người sang làm việc ở các nhà máy, xí nghiệp, còn lại là sinh viên đang học tại các trường đại học của thành phố. Sau gần một năm cầm cự trong điều kiện dịch Covid-19 hoành hành dữ dội ở đây, vừa phải phòng tránh để không bị lây nhiễm, vừa phải tiếp tục công việc kinh doanh để đảm bảo cuộc sống, anh Nguyễn Xuân Hoan buồn bã cho biết: “Chợ gần như không có khách, em ra từ 6h-6h30, ngày nào cũng thế, ăn cơm trưa xong mới mở hàng. Em bán quần áo. Khi nghỉ dịch, không đi làm, thì họ giảm cho 30%, đi làm lại thì nộp 100%".

Rời Nghi Lộc, Nghệ An sang Nga được hơn 6 năm, anh Hoan đã lập gia đình, có hai conđều còn nhỏ. Giờ không thể cầm cự được nữa, anh đang tính đưa vợ và hai con về quê để nương nhờ ông bà nội, ngoại và cho các con đi học. Bản thân anh cũng đang tính chuyển hướng làm việc khác, có thể đi làm công, ăn lương để duy trì cuộc sống.

Khó khăn của gia đình anh Hoan cũng là tình hình chung của cả cộng đồng người Việt ở thành phố Saint Peterburg nói riêng và ở Nga nói chung. Dịch Covid-19 hoành hành dữ dội, nếu trước làn sóng thứ nhất hồi mùa xuân, thành phố đứng thứ 3 ở Nga về số ca nhiễm bệnh, thì đến làn sóng thứ hai vào mùa thu, nơi đây đã chiếm vị trí thứ 2 với số ca nhiễm tăng nhanh mỗi ngày, đặc biệt là tỷ lệ tử vong vào diện cao nhất cả nước. Dịch bệnh khiến cho mọi hoạt động kinh tế-xã hội đình trệ, sức mua, nhu cầu tiêu dùng trên thị trường giảm. Những ngành liên quan đến cộng đồng người Việt ở đây đều rất khó khăn, đó là du lịch đóng băng, nhà hàng ít khách, buôn bán ở các chợ, trung tâm thương mại là nghề chính của đa số bà con bị vắng khách, ế ẩm. Nhiều người phải giảm bớt số quầy thuê, cắt giảm nhân viên, cố gắng cầm cự qua ngày.

Với một chủ doanh nghiệp kinh doanh đa ngành, vừa du lịch, logistics, nhà hàng như ông Đào Đại Hải, đồng thời là Phó chủ tịch Hội người Việt tại Saint Peterburg, cũng không tránh khỏi những tác động của đại dịch. Ông Hải cho biết: “Những lĩnh vực như nhà hàng, du lịch, thì hiện nay chúng tôi chủ yếu nuôi quân, trả tiền lương để duy trì đội ngũ, hầu như không có hoạt động. Nhà hàng vẫn đông khách, nhưng sử dụng lao động tối thiểu thôi. Du lịch hoàn toàn đóng băng".

Cộng đồng người Việt tại Nga “gồng mình” đối phó đại dịch Covid-19 - ảnh 2

Theo ông Đào Đại Hải, đến thời điểm này có khoảng hơn 200 người Việt, bao gồm cả sinh viên mắc Covid-19. Ông Hải cho biết, ngay từ khi dịch bùng phát, Ban chấp hành Hội người Việt ở Saint.Peterburg, cùng với các đại diện sinh viên đã tổ chức họp online, đánh giá chính xác tình hình để tư vấn cho bà con về cách phòng tránh cũng như hỗ trợ gọi cấp cứu, tiếp tế đồ ăn cho những trường hợp phải cách ly hoặc mắc bệnh nặng cần đi bệnh viện điều trị sau này. Do đó, may mắn lớn nhất là đến hiện nay, tất cả các trường hợp nhiễm bệnh đều được chữa trị kịp thời và bình phục, không có ai tử vong.

Không những thế, ngay từ khi ở Saint Peterburg bị lây lan dịch Covid-19, Ban chấp hành Hội người Việt đã xác định, cần làm những việc thiện nguyện để tri ân sở tại, nơi cộng đồng người Việt sống, làm việc, học tập. Hội đã đứng ra quyên góp tiền trong cộng đồng, kêu gọi các doanh nghiệp của người Việt mua vật tư y tế thuộc diện hiếm, khó tìm, thuê, hoặc nhờ may để tặng các bệnh viện của thành phố. Đó là các bộ đồ bảo hộ y tế, ủng y tế, khẩu trang.

Theo ông Đào Đại Hải, sự giúp đỡ này rất có ý nghĩa trong thời gian đầu. Vì mặc dù ngành y tế Nga được trang bị khá mạnh, nhưng không đủ trước đại dịch lớn không được lường trước, đặc biệt là khẩu trang, đồ bảo hộ. Việc làm thiện nguyện của cộng đồng người Việt tại đây đã được Phó chủ tịch Hội đồng lập pháp của thành phố Anatoly Drozdov đề xuất đưa lên hệ thống thông tin, truyền thông đại chúng để động viên các tổ chức khác trong xã hội Nga làm theo, tạo ra hiệu ứng tốt.

Bên cạnh đó, mặc dùphải chống đỡ với đại dịch, gặp muôn vàn khó khăn, nhưng đến những tháng cuối năm, khi nghe được thông tin từ trong nước về bà con Miền Trung bị thiệt hại nặng nề do lũ lụt, Hội người Việt tại Saint Peterburg đã tiếp tục truyền thống như mọi năm, tổ chức quyên góp trong cộng đồng và gửi tiền, quà về giúp đỡ.

Ông Đào Đại Hải cho biết: “Rất may là trong khi quyên góp, chúng tôi biết được Đài Tiếng Nói Việt Nam tổ chức các chương trình đi làm từ thiện, ủng hộ đồng bào bão lụt trực tiếp. Thông qua các phóng viên của Đài, chúng tôi gửi tiền quyên góp được, nhờ nhà Đài ủng hộ bà con Miền Trung. Nhân đây tôi xin thay mặt cộng đồng người Việt Nam ở Saint Peterburg cảm ơn Đài Tiếng Nói Việt Nam đã hỗ trợ chúng tôi đóng góp phần nhỏ bé của mình để hỗ trợ bà con khó khăn ở trong nước".

Tổng số tiền gửi về là 50 triệu đồng, tuy không nhiều, nhưng là tấm lòng của bà con ở Saint.Peterburg gửi đến đồng bào Miền Trung. Dù ở xa Tổ quốc, nhưng cộng đồng người Việt ở cố đô Phương bắc của nước Nga vẫn giữ truyền thống “lá lành đùm lá rách”, sẻ chia khó khăn với bà con ở trong nước.

Hàng năm, vào những ngày lễ lớn của đất nước như 30/4, 2/9, 22/12, Hội người Việt ở Saint Peterburg thường tổ chức tiệc, mời các cựu chiến binh đã từng chiến đấu ở Việt Nam tham dự, hàn huyên về Việt Nam. Thông qua đó, các cụ sẽ kể cho con, cháu mình về Việt Nam. Hội cũng tranh thủ sự quan tâm của Ban đối ngoại thành phố, không gian ngôi nhà các dân tộc, tổ chức thanh niên, để tổ chức các chương trình văn nghệ, festival văn hóa, nhằm giới thiệu với bạn bè Nga về đất nước Việt Nam.

Năm nay do dịch bệnh, nên các hoạt động văn hóa, xã hội của cộng đồng phải tạm dừng. Sang năm 2021, khi dịch bệnh được kiểm soát và đẩy lùi, Hội người Việt tại Saint Peterburg sẽ khôi phục dần các hoạt động này, để vừa thắt chặt tình đoàn kếttrong cộng đồng, vừa vun đắp gắn bó với sở tại, góp phần vào mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai dân tộc, hai đất nước Việt Nam - Liên bang Nga.

Từ khóa: VOV, VOVworld, VOV5, Hội người Việt tại Saint Peterburg, Liên bang Nga, chương trình từ thiện

Thể loại: Thời sự

Tác giả:

Nguồn tin: VOV5

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập