Cộng đồng bản địa chung tay cùng Cỏ Mềm bảo vệ “Rừng an lành”

Cập nhật: 1 ngày trước

VOV.VN - Bên cạnh tập huấn, việc thành lập các đội tuần tra rừng ngay tại địa phương đã thổi một luồng sinh khí mới vào công tác trồng và bảo vệ “Rừng an lành”, khi chính người dân trở thành chủ thể giữ rừng.

Trồng rừng bền vững từ sự kết hợp của 4 bên

Xuất phát từ tình yêu thiên nhiên và giá trị cốt lõi “yêu thương con người - yêu thương Trái Đất”, dự án trồng rừng - “Rừng an lành” đã được Công ty Cổ phần Mỹ phẩm Thiên nhiên Cỏ Mềm (Cỏ Mềm) triển khai trong suốt nhiều năm qua, đặt tiêu chí “bền vững” lên hàng đầu, với sự kết hợp 4 bên: doanh nghiệp, chuyên gia, chính quyền địa phương và người dân.

Không đơn thuần chỉ tài trợ tiền mua cây và phó mặc cây cho người dân, dự án tập trung cung cấp kiến thức, kỹ năng cho bà con, đặc biệt, truyền cảm hứng cho họ biết yêu và giữ lấy màu xanh trên mảnh đất quê hương mình. Chính vì thế, rất nhiều buổi tập huấn đã được tổ chức đều đặn, dưới sự dẫn dắt chuyên môn của Trung tâm Phát triển Nông thôn bền vững SRD và Hạt kiểm lâm địa phương.

Anh Bùi Quốc Quân, cán bộ dự án của SRD chia sẻ: “Người dân quen với việc đốt nương vì họ nghĩ tro tốt cho đất. Nhưng thực tế, sau nhiều năm dùng chất diệt cỏ, đất đã bạc màu. Một khi đốt, lớp đất mặt màu mỡ bị rửa trôi sau mỗi cơn mưa, khiến đất ngày càng cằn cỗi. Chúng tôi không cấm đoán hay áp đặt, mà phân tích, cùng họ thảo luận cái lợi, cái hại, để họ tự đưa ra quyết định”.

Trong bối cảnh điều kiện khí hậu khắc nghiệt và lập địa đất dốc, nghèo dinh dưỡng, việc trồng rừng ở khu vực Thuận Châu không hề dễ dàng. Đó cũng là lý do Cỏ Mềm đã dự phòng cây để trồng dặm, giúp bà con yên tâm đồng hành cùng dự án.

Anh Vũ Bảo Linh, đại diện Cỏ Mềm bộc bạch: “Năm nay, Cỏ Mềm hỗ trợ cây giống, phân bón và tiền công chăm sóc 6.000 cây trồng mới cho bà con để phục hồi hơn 6ha rừng bị cháy. Bên cạnh đó, chúng tôi đã dự phòng 600 cây từ nguồn quỹ để trồng dặm lại trong trường hợp một số cây bị chết. Đó là tâm huyết của Cỏ Mềm với mong muốn hỗ trợ trồng rừng một cách tối đa và hiệu quả nhất”.

Tổ tuần tra bảo vệ rừng

Vài năm gần đây, trong bối cảnh nguy cơ cao xảy ra cháy rừng vào mùa khô, những tổ tự quản bảo vệ rừng tại nhiều thôn bản ở Sơn La đã được thành lập. Mỗi tổ tự quản có 5-7 người, chia tuyến luân phiên hoạt động đều đặn, và đó cũng chính là điểm nhấn mới của dự án “Rừng an lành” năm nay.

“Mình tổ chức cho bà con đi trồng rừng, tái sinh rừng, mùa khô thì phòng cháy chữa cháy, mùa mưa thì kiểm tra sạt lở. Có hôm trời mưa, anh em không đi xe được, phải đi bộ xuyên đồi. Vất vả nhưng cũng đáng.” – Anh Lường Văn Pương (Bí thư Chi bộ Trưởng bản Màu Thái, Phỏng Lập, Thuận Châu, Sơn La)

Đội tuần tra bản Mầu Thái hiện có 20 thành viên, trong đó có 7 nữ. Chị Quàng Thị Dẫn, Chi hội phụ nữ thôn kể về niềm vui mới: “Mình từng được cô giáo dạy phải trồng và bảo vệ rừng. Bây giờ, được đi tuyên truyền, đi tuần tra, cảm thấy vui lắm. Mỗi ngày đi là mỗi ngày góp phần bảo vệ một tế bào lá phổi xanh cho xã hội”.

Ngoài trồng trọt, chăn nuôi để tự cung tự cấp, thu nhập từ việc bảo vệ rừng cũng là một nguồn hỗ trợ thiết thực. Anh Bùi Xuân Mạnh, kiểm lâm viên địa bàn cho biết: “Tiền dịch vụ môi trường rừng hằng năm sẽ được trích lại 15–20% để trợ cấp xăng xe cho anh em đi tuần tra. Nhờ sự phối hợp của kiểm lâm, tổ chức SRD và doanh nghiệp Cỏ Mềm, các tổ hoạt động hiệu quả rõ rệt. Người dân dần ý thức hơn rằng việc giữ rừng không chỉ là trách nhiệm với thiên nhiên, mà còn là giữ lấy chính sinh kế của mình”.

Anh Lường Văn Pương nhớ lại một vụ cháy hồi tháng 3: “Khoảng 3h chiều, lửa bốc lên từ đám nương. Tôi kêu gọi bà con, huy động cả bản đi dập lửa. Mùa hanh khô, bà con hay đốt nương gần rừng nên mình phải tuyên truyền bằng loa kéo. Thú thật là so với trước kia, các chuyên gia đã truyền cảm hứng cho mình hơn rất nhiều. Anh em đã mạnh mẽ hơn, bảo ban nhau tham gia bảo vệ rừng rất tốt.”

Đó không phải là kết quả của một buổi nói chuyện, mà là thành quả của hàng chục buổi tập huấn, những lần cùng ăn ở, cùng đi rừng của các cán bộ, chuyên gia.

Sáng hôm ấy, anh Đường Văn Chắn vừa tưới những cây cà phê con trong vườn nhà, vừa kể rằng anh sẽ trồng xen canh cây lâm nghiệp để bảo vệ cà phê trên nương rẫy. Một nhận thức mà phải rất kiên trì bền bỉ, các chuyên gia, các tổ chức, các cán bộ kiểm lâm mới truyền tải được đến cho người dân.

Từ một thói quen cũ đến một tư duy mới là hành trình dài. Chính sự tâm huyết của những người làm dự án không quản ngại đường xa, lên tận nơi cầm tay chỉ việc cho bà con, đã giúp họ trở thành những “người trồng rừng” có hiểu biết. Và mọi hành trình vững bền luôn bắt đầu từ những bước chân rất nhỏ, nhưng trái tim đủ lớn để sẵn sàng cho đi.

IMG_1752200477316_1752203699651.jpg

Bữa cơm công nhân, ấm lòng nơi rừng vắng

VOV.VN - Dưới tán rừng cao su bạt ngàn, "Bữa cơm Công đoàn" trở thành điểm hẹn thân tình, nơi lãnh đạo đơn vị, cán bộ Công đoàn và người lao động Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh cùng ngồi lại, sẻ chia từng câu chuyện đời thường.

 

Từ khóa: Cỏ Mềm, Cỏ Mềm, Rừng An Lành, Cộng đồng bản địa

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: ctv thanh tâm/vov.vn

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập