Công an TP.HCM thông tin hai phương thức chính lừa đảo qua mạng
Cập nhật: 14/10/2024
Bộ trưởng Bộ Công an yêu cầu sắp xếp, tinh gọn bộ máy công an các cấp
Ông Lê Thanh Vân khai lý do nhận tiền cảm ơn "cho họ vui", không đòi hỏi
VOV.VN - Tại buổi làm việc của Đoàn ĐBQH TP.HCM với UBND TP.HCM về tình hình KT – XH, chiều 14/10, đại diện Công an TP.HCM đã thông tin về tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao và lừa đảo chiếm đoạt qua mạng.
Tại buổi làm việc, ĐBQH Phan Thị Thanh Phương, Bí thư Quận ủy Phú Nhuận cho biết, qua tiếp xúc cử tri, nhiều ý kiến cho biết, tình hình tội phạm mạng lừa đảo ngày càng tăng.
Theo ĐB Phan Thị Thanh Phương, tại kỳ họp Quốc hội sắp tới sẽ có nhiều luật được đề xuất, như Luật Dữ liệu và Luật Quảng cáo. Do đó, cần có cơ chế và giải pháp cụ thể để giải quyết vấn đề phức tạp này.
"Người dân phản ánh rất nhiều thông tin người ta lan ra là một. Thứ hai là bị lừa đảo bởi chính những người shipper …có nghĩa là tình hình lừa đảo trên mạng là một chuyện, nhưng tình hình lừa đảo ứng dụng công nghệ ngày càng nhiều. Và càng nói thì sự việc, sự vụ ngày càng nhiều hơn, càng phức tạp với nhiều cách thức hơn nữa", ĐBQH Phan Thị Thanh Phương nói.
Thông tin về vấn đề này, Đại tá Nguyễn Đình Dương, Phó Giám đốc Công an TP.HCM cho biết, trong thời gian vừa qua, tội phạm sử dụng công nghệ cao và lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng chiếm tỉ lệ cao và diễn biến hết sức phức tạp. Đây không chỉ là vấn nạn của nước ta mà là vấn đề chung của cảnh sát của các nước trên thế giới.
Theo Đại tá Nguyễn Đình Dương, các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn, tuy nhiên có 2 phương thức thủ đoạn chính.
Thứ nhất là tạo tâm lý lo sợ và khống chế tâm lý của nạn nhân và thứ hai là dẫn dụ vào trong quan hệ để tạo lợi nhuận cho nạn nhân, đánh vào tâm lý là lòng tham của nạn nhân.
Trước vấn nạn trên, thời gian qua, Công an Thành phố đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện rất nhiều giải pháp cụ thể như lập tổ phản ứng nhanh, trong đó phối hợp với các ngân hàng và các nhà mạng.
Theo Phó Giám đốc Công an Thành phố, việc này nhằm để khi phát hiện sự việc là chặn ngay dòng tiền, không cho chuyển khoản. Lí do là khi số tiền lừa đảo vào tài khoản của các đối tượng sẽ phân ra nhiều tài khoản nhỏ và chuyển đi, dòng tiền sẽ đến các tài khoản ở nước ngoài.
Công an TP cũng sẽ xác minh tài khoản IP để đấu tranh làm rõ cũng như tăng cường tuyên truyền đến người dân:
"Công an Thành phố đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân về các phương thức, thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng. Nếu mà nạn nhân lỡ mà đã chuyển khoản thì phải cung cấp cái thông tin báo tin tố giác ngay cho lực lượng công an để ngăn chặn cái dòng tiền của cái đối tượng", Đại tá Nguyễn Đình Dương thông tin.
Thông tin thêm, Đại tá Nguyễn Đình Dương cho biết, Bộ Công an cũng đã phối hợp với Bộ Thông tin - Truyền thông, Bộ Kế hoạch - Đầu tư và các ngân hàng để chấn chỉnh tình trạng sim rác, các công ty ma, các tài khoản ngân hàng rác và online và các pháp nhân công ty. Việc này để chấn chỉnh lại những vấn đề mà lâu nay đối tượng lợi dụng.
Bộ Công an cũng xây dựng cơ chế hợp tác quốc tế đối với các tổ chức Interpol, cảnh sát các nước trên thế giới để nhanh chóng trao đổi thông tin, dẫn độ và ngăn chặn lừa đảo xuyên quốc gia; trao đổi với cảnh sát các nước trên thế giới để cấm và truy xét, đẩy mạnh quét việc đặt đại bản doanh để lừa đảo qua công nghệ cao.
Từ khóa: lừa đảo, tội phạm mạng, công an TP.HCM, công nghệ cao,qua mạng
Thể loại: Giáo dục
Tác giả: hà khánh/vov-tp.hcm
Nguồn tin: VOVVN