Con tự tử vì áp lực học tập: Lời cảnh tỉnh phụ huynh

Cập nhật: 17/12/2021

[VOV2] - Vụ việc một học sinh lớp 6 ở Chung cư Goldmark City (Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) tự tử do áp lực về việc học tập không chỉ gây sốc cho gia đình em mà còn là lời cảnh tỉnh cho tất cả các cha mẹ.

Tối 16/12, một vụ tự tử đau lòng xảy ra ở chung cư Goldmark City 136 đường Hồ Tùng Mậu (Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Theo đại diện Ban Quản trị Chung cư Goldmark City, nạn nhân là em T.T.D (12 tuổi, trú tầng 22 tòa S4, Chung cư Goldmark City).

Gia đình nạn nhân cho biết, D. đang học lớp 6. Do áp lực về việc học tập, tối 16/12 làm bài thi không tốt nên D. đã nhảy từ tầng 22 xuống. Phát hiện sự việc, người thân đã gọi xe cấp cứu, tuy nhiên cháu D. đã tử vong trước khi xe đến.

Vụ việc không chỉ gây ra cú sốc cho gia đình mà còn khiến tất cả bàng hoàng, xót xa. Sự ra đi của một học sinh mới chỉ học lớp 6 vì áp lực học tập, thi cử tiếp tục là một lời cảnh tỉnh cho tất cả các bậc cha mẹ.

Trao đổi với phóng viên VOV2 (Đài Tiếng nói Việt Nam), chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành cho rằng, áp lực học tập dù là vô hình nhưng có thể dẫn đến những hậu quả đau lòng tới con trẻ.

Áp lực học tập có thể đến từ cha mẹ, môi trường lớp học, bạn bè, từ sự trông đợi của xã hội, thông tin báo chí và đôi chí đến từ chính bản thân các em học sinh khi cảm thấy bản thân mình không đạt được thành tích như sự trông đợi của gia đình, xã hội, thầy cô…

“Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi học sinh phải học tập trực tuyến đôi khi có những lỗ hổng của kiến thức, lỗ hổng của sự tương tác bạn bè, thầy cô cũng làm gia tăng áp lực học hành. Đặc biệt là cách thức thi và kiểm tra trực tuyến làm căng thẳng thêm áp lực cho trẻ”, TS. Nguyễn Hà Thành chia sẻ.

Phân tích thêm về những ảnh hưởng của việc học tập trực tuyến kéo dài tới tâm lý trẻ em, TS. Nguyễn Hà Thành cho rằng, dù phải học online, giáo viên, phụ huynh vẫn đặt nặng thành tích và mục tiêu phải hoàn thành nội dung, kiến thức chương trình học.  

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành nêu quan điểm, việc học là việc cả đời. Trong hoàn cảnh dịch bệnh, việc các con duy trì nề nếp học hành, duy trì tinh thần học tập “dừng đến trường nhưng không dừng học” đã là một điều đáng quý. Không nên đặt nặng việc hoàn thành kiến thức.

“Chúng ta nên xác định việc trong dịch bệnh các em không từ bỏ việc hành đấy là tốt rồi, vẫn có tinh thần học hỏi còn lại kiến thức có thể bồi đắp lâu dài".

Nhiều bé 5-7 tuổi đã nghĩ đến sự sống, cái chết

Tuy nhiên, điều khiến TS. Nguyễn Hà Thành lo lắng nhất là nhiều vụ tự tử xảy ra trong thời gian qua có những trường hợp trẻ ở lứa tuổi rất nhỏ, chỉ lớp 5, lớp 6 hay lớp 7 và đây chính là một lời cảnh báo cho người lớn.

“Tôi từng làm việc với các bé 5-7 tuổi, các con đã có những áp lực, đã biết nghĩ đến sự sống, cái chết, nhắc đến những lời lẽ thương tâm. Sức khỏe tâm thần không chỉ là vấn đề riêng ở lứa tuổi nào. Mỗi lứa tuổi có áp lực khác nhau và hai năm nay lứa tuổi tiểu học phải chịu áp lực học hành rất lớn. Nhưng đặc biệt lớn nhất là học sinh cấp 2 và học sinh chuyển cấp”, TS. Nguyễn Hà Thành phân tích.

Trước những chuyển biến về tâm sinh lý của trẻ, nhất là trong bối cảnh phải học trực tuyến dài ngày, chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành cho rằng việc phân tích diễn biến tâm lý của trẻ không quan trọng bằng những ý tưởng lâu dài và quan điểm của cha mẹ về vấn đề học hành.

Phụ huynh phải xác định việc học là việc lâu dài, không phải là chuyện ngày một ngày hai, không phải là chuyện của học kỳ này, học kỳ kia. Điểm số có lúc lên, lúc xuống; kiến thức có thể hổng chỗ này, chỗ kia nhưng có nhiều cách để hóa giải điều đó. Tuy nhiên, điều này phải được mở đường từ chính phụ huynh và giáo viên.

Từ khóa: Học sinh tự tử, áp lực học tập, thi cử, học trực tuyến, Goldmark City, TS. Nguyễn Hà Thành

Thể loại: Giáo dục

Tác giả:

Nguồn tin: VOV2

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập