Còn nhiều băn khoăn với hai phương án rút BHXH một lần

Cập nhật: 02/11/2023

VOV.VN - Chiều 2/11, Bộ trưởng LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung đã trình Quốc hội tờ trình về Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi (Dự thảo luật), trong đó nêu hai phương án rút BHXH một lần. 

Hai phương án rút BHXH một lần

Theo đó, phương án 1 quy định việc hưởng BHXH một lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau. Cụ thể, nhóm 1 là người lao động đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025), sau 12 tháng nghỉ việc và chưa đủ 20 năm đóng BHXH, nếu có nhu cầu thì được nhận BHXH một lần. 

Nếu người lao động lựa chọn bảo lưu, không nhận BHXH một lần thì sẽ được hưởng các quyền lợi bổ sung như: chỉ cần đóng BHXH đủ 15 năm và đủ tuổi nghỉ hưu thì được hưởng lương hưu; hưởng trợ cấp hàng tháng trong trường hợp có thời gian đóng BHXH mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; hưởng BHYT do ngân sách nhà nước đảm bảo trong thời gian hưởng trợ cấp hàng tháng…

Nhóm 2, đối với người lao động bắt đầu tham gia vào BHXH từ khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, không được nhận BHXH một lần. Chỉ giải quyết hưởng BHXH một lần trong các trường hợp: đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như quy định hiện hành.

Phương án 2, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, là chỉ giải quyết một phần nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất.

Trình bày báo cáo thẩm tra sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, vấn đề này còn nhiều loại ý kiến khác nhau. Một loại ý kiến cho rằng nên lựa chọn theo phương án 1 vì phương án này có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn khuyến khích người lao động khi bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần. 

Bên cạnh đó, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức ở Việt Nam hiện nay vẫn còn rất cao (68,5%), tích lũy từ tiền lương và thu nhập của người lao động còn thấp, việc rút BHXH một lần có thể là nguồn tài chính hữu ích để người lao động duy trì, bảo đảm được phần nào cuộc sống trước mắt.

Phương án 1 cũng không gây xáo trộn, ảnh hưởng tới những người có thời gian bắt đầu tham gia BHXH trước khi luật này có hiệu lực thi hành. Ngược lại, loại ý kiến này cho rằng, phương án 2 vẫn còn những cách hiểu khác nhau, chưa rõ việc giải quyết một phần thời gian đóng là khoảng thời gian nào trong cả quá trình đóng BHXH, chưa kể có nhiều trường hợp đóng gián đoạn, không liên tục… 

Ngoài ra, nếu phát sinh tình huống khi người lao động quay trở lại tham gia BHXH thì việc cộng nối thời gian sẽ được tính thế nào cũng chưa rõ.

Trong khi đó, một loại ý kiến khác lại ủng hộ phương án 2 vì cho rằng, phương án này giúp người lao động có thêm chi phí để giải quyết những khó khăn trước mắt, đồng thời cũng vẫn còn những yếu tố động lực để giữ người lao động ở lại hệ thống lâu hơn, tăng thêm khả năng được thụ hưởng các quyền lợi của BHXH.

Phương án này cũng đảm bảo Quỹ BHXH luôn được duy trì ở trạng thái an toàn cao hơn so với phương án 1 trong các trường hợp người tham gia BHXH bắt buộc đồng loạt rút BHXH một lần, như tình trạng đã từng xảy ra trong đại dịch COVID-19. 

Loại ý kiến thứ 3 là chưa đồng ý với cả 2 phương án Chính phủ trình. Theo đó, phương án 1 sẽ tạo sự bất bình đẳng giữa những người tham gia trước và sau khi luật có hiệu lực, tiềm ẩn gây mất ổn định xã hội, tạo làn sóng ồ ạt rút BHXH một lần. Trong khi đó, phương án 2 cho rút 50% là không hợp lý vì số tiền người sử dụng lao động đóng BHXH cho người lao động là tiền của người lao động và chưa lý giải về  tỷ lệ 50%.

Nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra, bà Thúy Anh nói: “Đề nghị không nên thiết kế thành hai phương án để lựa chọn một phương án mà chỉ nên có một phương án nhưng thiết kế thành nhiều phương thức khác nhau để người lao động lựa chọn. Đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, đề xuất rõ hơn chính sách về BHXH một lần, đồng thời, cần có quy phạm tương ứng cho từng phương án để làm căn cứ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến theo hướng bảo đảm tốt nhất quyền lợi lâu dài của người lao động tham gia bảo hiểm nhưng cũng hài hòa với nguyên tắc đóng - hưởng, có chia sẻ của BHXH”.

Bộ Tài chính chỉ ra vấn đề còn bỏ ngỏ

Tiếp tục thảo luận tại tổ về Dự án Luật BHXH, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay theo phương án 2 đưa ra sẽ cho người lao động rút 50% và giữ lại 50%. Tuy nhiên, ông đặt vấn đề cơ sở nào để rút 50%, bởi điều này phải căn cứ vào khả năng đóng và rút.

Ông Phớc dẫn ví dụ, với phần chủ sử dụng lao động đóng cho người lao động dù vẫn là của người lao động nhưng phải để lại, sau này đóng tiếp nhằm có lương hưu. 

“Ví dụ, cơ cấu đóng Quỹ BHXH là 25,5%, trong đó, 8% là người lao động đóng còn 17,5% là doanh nghiệp đóng. Với 18% thì có 3% là ốm đau, thai sản, 0,5% là ốm tai nạn, 14% là chế độ hưu trí, tử tuất. 

Vậy tôi nghĩ nên để lại 14% mà doanh nghiệp đóng cho người lao động để giữ lâu dài, còn lại 11,5% thì người lao động muốn rút ra sẽ được rút. Nếu như vậy sẽ tương ứng được rút ra khoảng gần 46% còn 54% để lại”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói.

Bộ trưởng cũng cho rằng vẫn còn những vấn đề bỏ ngỏ và có khoảng trống: “Tức là khi người lao động chỉ rút 46% để lại 54% hay rút 50% để lại 50%, thì sau bao nhiêu năm sẽ được rút phần còn lại kể cả khi họ không tiếp tục quay lại đóng bảo hiểm. Chứ không lẽ tiền đó lại để BHXH chiếm dụng?”.

Đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) nhận định, vấn đề hưởng BHXH một lần là nội dung luôn được thảo luận, tranh luận khá gay gắt vì có sự xung đột lợi ích. 

“Người đóng BHXH mong muốn được rút tiền ngay khi mất việc để giải quyết những nhu cầu tài chính cấp bách của mình còn Nhà nước lại muốn bảo vệ lâu dài cho người lao động, nhất là khi họ hết tuổi lao động, già yếu, không còn thu nhập nữa, không muốn họ trở thành gánh nặng tài chính cho gia đình và xã hội. Mong muốn của cả hai bên đều rất chính đáng”, bà Yên nói.

Theo bà Tạ Thị Yên, trong thực tế, tiền đóng BHXH là để dưỡng già và gắn với BHYT vốn được chi trả như nhau và không phụ thuộc vào số năm đóng cũng như mức hưởng BHXH. Với mục tiêu mở rộng hướng tới bao phủ trợ cấp xã hội BHYT, những người rút BHXH một lần sẽ vẫn được Nhà nước đảm bảo. 

Vì vậy, đại biểu Tạ Thị Yên cho biết, bà nghiêng về phương án 2 là đảm bảo lâu dài, bền vững an sinh xã hội cho mọi người dân. Theo bà Yên, nghị quyết 28 cũng đã chỉ rõ có quy định phù hợp để giảm tình trạng rút BHXH một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí cũng như giảm quyền lợi nếu như hưởng BHXH một lần. 

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (đoàn Hà Nội) cũng bày tỏ ủng hộ phương án 2, tuy nhiên, bà kiến nghị mức rút BHXH không phải là 50% mà tương ứng với mức đóng bảo hiểm của người lao động, để người lao động chỉ có thể rút khoản tiền đóng vào quỹ. Còn khoản tiền mà người sử dụng lao động đóng sẽ được giữ lại để chi trả một phần lương hưu sau này. 

Từ khóa: bhxh, rút bhxh một lần, rút bhxh, hai phương án rút bhxh một lần

Thể loại: Nội chính

Tác giả: lê hoàng/vov.vn

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập