"Con người là tài sản quý giá nhất trong công tác ngoại giao văn hóa"

Cập nhật: 19/12/2023

VOV.VN - Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng cho rằng, trong công tác ngoại giao văn hóa, con người chính là tài sản quý giá nhất.

Mối lương duyên Việt - Pháp

Việt Nam và Pháp có nhiều mối lương duyên và có những mối quan hệ lịch sử, quan hệ hữu nghị truyền thống, đồng thời cũng có bề dày hợp tác rất sâu rộng trên nhiều lĩnh vực. Đó chính là nền tảng tốt để chúng ta tiến hành các hoạt động ngoại giao văn hóa cũng như ngoại giao công chúng và các hoạt động thông tin đối ngoại tại địa bàn Pháp.

“Chúng ta có thiện cảm tốt và đồng thời có sự tin tưởng của bạn bè Pháp. Họ rất quý trọng tình hữu nghị với nhân dân Việt Nam cũng như tin tưởng vào khả năng mà Việt Nam có thể tăng cường hợp tác với Pháp trong thời gian tới”, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng cho hay.

Trong thời gian qua, ngoại giao văn hóa cũng như thông tin đối ngoại tại địa bàn Pháp được tiến hành toàn diện trên nhiều mặt trận, đồng thời tranh thủ nhiều dịp lễ lớn trong quan hệ hai nước như: 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Pháp, 10 năm đối tác chiến lược. Việt Nam và Pháp cũng tổ chức các đợt kỷ niệm 50 năm Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam. 

“Các hoạt động ngoại giao văn hóa cũng như hoạt động thông tin tuyên truyền về Việt Nam tại địa bàn đã nhận được sự hưởng ứng rất lớn của kiều bào, bạn bè và các đối tác tại Pháp. Chúng ta có những hoạt động rất phong phú, không chỉ tại Paris mà còn tại các tỉnh, thành, vùng miền khác nhau của nước Pháp”, Đại sứ Đinh Toàn Thắng nói.

Theo Đại sứ, chúng ta đã nhận được hỗ trợ rất lớn của kiều bào, cộng đồng và bạn bè trong các hoạt động, từ kinh tế, văn hóa, du lịch đến ẩm thực, biểu diễn. Tất cả các hoạt động đều được lồng ghép và tạo hiệu ứng toàn diện, tích cực tại địa bàn trong thời gian qua. Các cơ quan đại diện Việt Nam tại Pháp đóng vai trò lớn khi tạo được hiệu ứng sâu rộng.

Ngoại giao văn hóa tại Pháp có một thuận lợi là khai thác được sự gắn bó giữa nhân dân hai nước, đồng thời cũng có sự tương đồng về văn hóa, được xây dựng qua nhiều thập kỷ, kể cả trong lịch sử cũng như giao lưu giữa nhân dân hai nước thời gian qua. Đồng thời, ngoại giao văn hóa tại Pháp cũng tranh thủ được thị hiếu của người Pháp về văn hóa khi thị trường văn hóa cũng như thị trường biểu diễn tại đây phát triển rất mạnh. 

Hiện nay, chúng ta đã tranh thủ được thế mạnh trong địa bàn và thế mạnh của văn hóa Việt Nam để phát huy được ngoại giao văn hóa tại điạ bàn Pháp.

Ngoại giao văn hóa Việt Nam tạo thành một thương hiệu tại Pháp

Các hoạt động ngoại giao văn hóa hiện nay đã tạo thành một thương hiệu tại Pháp.

Cứ định kỳ lại đến, Liên hoan ẩm thực Việt Nam được tổ chức hằng năm tại một quảng trường nhỏ của quận 5, thành phố Paris lại tập trung tất cả nhà cung cấp về ẩm thực cũng như thức ăn Việt Nam trên địa bàn. Sự kiện không chỉ có sự tham dự của người dân địa phương mà còn tạo được sự cuốn hút lớn đối với khách du lịch của Pháp tại Paris cũng như các địa phương lân cận.

“Người Pháp hâm mộ Việt Nam về rất nhiều thứ nên nếu kể ra một điểm thì sẽ phiến diện và không đủ. Về ẩm thực thì tất cả các nước và bạn bè đều thích phở, bún, cà phê, bánh mì Việt Nam. Hiện nay, tại Pháp, các cửa hàng phở Việt Nam đang chiếm thế thượng phong và khách ăn thì từ sáng đến tối. Về thời trang, rõ ràng đó là áo dài. Các buổi biểu diễn thời trang áo dài của chúng ta được bạn bè Pháp hướng ứng và vỗ tay vang dội trong suốt chương trình. Ngoài ra, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của ta được đánh giá cao. Các buổi biểu diễn nghệ thuật cũng được hoan nghênh rất lớn tại nhiều nhà hát của Pháp. Ngay cả tại Paris, chúng ta có một Trung tâm Văn hóa Việt Nam – 1 trong cho 2 trung tâm văn hóa do Bộ Văn hóa quản lý trên toàn thế giới. Đây là một thiết chế văn hóa mà qua đó thì chúng ta đã tổ chức nhiều hoạt động phong phú và lan tỏa được văn hóa Việt Nam tới bạn bè và đối tác Pháp".

Theo Đại sứ Đinh Toàn Thắng, thúc đẩy và làm được văn hóa ở Pháp, mặc dù chúng ta có nhiều thế mạnh, nhưng phải rất nỗ lực. Thứ nhất, chúng ta phải có kế hoạch bởi vì hoạt động văn hóa ở Pháp rất dồn dập và được ưa chuộng. Chúng ta phải có thông tin tuyên truyền cũng như truyền thông từ đầu để có sự chuẩn bị và tạo hiệu ứng tốt hơn. Chúng ta cũng phải huy động các lực lượng và nguồn lực như: cộng đồng kiều bào, hệ thống các hiệp hội, bạn bè cũng như các đối tác. Vai trò dẫn dắt của các cơ quan đại diện, các Bộ, ngành và các địa phương đã có quan hệ hợp tác với  Pháp cũng đóng vai trò quan trọng. Thứ ba nữa là làm sao phải xây dựng và nâng cao hơn nữa những sản phẩm quảng bá và tuyên truyền hấp dẫn hơn, phù hợp với thị hiếu của người Pháp ở địa bàn. 

Ngoại giao văn hóa là ngoại giao trên thực địa, cần phải có những tiếp xúc với công chúng một cách thường xuyên, luôn có cải tạo và đổi mới. 

Con người là tài sản lớn nhất

Chia sẻ về ấn tượng của người Pháp về Việt Nam, Đại sứ Đinh Toàn Thắng chia sẻ: “Nếu mà ấn tượng nhất thì thực ra là con người Việt Nam. Người Việt Nam chúng ta luôn tình cảm và mến khách. Việt Nam cũng có quan hệ bạn bè tốt với tất cả các dân tộc trên thế giới. Đặc biệt, với người Pháp, ai đến Việt Nam cũng ghi lại những ấn tượng sâu đậm về đất nước và con người, từ thái độ tiếp khách của tại sân bay, khách sạn đến các địa điểm du lịch. Ngay cả những người dân bình thường bán bánh mì, bán phở trên đường phố cũng để lại những hình ảnh đẹp trong lòng du khách Pháp. Theo tôi, tài sản lớn nhất của chúng ta chính là con người. Con người thực hiện nhiệm vụ quảng bá, con người làm du lịch. Con người là các “đại sứ” trên từng lĩnh vực quảng bá hình ảnh đất nước tới bạn bè quốc tế”.

Từ khóa: ngoại giao văn hóa, việt pháp, văn hóa việt nam, con người, phở việt tại pháp,tài sản quý nhất, đại sứ định toàn thắng

Thể loại: Nội chính

Tác giả: hoàng kiều trang/vov.vn

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập