Cơn ác mộng mang tên Covid-19 ở Nam Mỹ chỉ mới bắt đầu

Cập nhật: 28/05/2020

VOV.VN - Số ca Covid-19 tăng theo cấp số nhân, Bán cầu Nam sắp vào mùa đông, hệ thống y tế sụp đổ, kinh tế suy thoái..., cơn ác mộng của Nam Mỹ chỉ vừa bắt đầu.

Nam Mỹ quay cuồng trong Covid-19

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố Nam Mỹ trở thành "tâm chấn mới" của đại dịch Covid-19 và tình hình ở khu vực này dường như đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn.

Đến nay (28/5), Nam Mỹ ghi nhận tổng số 687.650 ca mắc Covid-19 và hơn 34.000 ca tử vong. Tuy nhiên, do hạn chế về tỷ lệ xét nghiệm và điều kiện y tế, các chuyên gia cho rằng, quy mô dịch bệnh bùng phát ở Nam Mỹ lớn hơn nhiều so với các con số chính thức hiện nay.

con ac mong mang ten covid-19 o nam my chi moi bat dau hinh 1

Người thân của 1 bệnh nhân mắc Covid-19 đứng xếp hàng nhận oxy cho người nhà tại một bệnh viện địa phương ở Iquitos, Peru ngày 14/5/2020. Ảnh: AFP

Brazil - quốc gia lớn nhất và đông dân nhất Nam Mỹ, đồng thời là ổ dịch lớn nhất ở đây ghi nhận 414.661 ca mắc Covid-19 và 25.697 ca tử vong, trong khi Tổng thống nước này - Jair Bolsonaro vẫn từ chối thực hiện các biện pháp mạnh mẽ nhất nhằm ngăn chặn sự lan rộng của dịch bệnh.

Tại Peru, quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng thứ 2 khu vực bởi đại dịch Covid-19, nhiều người dân nghèo buộc phải vi phạm các quy định cách ly xã hội và các lệnh giới nghiêm mà chính phủ áp đặt để ra ngoài kiếm sống.

Chile cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Hàng nghìn người dân đã đổ ra đường phố thủ đô Santiago để phản đối lệnh phong tỏa, tạo ra “môi trường hoàn hảo” để virus lây lan. Tổng thống Chile Sebastián Piñera cho biết hôm 24/5 rằng dịch Covid-19 khiến hệ thống chăm sóc y tế của quốc gia này tiến "rất gần đến giới hạn" sụp đổ.

Điều đáng quan ngại hơn là các chuyên gia dự báo tình hình này không thể cải thiện trong một sớm một chiều.

Evangelina Martich, một chuyên gia người Argentina về chính sách y tế tại Đại học Carlos III ở Tây Ban Nha bày tỏ lo ngại về tương lai trước mắt của Nam Mỹ và dự đoán: "Những hậu quả về kinh tế và xã hội sẽ rất lớn".

Nam Mỹ trở thành tâm dịch Covid-19 như thế nào?

Chiếm hơn một nửa số ca mắc Covid-19 trong khu vực, Brazil là tâm dịch của Nam Mỹ. Carissa Etienne - Giám đốc khu vực châu Mỹ của WHO nhận định với báo giới hôm 26/5 rằng tình hình ở quốc gia này rất tệ và có xu hướng ngày càng tồi tệ hơn.

"Chúng tôi đặc biệt lo ngại khi số ca mắc mới được ghi nhận vào tuần trước ở Brazil là con số cao nhất trong khoảng thời gian 7 ngày kể từ khi dịch bệnh bùng phát", Etienne nhận định. Giám đốc khu vực của WHO cũng chỉ ra rằng mô hình dự đoán dịch Covid-19 cho thấy "số ca tử vong hàng ngày ở đây đang tăng lên theo cấp số nhân, dự báo đỉnh dịch sẽ có khoảng 1.020 ca tử vong/ngày vào 22/6/2020. Vào ngày 1/8, Brazil sẽ có khoảng 88.300 ca tử vong".

Giữa bối cảnh đó, Tổng thống Brazil Bolssonaro vẫn tiếp tục đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh khi nói rằng Covid-19 cũng chỉ như "cúm nhẹ", đồng thời thúc đẩy việc sử dụng các loại thuốc chưa được chứng minh về tính hiệu quả như hydroxychloroquine để điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19. Những quan điểm như vậy đã tạo nên các cuộc tranh cãi lớn giữa Tổng thống Brazil với các nhà lãnh đạo các bang và địa phương - những người cho rằng cuộc khủng hoảng Covid-19 nghiêm trọng hơn nhiều so với các tuyên bố của ông Bolsonaro, đồng thời áp đặt các biện pháp phong tỏa, bất chấp yêu cầu của Tổng thống.

Hệ thống y tế công cộng của Brazil đã đối mặt với sức ép thậm chí trước khi đại dịch diễn ra và hiện nay, các bệnh viện tại những thành phố lớn đều bị quá tải. Việc thiếu các trang thiết bị y tế phù hợp cũng đặt các nhân viên tuyến đầu vào tình trạng nguy hiểm.

Trong khi đó, virus SARS-CoV-2 đang lan nhanh ở những cộng đồng dễ bị ảnh hưởng, đặc biệt là trong những khu ổ chuột ở ngoại ô các thành phố, những nơi mà việc thực hiện giãn cách xã hội gần như bất khả thi do điều kiện sống chật chội và không đảm bảo vệ sinh trong khi người dân vẫn tiếp tục phải làm việc mỗi ngày để kiếm sống. Dịch Covid-19 cũng đã lan tới cộng đồng những thổ dân bản xứ xa xôi trong bối cảnh họ hầu như khó có thể tiếp cận hệ thống chăm sóc y tế phù hợp.

"Chúng tôi rất lo ngại", Marcos Espinal - người đứng đầu cơ quan về các bệnh lây nhiễm tại Tổ chức Y tế liên châu Mỹ gần đây nhận định với báo giới. Ông cũng cho rằng, Brazil "vẫn còn một chặng đường dài" cần phải vượt qua trước khi chứng kiến bất kỳ dấu hiệu cải thiện thực sự nào.

Tuy nhiên, Brazil không phải là quốc gia duy nhất chịu tác động của dịch Covid-19 trong khu vực. Peru cũng đã chứng kiến sự bùng nổ các ca mắc mới vào tháng trước. Ngày 28/5, Peru ghi nhận gần 136.000 ca mắc Covid-19 và gần 4.000 trường hợp tử vong, đứng thứ 2 khu vực về cả số ca mắc và số ca tử vong.

"Tình hình nãy không chỉ là sự khẩn cấp về y tế mà còn là một thảm họa về y tế", Alfredo Celis thuộc Cao đẳng Y Peru nhận định.

Mặc dù Peru là một trong những quốc gia Nam Mỹ đầu tiên áp dụng lệnh phong tỏa nhưng nhiều người dân nước này lại không tuân thủ các quy định giãn cách xã hội. Nguyên nhân là bởi hàng triệu người dân Peru đang ở trong tình trạng đói nghèo và dù có dịch bệnh hay không thì họ vẫn phải rời nhà mỗi ngày để tìm việc và mua đồ ăn. Ra ngoài mua đồ ăn mỗi ngày là một việc phổ biến ở Peru bởi theo cuộc Điều tra dân số năm 2017 của quốc gia này, chỉ có 49% hộ gia đình ở Peru có 1 chiếc tủ lạnh.

Tình thế tiến thoái lưỡng nan này đang khiến tương lai Peru trở nên rất bấp bênh.

"Peru sẽ đạt đỉnh dịch với số ca tử vong mỗi ngày là khoảng 168 người vào ngày 30/6. Vào ngày 4/8, Peru sẽ có khoảng 13.000 người chết vì Covid-19", Etienne phát biểu trong buổi họp báo ngày 26/5.

Tình hình tại Chile, tâm dịch thứ 3 Nam Mỹ với hơn 82.000 ca mắc Covid-19 và gần 1.000 ca tử vong cũng không sáng sủa hơn là bao.

"Những tuần trước, chúng tôi nhận được một lượng lớn yêu cầu về thực phẩm từ người dân. Chúng tôi đang ở trong tình thế vô cùng phức tạp khi đối mặt với đói nghèo và tình trạng thiếu việc làm", Sadi Melo - thị trưởng khu El Bosque cho biết.

Tổng thống Peru Piñera thông báo chính phủ nước này sẽ cung cấp 2,5 triệu giỏ đồ ăn và các nhu yếu phẩm khác vào tuần tới, ưu tiên cho "những gia đình dễ bị tổn thương nhất".

Cơn ác mộng chỉ mới bắt đầu

Khi số ca mắc Covid-19 ở Nam Mỹ tăng theo cấp số nhân thì cũng là lúc hệ thống chăm sóc y tế khu vực này đứng trên bờ vực sụp đổ.

"Các giường bệnh, các chuyên gia y tế và trang thiết bị y tế như máy thở đều thiếu thốn, thậm chí trước cả khi đại dịch xảy ra", Sara Niedzwiecki - một chuyên gia về hệ thống chăm sóc y tế tại Nam Mỹ thuộc Đại học California Santa Cruz cho biết.

"Sau khi Covid-19 ập đến, nỗi lo ngại về sự sụp đổ của hệ thống y tế ngày càng hiện hữu. Tình trạng thiếu thốn y tế là thách thức với mọi quốc gia ở Nam Mỹ".

Nam Mỹ cũng đang gần đến thời điểm cúm mùa diễn ra khi Bán cầu Nam sắp bước vào mùa đông. Các chuyên gia y tế cho biết cúm mùa sẽ tăng số lượng bệnh nhân cần chăm sóc y tế, trong khi khu vực này vẫn tiếp tục phải đối phó với nhiều dịch bệnh nguy hiểm khác như sốt xuất huyết dengue, sốt vàng và chikungunya do muỗi truyền bệnh.

Ngoài ra, hầu hết các chính phủ Nam Mỹ vẫn đang quay cuồng trong những tác động của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và chìm sâu vào nợ nần.

Tình hình kinh tế ở Nam Mỹ sẽ ngày càng tồi tệ hơn khi nền kinh tế toàn cầu sắp rơi vào suy thoái. Nhiều nền kinh tế trong khu vực phụ thuộc lớn vào xuất khẩu hàng hóa, chẳng hạn như Venezuela và Ecuador phụ thuộc vào xuất khẩu dầu trong khi Chile, Peru và Bolivia dựa vào xuất khẩu các kim loại quý như đồng và kẽm. Nếu không có doanh thu từ ngoại thương và hầu như rất ít các hoạt động trao đổi liên châu lục, nền kinh tế và chính phủ các quốc gia Nam Mỹ sẽ mất đi nguồn doanh thu cần thiết để đối phó với dịch bệnh.

Tỷ lệ người nghèo ở Nam Mỹ chiếm 30% dân số toàn khu vực. Hàng triệu người đang sống trong các khu ổ chuột và không thể tiếp cận nguồn nước sạch khiến cho việc thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cơ bản như giãn cách xã hội và rửa tay thường xuyên gần như bất khả thi.

Sức ép kinh tế khiến việc một số quốc gia Nam Mỹ nới lỏng các quy định hạn chế. Điều này có thể giảm nhẹ tổn thất về kinh tế trong ngắn hạn nhưng sẽ gây nên một thảm họa trong dài hạn nếu virus SARS-CoV-2 tiếp tục lây lan không kiểm soát.

"Số người chết vì Covid-19 ở những nơi như Brazil và phần còn lại của Nam Mỹ có thể vượt xa những gì chúng ta đang chứng kiến ở Mỹ", Peter Hotez - Hiệu trường Trường Y học nhiệt đới quốc gia thuộc Đại học Y Baylor nhận định với Wall Street Journal hôm 24/5./.

Từ khóa: đại dịch Covid 19, ác mộng bắt đầu, Brazil vỡ trận, tồi tệ hơn Mỹ, tâm dịch Mỹ Latin

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập