"Có tình trạng một số cơ sở trợ giúp xã hội giữ trẻ lại để thu hút tài trợ"
Cập nhật: 12/09/2024
Hà Nội dự kiến chi 10.000 tỉ đồng/năm tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức
Dự thảo Luật Nhà giáo cần tạo cho nhà giáo sự phấn khởi, được tôn vinh
VOV.VN - Cục trưởng Cục Trẻ em cho rằng, hiện nay vẫn có tình trạng một số cơ sở trợ giúp xã hội giữ trẻ lại để thu hút nguồn tài trợ từ cộng đồng, nên không muốn chuyển trẻ đến những cơ sở khác.
Liên quan vụ bạo hành trẻ em ở mái ấm Hoa Hồng (quận 12, TP.HCM), ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết, đây là vụ việc gây bức xúc dư luận khi hành vi bạo lực diễn ra cả với trẻ sơ sinh. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin vụ việc, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH đã có công điện đề nghị Chủ tịch UBND TP.HCM khẩn cấp vào cuộc kiểm tra vụ việc; có các biện pháp bảo đảm an toàn, chăm sóc, phục hồi cho trẻ em là nạn nhân của hành vi bạo lực tại mái ấm Hoa Hồng… Hiện Cục Trẻ em đã nhận được báo cáo nhanh của Sở LĐ-TB-XH TP.HCM về vụ việc. Chính quyền TP.HCM cũng đã lập đoàn kiểm tra mái ấm Hoa Hồng và đưa các trẻ từ cơ sở này đến nơi chăm sóc mới đảm bảo an toàn, được chăm sóc tốt.
Ông Đặng Hoa Nam cho biết thêm, theo giấy phép mái ấm Hoa Hồng chỉ được nhận tối đa 39 trẻ, nhưng đã có thời điểm cơ sở này nhận đến 100 trẻ, gấp gần 3 lần so với quy định. Từ vụ việc này, Cục Trẻ em đã đề nghị TP.HCM phải thiết lập cơ chế, mạng lưới điều khối chuyển tuyến các dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ chăm sóc trẻ tập trung, cầu nối điều phối có thể là Sở LĐ-TB-XH TP.HCM hoặc Trung tâm công tác xã hội trực thuộc thành phố. Các đơn vị này có nhiệm vụ thông báo đến các cơ sở trợ giúp xã hội về việc không được phép giữ trẻ ở lại khi quá tải, để các em luôn được chăm sóc tốt nhất.
Đại diện Cục Trẻ em cũng cho rằng, hiện nay vẫn có tình trạng một số cơ sở trợ giúp xã hội giữ trẻ lại để thu hút nguồn tài trợ từ cộng đồng, nên không muốn chuyển trẻ đến những cơ sở khác.
Để tránh tái diễn nhưng sự việc tương tự, ông Đặng Hoa Nam cho rằng, cần nâng cao trách nhiệm giám sát, kiểm tra của các cơ quan quản lý, đặc biệt là sự giám sát của hệ thống camera nội bộ. Bên cạnh đó, về giải pháp lâu dài, cần khắc phục tình trạng thiếu đội ngũ công tác xã hội chuyên nghiệp. Chỉ có nhân viên công tác xã hội mới có thể giám sát thường xuyên, chỉ dựa vào các cơ quan quản lý nhà nước không thể đủ nguồn nhân lực để kiểm tra tất cả các cơ sở trợ giúp xã hội.
Ngoài ra, các địa phương vẫn đang thiếu cán bộ các tổ chức chính trị xã hội được đào tạo công tác xã hội và được giao trách nhiệm làm nhiệm vụ như nhân viên công tác xã hội. Những nguyên nhân này dẫn đến khó phát hiện các trường hợp trẻ bị bạo hành.
Mái ấm Hoa Hồng là cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập không thu phí do bà Giáp Thị Sông Hương làm chủ. Cơ sở chuyên trợ giúp, nuôi dưỡng các trẻ em cơ sở, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em bị mồ côi, sống lang thang với quy mô chăm sóc không quá 39 trẻ.
Theo điều tra của báo chí, tại mái ấm Hoa Hồng. có nhiều trường hợp trẻ em, bao gồm cả trẻ sơ sinh, nghi bị bảo mẫu bạo hành với các hành vi như ném trẻ xuống nệm, bóp mạnh đầu trẻ, và tát mạnh vào mặt trẻ dẫn đến bị thương. Các hành vi này diễn ra thường xuyên, đặc biệt là vào ban đêm khi không có sự giám sát của người ngoài.
Sáng 5/9, Công an TP.HCM đã ra quyết định tạm giữ bà Giáp Thị Sông Hương (SN 1974, trú 94/1053D đường số 20, Phường 6, quận Gò Vấp, TP.HCM) - chủ mái ấm và một số bảo mẫu, nhân viên mái ấm để củng cố hồ sơ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, Công an cũng truy tìm bảo mẫu xuất hiện trong clip hành hạ các trẻ em mà báo chí phản ánh.
Cùng ngày, UBND Quận 12 đã quyết định đình chỉ, thu hồi giấy phép hoạt động cơ sở này.
Từ khóa: trẻ em, cục trẻ em, bạo hành trẻ em, mái ấm hoa hồng
Thể loại: Xã hội
Tác giả: nguyễn trang/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN